Đạo diễn Quốc Trọng: Một phim tốt phải giúp ích cho cộng đồng

15/07/2014 08:30 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Sau “chuyến đi lịch sử” lần đầu tiên đưa cả một đoàn làm phim Việt Nam với hàng tấn máy móc ra nước ngoài làm phim Hai phía chân trời, đạo diễn Quốc Trọng tạm lui về nuôi ý tưởng. Gần đây anh chỉ xuất hiện trong vai trò đồng đạo diễn, cùng các đạo diễn trẻ ở VFC thực hiện những bộ phim như Con thuyền số phận, Bão qua làng.

Tuy nhiên đạo diễn của những bộ phim truyền hình được khán giả yêu thích: Mùa lá rụng, Đường đời, Bí thư tỉnh ủy, Hai phía chân trời… vẫn đang đi tìm những kịch bản có thể thuyết phục được chính mình làm phim.

* Nhìn vào danh sách phim anh làm sẽ thấy toàn những dự án trọng điểm của VFC với đề tài rất… “khó nhằn”, đòi hỏi tay nghề cao. Làm cách nào để được giao những dự án như vậy?

- Có thể bạn nghĩ tôi “kén cá chọn canh” nhưng không phải đâu, nhiều đề tài là do hãng giao. Có những phim khó thì anh em cứ nhè mình thật. Tôi lại thích vì được thử sức. Cá nhân tôi cũng luôn tìm kiếm những kịch bản hay.

Nhưng không phải cái gì mình thích cũng được cho làm ngay. Như Bí thư tỉnh ủy, phải mất 5 năm mới được duyệt vì đề tài nhạy cảm. Kịch bản Hai phía chân trời lúc đề xuất chẳng ai mặn mà vì làm phim bối cảnh nước ngoài quá tốn kém, vài năm sau mới được duyệt.


Đạo diễn Quốc Trọng (trái) và con trai là đạo diễn Trọng Khôi trong buổi họp báo ra mắt phim Con thuyền số phận

* Những bộ phim anh làm đều đụng đến những giai đoạn quan trọng trong xã hội Việt Nam. Có ám ảnh nào đó từ quá khứ khiến anh cứ muốn làm những đề tài đó không?

- Tôi sinh ra ở Hà Nội, cả tuổi thơ sống trong chiến tranh. Với những ký ức về quá khứ tôi có thể làm không biết bao nhiêu tập phim. Giống như nhà văn viết về quá khứ, làm phim cũng là cách lưu giữ lại những dòng chảy văn hóa, đời sống. Tôi muốn qua đó, khán giả một lần nữa nhớ lại  thời kì đất nước này đã trải qua như thế. Và quan trọng bộ phim phải giúp ích cho cộng đồng, giúp họ nhìn nhận ra một vấn đề nào đó.

* Anh có hay nhận được thư của khán giả truyền hình? Họ nhận xét gì về phim của anh?

- Tôi làm phim hàng chục năm nay rồi nên cũng nhận được hàng ngàn bức thư. Đến bây giờ tôi chỉ giữ lại một bức của khán giả xem phim Làm mẹ. Phim này kể về một người con gái gặp nhiều trắc trở về tình duyên đã quyết định vào một trung tâm từ thiện nhận chăm sóc những đứa trẻ vô thừa nhận. Người viết thư cho tôi nói sau khi xem phim cô ấy đã từ bỏ ý định quyên sinh và  xin vào làm tại một trung tâm từ thiện.

Tôi thấy ở Việt Nam ta không cứ gì văn chương, phim ảnh mà các ngành nghề đều có thói quen “bán” cái mình có chứ không phải “bán” cái người ta cần. Người làm cứ tưởng cái mình làm ra hay và bắt bà con chấp nhận. Nhờ những lá thư của khán giả tôi biết họ cần gì, và cần phải điều chỉnh gì trong phim của mình.

* Được biết ở VFC có ít nhất 4 cặp đạo diễn bố - con. Công việc vừa kèm cặp, vừa cộng tác với đạo diễn trẻ có gì thú vị không? Và chuyện hai bố con cùng đạo diễn một phim nữa?

- Khi làm tôi đều giao hẹn ngay từ đầu, đi giúp không có nghĩa làm hộ, các anh cứ tự làm, tự “đập đầu vào tường” rồi sẽ trưởng thành. Thời gian làm Con thuyền số phận với đạo diễn Trọng Khôi (con trai của đạo diễn Quốc Trọng – PV), anh em trong đoàn quan sát xem tôi có nhúng tay vào nhiều không, nhưng tôi toàn bỏ đi chơi. Đạo diễn phải là người phải có năng lực để thuyết phục các thành phần trong đoàn làm phim, nên Khôi sẽ phải tự xoay sở thôi.

* Cá nhân anh đang chuẩn bị kịch bản nào không?

- Tôi đang chuẩn bị làm một bộ phim dựa theo tiểu thuyết của nhà văn Chu Lai. Nhân vật là Hùng Carô, có nguyên mẫu là một nhân vật có thật. Anh này từng ra tù vào tội, sau phục thiện về làm ăn và trở thành tổng giám đốc một công ty. Mô típ không mới, nhưng kịch bản có nhiều chi tiết hay để làm thành phim.

* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm