Đau đáu Trường Sa

06/07/2014 11:00 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Đã gần 30 năm trôi qua kể từ ngày phục viên về địa phương, song ông Nguyễn Hữu Chí, Bí thư Chi bộ thôn Chùa Dưới, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang (Bắc Giang), nguyên Trưởng tàu HQ931 - Vùng 4 Hải quân, luôn đau đáu nỗi nhớ Trường Sa, nơi ông cùng đồng đội đã có những năm tháng tuổi trẻ hào hùng bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Nỗi nhớ ấy càng trở nên da diết như thôi thúc, vẫy gọi người cựu chiến binh trở lại với Trường Sa thân yêu.

Gặp cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chí khi ông vừa cùng các cán bộ của thôn Chùa Dưới xong cuộc họp, ông cho biết: Kể từ khi Trung Quốc ngang ngược, bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế, hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, tôi thường xuyên triệu tập họp lãnh đạo thôn để thông báo, phổ biến tình hình Biển Đông, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Mục đích là giúp cán bộ, đảng viên trong thôn nắm được và hiểu đúng bản chất vấn đề để giải thích, thuyết phục người dân vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, không để kẻ xấu lợi dụng căng thẳng trên Biển Đông xúi giục, kích động gây rối làm mất an ninh trật tự ở địa phương.

Với khuôn mặt đầy tự hào, ông Chí cho biết: Mặc dù sinh ra, lớn lên ở vùng trung du này, song ông có nhiều năm phục vụ trong lực lượng hải quân Việt Nam làm nhiệm vụ tại vùng biển Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Trong khoảng thời gian đó, ông đã đặt chân lên hầu hết các đảo nổi, đảo chìm thuộc Quần đảo Trường Sa. Đến nay, hình ảnh những tên đảo như Trường Sa lớn, Sinh Tồn, Song Tử, Phan Vinh…vẫn hiện rõ mồn một trong tâm trí của người cựu chiến binh đã từng một thời dọc ngang trên Biển Đông muôn trùng sóng gió.

Ông bồi hồi nhớ lại: Tháng 9/1972, đang học trường huyện, ông hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, trở thành Tiểu đội trưởng Tiểu đội súng cối 60 thuộc Sư đoàn 324. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông cùng đồng đội chiến đấu tại chiến trường Trị Thiên - Huế, tiêu diệt nhiều sinh lực địch và bắt sống toàn bộ chỉ huy Lữ đoàn thủy quân lục chiến Nguỵ trên phá Tam Giang. Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, tháng 3/1975 ông được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, được cấp trên cử đi học tại Trường sĩ quan Hải quân.

Hai năm sau, tốt nghiệp ra trường, ông được cấp trên điều về Hải đội 2, Lữ đoàn 125 - Bộ Tư lệnh Hải quân với chức vụ Phó trưởng tàu V685 gồm có 24 cán bộ, chiến sĩ. Sau một năm làm nhiệm vụ trên tàu V685, ông được điều sang tàu HQ615, HQ611 tham gia giải phóng Campuchia, sau đó được bổ nhiệm làm Trưởng tàu HQ931, thuộc quân số Đoàn tàu không số trong kháng chiến chống Mỹ, được Bộ Tư lệnh Hải quân tăng cường cho Hải đội 413. Dưới sự chỉ huy của ông, tàu HQ931 như con thoi đưa bộ đội, nước ngọt, vật liệu xây dựng, trang thiết bị kỹ thuật… ra đảo và đón cán bộ, chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ trở về đất liền. Những năm tháng kiên cường bám biển đảo, ông cùng đồng đội đối mặt, vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên và luôn cảnh giác cao độ trước sự nhòm ngó của tàu nước ngoài.

Sau hàng chục chuyến ra khơi, tháng 4/1986, Trưởng tàu HQ931 Nguyễn Hữu Chí phục viên về địa phương với quân hàm Thượng úy. Trở lại quê hương, phát huy truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ”, nhiều năm liền ông đảm nhận nhiệm vụ thư ký đội sản xuất, chi ủy viên kiêm công an viên rồi Bí thư Chi bộ làng Chùa gồm hai thôn. Từ năm 2006 đến nay, ông là Bí thư Chi bộ thôn Chùa Dưới. Đảm nhận nhiệm vụ được giao, ông tích cực cùng chi ủy lãnh đạo nhân dân hăng hái phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hoá, giữ vững an ninh trật tự. 7 năm liên tục Chi bộ thôn Chùa Dưới được công nhận đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; thôn 12 năm liền là làng văn hóa cấp huyện, 6 năm là làng văn hóa cấp tỉnh.

Dù trên bất cứ cương vị nào, người thuyền trưởng năm xưa vẫn đang vững vàng chèo lái "con thuyền” cơ sở vươn lên giành những chiến công mới. Và với cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chí, những năm tháng làm nhiệm vụ tại vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc mãi là kỷ niệm không bao giờ quên. Ông khẳng định: Nếu đất nước cần, ông sẵn sàng xung phong trở lại Trường Sa để cùng chung sức bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Dương Trí - TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm