Đấu giá tranh “rởm” của Hitler?

03/04/2009 15:12 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Theo đánh giá của các nhà phê bình mỹ thuật, tranh của “họa sĩ nghiệp dư” này rất tầm thường. Vậy mà gần đây các bức vẽ của nhân vật ấy có vẻ khá “đắt khách”. Đơn giản vì “họa sĩ nghiệp dư” đó chính là trùm phát xít Đức Adolf Hitler (1889 - 1945). Cuối tháng Tư tới, nhà đấu giá Mullock’s ở Anh lại đem ra bán nhiều bức tranh được cho là của hắn. Nhưng có nhiều khả năng đây chỉ là những tranh “rởm”.

Đấu giá “khuôn mặt quỷ dữ”
 
Tháng 10/1907, Adolf Hitler, khi đó 18 tuổi, nằm trong số 80 thi sinh dự thi vào Viện Nghệ thuật Vienna nổi tiếng. Viện này chỉ nhận 28 thí sinh và dĩ nhiên Hitler đã “trượt vỏ chuối” với bức tranh dự thi bị xếp vào loại “kém”. Không những thế, ông Viện trưởng còn chua thêm dòng nhận xét thí sinh này hoàn toàn không có năng khiếu nghệ thuật. Mặc dù vậy, Adolf Hitler vẫn mơ đến một cuộc đời nghệ sĩ và chuyển sang làm nghề “vẽ rong” cho các du khách trên đường phố để sống qua ngày.
 
Hitler tự hoạ?
 
Giờ đây, những bức tranh của tay “họa sĩ nửa mùa” thời ấy giành được khá nhiều sự chú ý tại các cuộc đấu giá. Ngày 23/4/2009 tới, nhà đấu giá Mullock’s ở Anh lại đem ra bán 13 bức tranh được cho là do Hitler vẽ vào cuối năm 1910. Theo Mullock’s, số tranh này được một hạ sĩ quân đội Mỹ tìm thấy ở Essen hồi năm 1945 và bán cho một nhà sưu tầm tranh. Sau 64 năm nằm hứng bụi, chúng được đưa ra bán đấu giá.

Giới thông tin đại chúng Anh đặc biệt chú ý đến bức tranh vẽ một người mặc đồ màu nâu ngồi trên cây cầu gãy nhịp. Người ta không thể thấy rõ mặt mũi nhân vật trong tranh mà chỉ thấy một dấu gạch chéo phía trên đầu và hai ký tự A.H.

Tờ Daily Mail ở London gọi bức “chân dung tự họa” này là “khuôn mặt của quỷ dữ”. Tất cả các bức tranh còn lại đều có hai chữ A.H (viết tắt của cái tên Adolf Hitler).

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng khó có thể khẳng định đây là những bức tranh của tên trùm phát xít thời còn trẻ. Bởi lẽ so với 7 bức tranh đã được kiểm chứng là của Hitler mà hãng Mullock’s công bố trước đó, người ta thấy các tranh sắp được đấu giá hoàn toàn khác về chủ đề, phong cách cũng như kỹ năng thể hiện. Các bức tranh này phảng phất những nét của trường phái Ấn tượng và do một người nào đó “có tay nghề” vẽ, chứ không thể là tác phẩm của “họa sĩ nửa mùa” Adolf Hitler.

Tranh “rởm” Hitler khá nhiều

Người ta có thể dễ dàng nhận ra tranh của Adolf Hitler vì sự... vụng dại trong các nét vẽ. Năm 1909, sau khi lần thứ hai thi trượt vào Viện Nghệ thuật Vienna, như trên đã đề cập, Hitler phải kiếm sống bằng những bức tranh phong cảnh bán cho du khách và chúng được vẽ một cách đơn giản là... sao chép thô thiển các bức ảnh in trên bưu thiếp. Thời ấy, Hitler chưa có đủ trình độ cũng như sự kiên trì để trực họa những thắng cảnh ở Vienna. Sau này, tranh của hắn có vẻ khá hơn khi chỉ tập trung vẽ các công trình kiến trúc nổi tiếng.

Có ý kiến cho rằng những bức tranh sắp được đấu giá có thể là của Reinhold Hanisch, người từng chung sống với Hitler tại một khu tập thể dành cho đàn ông ở Vienna trong giai đoạn 1909-1910. Năm 1939, Hanisch công bố ở Mỹ cuốn hồi ký nói về thời kỳ mình là “bạn thân của Hitler”. Theo bà Brigitte Hamann - một chuyên gia về Hitler - thì hồi ký của Hanisch là “đáng tin cậy”, trừ việc ông ta không chịu thừa nhận đã kiếm tiền bằng cách giả mạo tranh của Hitler, sau khi trùm phát xít này trở thành Quốc trưởng Đức. Tuy nhiên, những bức tranh giả mạo của Hanisch có chất lượng còn kém hơn nhiều so với tranh “họa sĩ nửa mùa” Hitler vẽ. Chính vì vậy mà cũng có nhiều nhà chuyên môn không tin rằng 13 bức tranh mà Mullock’s sắp đem ra đấu giá là “tác phẩm” của Hanisch.
 
Một tác phẩm khác trong số 13 bức tranh sắp được nhà
Mullock’s đưa ra đấu giá: Do một người nào đó “có tay nghề”
 vẽ, chứ không thể là tranh của “họa sĩ nửa mùa” Hitler

Thực tế ngoài Hanisch, hồi những năm 1930 còn có một số họa sĩ thực thụ cũng từng tìm cách kiếm tiền dựa trên sự nổi tiếng của Hitler. Để ngăn chặn tình trạng giả mạo này, ngày 28/3/1938, thậm chí Hitler đã ra lệnh cấm công bố các bức tranh của hắn. Mặc dù vậy trên thị trường chợ đen, các bức tranh có chữ ký “A. Hitler” hoặc “A.H” vẫn được bán chạy như tôm tươi. Tháng 3/1944, Hitler từng nói với nhà nhiếp ảnh riêng Heinrich Hoffmann: “Các bức tranh này chỉ đáng giá 150-200 mark. Thật điên rồ khi người ta mua chúng với giá cao hơn”. Vào thời điểm đó, một bức tranh “của Hitler” được bán với giá tới 10.000 mark.
 
Vẫn được giá?

Một dấu hiệu khác cho thấy 13 bức tranh mà Mullock’s sắp đấu giá có thể là tranh “rởm”: Chẳng họa sĩ nào lại đánh dấu gạch chéo và ký tên mình (hai ký tự A.H) lên đầu một nhân vật trong tranh như ở bức vẽ người mặc đồ màu nâu ngồi trên cây cầu gãy nhịp. 

Chẳng có hoạ sĩ nào lại đánh dấu gạch chéo và
ký tên mình như vậy

Mặc dù vậy, nhà Mullock’s vẫn hy vọng sẽ bán mỗi bức tranh được cho là của Hitler này với giá nhiều nghìn bảng.
Minh Bích

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm