Hoạ sĩ Lê Trí Dũng: Rắn và những đám mây xù màu cô

09/02/2013 06:24 GMT+7 | Văn hoá

Không chỉ nối tiếng với tranh ngựa, tranh hoa sen, họa sĩ Lê Trí Dũng còn được nhiều người biết đến với tranh rắn. Trong 12 con giáp, thì rắn là con vật "thách đố" người họa sĩ vào bậc nhất, vì tạo hình của nó rất khó để có tranh đẹp. Không chỉ dám "đương đầu vượt khó" vẽ tranh rắn, Lê Trí Dũng còn tạo nên những bức tranh rắn độc đáo nhất...

Rắn trong tranh của Lê Trí Dũng luôn mang gương mặt, dáng dấp của người đàn bà, với mái tóc xù rất đặc trưng. Đón năm mới Quý Tị, thật tuyệt vời khi được trò chuyện với người họa sĩ vẽ nhiều tranh rắn, cùng chia sẻ những điều thú vị khi anh thể hiện loài vật này dưới mắt nhìn hội họa của riêng anh.

* Thưa họa sĩ Lê Trí Dũng, nhiều đồng nghiệp của anh chia sẻ rằng trong số 12 con giáp thì vẽ con rắn dường như là khó nhất. Nhưng anh là một trong số rất ít họa sĩ vẽ nhiều tranh rắn. Xin hỏi, đâu là khởi nguồn cho cảm hứng của anh về con vật có vẻ đáng sợ ở ngoài đời và "khó trị" trong hội họa như vậy?

+ Đối với cánh họa sĩ chúng tôi, trong 12 con giáp thì ngoài rắn, còn có hai con vật khác nữa là Chuột và Khỉ đều rất khó vẽ. Ngay cả những họa sĩ vẽ chuyên vẽ con giáp cũng vẫn thường bỏ lửng khi gặp mấy con vật này. Riêng với con rắn, về mặt tạo hình là khó với họa sĩ. Nhìn theo "chuyên môn" mỹ thuật, thì để có một bức tranh Rắn đẹp là không dễ chút nào. Tôi có một người bạn, một người em là Trương Nhuận, bây giờ đang làm Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ, rất mê tranh của tôi. Năm nào Nhuận cũng nhờ tôi vẽ cho cậu ấy tranh con vật biểu tượng của năm ấy. Nhưng rồi đến năm Tỵ (2001) tôi bảo với Nhuận là tôi khó có tranh Rắn đẹp cho cậu ấy, vì tôi không có tứ gì cho con vật này cả. Trương Nhuận mới gợi ý tôi nên vẽ Rắn gắn với hình ảnh người đàn bà thì sẽ rất đặc biệt. Cái tứ này Nhuận lấy từ tích Ađam và Eva xuống trần cùng con rắn, và lấy tích từ vụ án Lệ Chi Viên trong lịch sử. Sau gợi ý của Nhuận, tôi thử vẽ và thấy có lý thật. Nghĩ ngợi sâu sắc hơn, không chỉ về mặt tạo hình, mà trong nhiều ý nghĩa khác thì con rắn và người đàn bà luôn có một mối liên hệ nào đó, ví dụ như sự mềm mại, khó nắm bắt…

* Rắn trong tranh của anh thường mang khuôn mặt và những đường nét trên cơ thể như bầu ngực, dáng dấp của người đàn bà. Đặc biệt nhất là mái tóc. Vì sao luôn luôn là mái tóc xù, chứ không phải tóc bím hay tóc tết chẳng hạn, thưa anh?

+Cái này thì nó thuần túy là lý do chuyên môn thôi. Vì hình ảnh con rắn, về mặt tạo hình là tương đối đơn điệu, chủ yếu là đường nét dài, phần trên và phần dưới gần như bằng nhau. Mái tóc xù trên khuôn mặt đàn bà sẽ tạo ra bố cục đẹp cho bức tranh rắn. Ngoài ra, mái tóc xù của con rắn còn hàm chứa nhiều ý tưởng khác. Nó giống như một đám mây cách điệu. Vì ý tưởng đó mà tóc xù của rắn luôn được tôi vẽ bằng màu xanh cô-ban hoặc màu trắng. Đám mây là ẩn dụ của sự che khuất, sự chứa đựng nào đó. Giống như trong điển tích người ta thường ví con rắn với sự xảo trá, khó lường, và cả sự huyền bí, linh thiêng nữa… Song đám mây cũng đồng thời là biểu tượng cho sự lãng mạn, sự ngây thơ, khờ khạo, thậm chí là nỗi hoài niệm về ký ức. Tất cả chỉ ngầm hàm ý một điều rằng, con rắn cũng giống như người đàn bà vậy, không dễ để hiểu nó…

Khi vẽ tranh rắn tôi tự dưng lại thích tìm hiểu những kiến thức, những câu chuyện liên quan đến rắn và nhận ra đây là con vật tuyệt hay. Chẳng hạn như hầu hết các loài rắn đều đẻ trứng, duy chỉ có con rắn nước là đẻ con. Một số bức tranh tôi vẽ mẹ con rắn nước rất tình cảm, nhiều người xem rất thích. Tuy nhiên tôi cũng phải nói thêm rằng, tôi không chỉ vẽ rắn mang khuôn mặt người đàn bà, mà có một số bức tôi vẽ rắn trong dáng vẻ của người đàn ông. Bức "Rắn Từ Hải" là một ví dụ…



Chùm tranh rắn của Lê Trí Dũng.

* Một số người cho rằng khi họa sĩ vẽ rắn trong dáng vẻ, hay trong trường liên tưởng tới người đàn bà là có ý coi thường, thậm chí là xúc phạm phụ nữ? Cá nhân tôi thì nghĩ khác, rắn là con vật có nọc độc, còn phụ nữ là đại diện cho cái đẹp. Khi họa sĩ vẽ rắn trong hình hài người phụ nữ, có thể ông đang ngầm nhắn nhủ với người xem, rằng cái đẹp đôi khi cũng là độc dược đấy. Ông nghiêng về ý kiến nào?

+Theo tôi chúng ta nên tuyệt đối tránh cái nhìn áp đặt với nghệ thuật. Cái đẹp có ở trong tất cả mọi vật của thiên nhiên. Trong dân gian, con rắn bị mang tiếng là mưu mô, xảo trá, khó lường có lẽ bởi dáng đi luồn lách của nó. Nhưng nhìn ở góc độ khác, con rắn lại là con một trong những con vật linh. Nó chỉ thường xuất hiện ở những nơi trang nghiêm thờ cúng như đền chùa miếu mạo. Trong truyền thuyết của người Chăm, rắn thần Naga có 7 đầu, có mào đỏ, nọc độc có thể giết chết một con voi, nhưng lại chuyên đi bảo về cái Thiện, phun lửa làm bậc thang để đón chào Đức Phật xuống hạ giới. Lại có sự tích về một cặp rắn tu tại chùa Mật Sơn Tự ở Thừa Thiên-Huế vào những năm 40 của thế kỷ trước. Cặp rắn ngụ tại đáy hang ở dưới mộ tháp, hàng đêm cứ 3h sư cụ dậy đọc kinh thì chúng bò vào Tam Bảo, mỗi con một bên nằm cuộn tròn nghe kinh. Cặp rắn này không ăn thịt, chỉ ăn hoa tàn cúng lễ và và bầu bí rau cỏ người dân địa phương cho. Chúng hiền lành, không bao giờ hại người. Đúng Rằm tháng 7 năm 1945, sau buổi nghe giảng kinh của sư cụ, cặp rắn đến gật đầu chào nhiều lần rồi đi, từ bấy không bao giờ xuất hiện tại ngôi chùa nữa. Sau này có nhiều nhà nghiên cứu hỏi thượng tọa trụ trì chùa Mật Sơn Tự, vì sao lại có cặp rắn khôn ngoan như vậy, thượng tọa mới giải thích rằng, rắn là một trong tám loài thuộc Thiên Long Bát Bộ, có khả năng ngộ chứng Phật Pháp và có sứ mệnh hộ trì Tam Bảo. Thật là một loài động vật có tính linh đặc biệt siêu phàm. Không chỉ thế, rắn còn là loài vật quý ở chỗ nọc độc của nó được dùng để chữa bệnh cứu người. Một nhà khoa học trên thế giới đang nỗ lực bào chế thuốc chữa một số bệnh ung thư từ nọc độc của rắn. Không phải ngẫu nhiên mà biểu tượng con rắn được dùng để tượng trưng của ngành Y. Còn lý do tại sao tôi vẽ rắn có bộ ngực của người đàn bà, là tôi rất yêu thích văn hóa của người Chăm. Khi đến Tháp Chàm ở Tuy Hòa - Phú Yên, tôi đứng lặng trước tấm bia đá có niên đại hơn 1000 năm, chạm nổi hình một vũ nữ đầu người mình rắn đang múa tuyệt đẹp. Tôi đã xin phép tiền nhân đưa vào mô-típ con giáp một cách gần như nguyên xi.

Đấy, con rắn "hay" và đẹp thế, thì cớ gì bảo tôi vẽ rắn ẩn trong hình ảnh người đàn bà là không tôn trọng đàn bà? Người Trung Quốc có câu "Mỹ nhân Tuổi Tỵ", tôi tán thành điều này. Nhưng tôi cũng thích cách mà bạn phát hiện, rằng cái đẹp đôi khi cũng có thể là độc dược. Tuy nhiên, chúng ta không lạm bàn về lý luận. Hãy cứ để người xem được tự do cảm nhận khi đứng trước một bức tranh rắn.

- Năm Quý Tỵ, năm của con Rắn đang đến rất gần, ông có lời chúc gì cho độc giả chăng?

+ Nhìn lại lịch sử dân tộc có thể thấy, năm Quý Tỵ là năm chào đời của nhiều anh hùng cái thế, danh nhân xuất chúng. Vậy có thể nói chúng ta sắp sửa đón một năm tuyệt hay. Tôi xin chúc cho các bạn họa sĩ vẽ được nhiều tranh rắn đẹp. Và các độc giả yêu quý sẽ có một năm ít lo toan hơn, thịnh vượng hơn.

* Xin cảm ơn họa sĩ Lê Trí Dũng và chúc ông năm mới sức khỏe, sáng tạo

Theo  Vũ Quỳnh Trang

Văn nghệ công an

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm