03/04/2023 08:43 GMT+7 | Văn hoá
Tiên phong, kiểu mẫu, cùng với tinh thần hội nhập, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và dẫn dắt xu hướng -đó là mục tiêu đào tạo cử nhân thiết kế sáng tạo của khoa Các khoa học liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khoa này có triển vọng tăng cường nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của việc phát triển nền kinh tế sáng tạo, nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo Việt Nam trong thời gian tới.
Lễ ra mắt chương trình được tổ chức cuối tuần qua tại hội trường Ngụy Như Kon Tum (19 Lê Thánh Tông, Hà Nội), khi xưa là tòa nhà của Đại học Đông Dương, nơi có bức tranh tường Thăng đường nhập thất (77m²) nổi tiếng của họa sĩ Victor Tardieu.
Kế thừa truyền thống, hướng tới xu thế
Gần một thế kỷ trước, cũng tại địa điểm này, bằng sự nỗ lực nhằm hướng đến việc khơi gợi và phát huy các giá trị thẩm mỹ của nền nghệ thuật truyền thống bản địa, Victor Tardieu và những cộng sự Việt Nam đã thành công trong việc thành lậpCao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Cơ sở này tồn tại như một đơn vị trực thuộc Đại học Đông Dương, tiền thân của Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay.
Nhờ được đặt trong hệ thống đào tạo của Đại học Đông Dương, mà các chương trình đào tạo mỹ thuật tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương thời điểm đó đã sớm thể hiện triết lý khai phóng và tư duy tiếp cận liên ngành khi sinh viên được học tập nhiều lĩnh vực khác nhau từ khoa học cơ bản cho đến chuyên ngành nghệ thuật như hội họa, điêu khắc, kiến trúc, nội thất…
Những người sáng lập nên ngôi trường này cũng kỳ vọng nơi đây sẽ là vườn ươm các họa sĩ, các nhà giáo có kiến thức và năng lực để tạo ra công cuộc phục hưng nghệ thuật quốc gia. Đồng thời đào tạo cả những thợ thủ công mỹ thuật có khả năng tạo ra được các sản phẩm với bản sắc riêng.
Thực tế, chỉ chưa đầy hai thập niên tồn tại, Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương không những hoàn thành sứ mệnh lịch sử được giao phó, mà thực sự đã trở thành cái nôi của nền nghệ thuật và mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Tuy nhiên, vì những lý do khách quan mà truyền thống đó đã không được tiếp tục duy trì.
Kế thừa truyền thống, PGS-TS Nguyễn Văn Hiệu (Chủ nhiệm khoa Các khoa học liên ngành) cho rằng: "Sự ra đời của chương trình đào tạo cử nhân thiết kế sáng tạo không chỉ đem đến những tín hiệu mới cho sự phục hồi của giáo dục nghệ thuật và sáng tạo mang tính liên ngành của Đại học Đông Dương - Đại học Quốc gia Hà Nội, mà còn phát triển nó trong sự tích hợp với khả năng ứng dụng hướng tới đại chúng và xu thế toàn cầu hóa của thời đại".
"Nó cũng phản ánh một tầm nhìn quốc gia mới trong việc nâng cao vị thế của sáng tạo nghệ thuật, trở thành một bộ phận quan trọng, không thể tách rời, trong hệ thống giáo dục và kiến tạo tri thức, bên cạnh các lĩnh vực khoa học truyền thống" - ông Hiệu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hiệu, mục tiêu trước hết và quan trọng hơn cả của chương trình đào tạo là đáp ứng nhu cầu thiết thực của xã hội: "Sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp văn hóa và sáng tạo trên thế giới, cũng như những đóng góp ngày càng lớn của lĩnh vực này trong sự phát triển kinh tế đất nước, đã khiến nhiều quốc gia nhận thức một cách đầy đủ hơn về vai trò của thiết kế sáng tạo như là một thành tố cốt lõi của kinh tế sáng tạo. Đây được coi là nguồn lực chính cho sự đổi mới mềm và lực đẩy cho sự phát triển kinh tế, nâng cao định hướng thẩm mỹ, tăng sức cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế".
Trong khi đó, PGS-TS Phạm Quỳnh Phương (Trưởng bộ môn Công nghiệp văn hóa và sáng tạo, khoa Các khoa học liên ngành) cho biết: "Trong xu hướng phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo những năm gần đây, chúng ta đều biết, thiết kế đã được xem là học phần then chốt trong nền kinh tế sáng tạo. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa của nhà nước ban hành năm 2016 cũng đã coi yếu tố chiến lược tạo nên tính cạnh tranh cho các sản phẩm và dịch vụ của cá nhân, công ty, tập đoàn chính là nhờ yếu tố thiết kế".
"Nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, cập nhật với quốc tế trong lĩnh vực này, do đó đã là nhu cầu rất lớn của xã hội hiện nay và trong cả thời gian sắp tới" - bà Phương khẳng định.
Cũng theo bà Phương, trước sự phát triển của đời sống xã hội thời kỳ 4.0, yêu cầu đặt ra với các nhà thiết kế đó không phải chỉ là một người biết vẽ, có tư duy mỹ thuật hoặc tạo hình, mà còn cần phải phát triển năng lực sáng tạo một cách toàn diện để đem lại những giải pháp trực quan, giải quyết các vấn đề dựa trên những hiểu biết về nghệ thuật, về văn hóa bản địa, về văn hóa đương đại, về xã hội, về công nghệ và hiểu biết cả về ngành công nghiệp, thị trường.
"Nói cách khác, thiết kế sáng tạo đòi hỏi người thiết kế không chỉ là một nghệ sĩ mỹ thuật, mà là một nhà sáng tạo, có trách nhiệm xã hội, có năng lực, đem lại các giải pháp thiết kế tổng thể, quản trị được nguồn nhân lực, làm chủ được công nghệ, có khả năng quản trị quá trình kinh doanh, phân phối sản phẩm, quan hệ với khách hàng để tối ưu hóa hoạt động sản xuất phù hợp với yêu cầu của nền công nghiệp và đáp ứng nhu cầu của người dùng. Từ đó, có thể quản lý và tham gia vào nhiều công đoạn khác nhau của giải pháp thiết kế sáng tạo tổng thể một cách bền vững" - bà Phương nói.
Bởi thế, chương trình cử nhân thiết kế sáng tạo của khoa Các khoa học liên ngành được xây dựng với phương châm tiếp cận liên ngành sáng tạo, công nghệ, kinh doanh và đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển nguồn nhân nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cụ thể, chương trình hướng đến đào tạo sinh viên ngành thiết kế sáng tạo có tư duy sáng tạo theo hướng phát triển bền vững và có chiều sâu, có tính trách nhiệm xã hội, có tính nhân văn, có sự nhạy bén về kinh doanh, cũng như năng lực ứng dụng công nghệ trong bối cảnh chuyển đổi số.
Đào tạo tư duy thiết kế như một nhà sáng tạo đa năng
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Hiệu cho rằng việc xây dựng chương trình cử nhân thiết kế sáng tạo cũng được nhìn nhận trong mối quan hệ phát triển của Thủ đô, nhất là khi Hà Nội là một trong số không nhiều các thành phố trên thế giới được UNESCO công nhận trong mạng lưới các thành phố sáng tạo về lĩnh vực thiết kế. Minh chứng cho thấy, trong thời gian qua, bằng nhiều hoạt động triển lãm, lễ hội, trưng bày, Hà Nội đã từng bước giới thiệu đến công chúng về hình ảnh của một cộng đồng sáng tạo, trẻ trung và năng động.
Tuy nhiên, cũng theo ông Hiệu, tất cả những điều đó dường như chưa tương xứng so với chiều dài lịch sử, cũng như tiềm năng sáng tạo, mà cộng đồng cư dân Hà Nội đang có.
"Yếu tố mang tính quyết định để đưa Hà Nội thực sự trở thành một thành phố sáng tạo và thiết kế là lĩnh vực này phải trở thành nguồn mạch trong việc bồi dưỡng, phát triển tri thức, đóng góp trực tiếp vào đời sống kinh tế hàng ngày của cộng đồng cư dân địa phương" - ông Hiệu khẳng định - "Do đó, chương trình đào tạo cử nhân thiết kế sáng tạo tại khoa Các khoa học liên ngành chắc chắn sẽ là một nền tảng quan trọng để hỗ trợ việc xây dựng và phát triển thành phố này trong tương lai".
Đây là một mục tiêu hoàn toàn khả thi khi chương trình chú trọng đào tạo tư duy thiết kế như một nhà sáng tạo đa năng.Họ vừa có năng lực thiết kế, vừa có hiểu biết dày dặn về văn hóa nghệ thuật, có trách nhiệm với xã hội, có tầm nhìn về phát triển bền vững và có năng lực quản trị dự án, quản trị kinh doanh, để phát huy tối đa hiệu quả trong nền kinh tế đầy năng động, sáng tạo thời kỳ 4.0.
PGS-TS Phạm Quỳnh Phương cho biết, ngành thiết kế sáng tạo sẽ trang bị cho người học các nhóm năng lực quan trọng bao gồm: tư duy tổng hợp và tiếp cận liên ngành trong các chủ đề liên quan đến thiết kế sáng tạo; kiến thức nền tảng về quản trị, marketing, truyền thông, kinh doanh trong việc quản lý và điều hành các hoạt động thiết kế sáng tạo; khả năng sử dụng hợp lý các nền tảng công nghệ, phương pháp, công cụ trong quản lý và điều hành các hoạt động thiết kế sáng tạo.
Cùng với đó là khả năng tham gia tư vấn về thiết kế sáng tạo để đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời đảm bảo sự hài hòa giữa tính nghệ thuật, thẩm mỹ; khả năng cập nhật và thích ứng linh hoạt với các xu thế sáng tạo của thế giới và Việt Nam; khả năng kết nối và huy động sự tham gia của các bên liên quan và khả năng phát triển, thực thi các ý tưởng mang tính sáng tạo, khởi nghiệp liên quan đến thiết kế sáng tạo; có nhận thức về đạo đức và trách nhiệm xã hội trong sáng tác, quản lý và điều hành các hoạt động thiết kế sáng tạo.
Các chuyên ngành của cử nhân thiết kế sáng tạo
Chương trình chính thức tuyển sinh và đào tạo từ năm học 2023-2024, gồm 3 chuyên ngành: Đồ họa công nghệ số; Thời trang sáng tạo; Nội thất bền vững.
Tất cả được dạy với giáo trình đặc thù - chuyên dụng, công cụ học tập chuyên nghiệp - hiện đại, hướng đến các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao,có tính ứng dụng rộng rãi, có tinh thần phát triển bền vững, thân thiện môi trường. Giúp các cử nhân thiết kế sáng tạobiết tư duy kết hợp, làm chủ nghề nghiệp, vững bước tương lai.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất