17/05/2011 10:55 GMT+7 | Truyền hình thực tế
(TT&VH) - Thừa nhận rằng, vì “cái tôi” nghệ sĩ, đạo diễn kỳ cựu Phi Tiến Sơn ít khi lên tiếng phát biểu trước công luận về công việc của mình. Tuy nhiên, trước những phản hồi trái chiều xung quanh bộ phim truyền hình mới nhất của anh: Xin thề anh nói thật (đang trình chiếu trên kênh VTV1 vào lúc 20h10 các tối thứ Hai, Ba, Tư), khi phim chỉ còn 4 tập phát sóng, vị đạo diễn này đã thẳng thẳn “bắt bệnh” cả báo chí và qua đó bàn về những vấn đề của phim Việt hiện nay.
Hài hước là sự lựa chọn hợp lý
* Thưa anh, thời gian qua, bộ phimXin thề anh nói thậtđã nhận được khá nhiều phản hồi từ dư luận và khán giả, trong đó khen có, chê có. Trước những nhận xét đó, anh – với vai trò đạo diễn của bộ phim – suy nghĩ thế nào?
- Xin thề anh nói thật là phim giải trí hướng tới khán giả trẻ, đề cập những vấn đề của giới trẻ. Cho đến nay, phim đã đi gần hết chặng đường, theo tôi được biết, dư luận phản hồi của các bạn trẻ là tốt. Các bạn trẻ nhận được những thông điệp ẩn dụ của bộ phim.
Về ý kiến của một số báo, tôi cho rằng, họ đã nhận xét đúng. Sao tôi lại nói đúng? Vì họ đánh giá rằng các nhân vật vô vị, nhảm, vớ vẩn, cứ phất pha phất phơ... Nhận xét đó đúng, đơn giản vì đó là ý đồ của tác giả. Đây là bộ phim giải trí dùng ngôn ngữ hài để giễu cợt, phê phán. Bản chất của hài bao giờ cũng vậy. Trong kho tàng truyện tiếu lâm, đằng sau tiếng cười là sự góp ý, chê bai nhẹ nhàng. Không chỉ có chúng ta, cả thế giới làm thế.
Phim Xin thề anh nói thật dùng thủ pháp hài, cường điệu những tính xấu, những sự nhố nhăng của một số đối tượng bạn trẻ trong xã hội tiêu dùng. Xã hội tiêu dùng bên cạnh mặt tích cực về phát triển kinh tế lại nảy sinh nhiều vấn đề trong đó có suy thoái về đạo đức.
Tuy nhiên, nhận xét của một số bài báo chỉ nhìn thấy vỏ ngoài của hình tượng nhân vật, chứ không nhận ra nội dung phê phán cũng như thông điệp đằng sau nó. Báo chí đã nhầm lẫn nhân vật nhảm với phim nhảm. Trong khi, thông điệp của phim là: Trong xã hội tiêu dùng đang phát triển ở Việt Nam xuất hiện một bộ phận giới trẻ không làm chủ được mình mà chạy theo giá trị vật chất, mải chơi, tham lam, ích kỷ, thiếu lý tưởng...
Những mặt trái này, khuyết điểm này sẽ rất khó góp ý cho các bạn trẻ. Ở đây hài hước là sự lựa chọn hợp lý. Tiếng cười biến thuốc đắng thành 10 thang thuốc bổ.
Giá trị nhận thức và giáo dục của bộ phim còn ở chỗ tìm ra cách để anh chàng Đôngjoang Phan Vũ tiến bộ. Đó là một tình yêu trong lành bắt nguồn từ lao động... Phan Vũ thay đổi và nhận lại một tình yêu đẹp.
Nhiều bậc phụ huynh xem phim này cũng hào hứng với cách các ông bố bà mẹ coi con như bạn, thông cảm và sẵn sàng giúp đỡ. Phụ huynh hãy cập nhật đi để thấy trong xã hội tiêu dùng này con cái họ gặp phải những thách thức gì. Đó là thông điệp trong lành và tử tế.
Đạo diễn Phi Tiến Sơn (bìa phải, ngồi) tại trường quay
Xin thề anh nói thật. Ảnh do nhân vật cung cấp
- Sự vội vã, thậm chí nông cạn trong một vài phê phán theo tôi bắt nguồn từ kiến thức, từ khả năng thẩm định. Và bắt nguồn cả từ cái tâm của người làm báo.
Gần đâyBi, đừng sợ là một hiện tượng, bị “đánh” rằng không phải hình ảnh Việt Nam, phim nhàm, không nó nội dung, sex quá... Nhưng tôi thấy nó là bộ phim có màu sắc riêng, là món ăn đặc biệt và phải thưởng thức nó trong bối cảnh đặc biệt. Xét về phương diện nghệ thuật, đó là phim đáng xem.
* Trong những cuộc tranh luận, có thể nói là bất tận, về những tác phẩm điện ảnh – truyền hình như anh vừa kể ở trên, tôi thấy hầu như những người làm điện ảnh đều đứng ngoài cuộc. Vì sao vậy, thưa anh?
- Điều đầu tiên, các nhà chuyên môn, các nghệ sĩ nói chung là ích kỷ. Đó là bản chất của những người làm sáng tạo. Vì họ luôn suy nghĩ độc lập. Nghệ sĩ có “cái tôi” rất lớn nhưng mặt khác rất nhạy cảm, yếu đuối và không có khả năng tự vệ. Tất cả những cái gọi là phê bình không đúng chỗ, đúng lúc của dư luận thông qua báo chí bao giờ cũng để lại những vết thương khó lành. Họ có thể cáu, uống rượu, nói lung tung bên bàn cà phê nhưng rồi cũng không làm gì... Nói chung “đánh” nghệ sĩ là dễ nhất. Thế nên, trước những nỗi đau như thế, họ thường nuốt vào trong và có thể bị ảnh hưởng tới những sáng tác tiếp theo. Những người có bản lĩnh, tự tin vào khả năng của mình thì có thể dễ vượt qua.
Phải nhìn thấy cái lớn hơn
* Khi những “gáo nước lạnh” liên tiếp dội vào Xin thề anh nói thật, anh có bị tổn thương như thế?
- Tôi là người từng trải, tôi tin vào chuyên môn, sự tử tế và ý thức công dân của mình. Vì thế, tôi không bị tác động nhiều. Tôi khá tĩnh khi hiểu ra những điều ở đầu câu chuyện này đã nói với bạn. Nhưng buồn là những người bên cạnh mình bị ảnh hưởng. Jennifer Phạm và Danh Tùng đã làm hết sức. Đó là những vai tốt nhất trong số những vai diễn của họ. Giờ thì họ chường lên mặt báo như một ví dụ của sự thất bại. Thậm chí một bài phê phán chung phim Việt cũng in hình họ. Ở một góc độ nào đó, đây là một sự xúc phạm, dù vô tình hay cố ý. Tôi thấy áy náy quá. Còn bao diễn viên kỳ cựu và những người làm chuyên môn. Họ đều là những chuyên gia lâu năm trong nghề, có tâm và hiểu hơn ai hết kịch bản bộ phim này, hơn cả các nhà báo. Thế mà bây giờ lại bị những người xem phim lướt qua phê bình không thương tiếc. Họ cảm thấy công sức đang bị coi thường, bị đánh giá không đúng. Rồi thì đài truyền hình, thực ra, hội đồng đều là những người muốn có phim tốt, ủng hộ xã hội hóa, những người cũng xem phim kỹ lưỡng, bởi nếu có vấn đề gì họ là người chịu hậu quả đầu tiên. Họ cũng soi từng tí một, vậy mà ở đâu đó làm ầm ĩ lên. Rồi nhà sản xuất, bỏ một lượng tiền không nhỏ, muốn tạo thương hiệu, muốn kinh doanh và đóng góp cho xã hội một tiếng nói, có thể giờ họ chán nản...
Những năm qua, chúng ta đang ở trong hoàn cảnh chỉ làm mấy trăm phim/ năm, giờ làm mấy ngàn phim. Nhân sự thiếu, quản lý vừa làm vừa điều chỉnh, chuyện phim dở là bình thường, nhất là trong cơ chế thị trường rất mới mẻ với hoạt động văn hóa nghệ thuật. Nhưng có lẽ, phải nhìn cái gì lớn hơn. Đã bao giờ khán giả Việt được xem phim Việt nhiều và phong phú đến vậy chưa? Đã bao giờ chúng ta gần như thống lĩnh sự quan tâm của người Việt bằng những vấn đề của xã hội Việt Nam, thậm chí gần như lấn át những bộ phim ngoại ? Việc khuấy động dư luận bằng những phát biểu kiểu như thấy phim Việt là chuyển kênh... mới tạo điều kiện cho sự lên ngôi của dòng phim nhập ngoại luôn rập rình ngoài biên giới.
Với “cái tôi” nghệ sĩ vốn có, lẽ ra chẳng bao giờ tôi phát biểu những điều này, vì nó không liên quan tới công việc chuyên môn của mình. Nhưng nếu ai cũng im lặng?
* Xin thề anh nói thật đã sắp kết thúc, tôi thấy Danh Tùng diễn không tệ như những gì một số khán giả nói, còn Jennifer Phạm thì cũng không phải là “bình hoa di động” khi thể hiện bản lĩnh của cô trong nhiều cảnh tâm lý phức tạp. Còn anh, anh đánh giá thế nào về hai diễn viên này?
- Đây là một sự cố gắng rất cao. Danh Tùng đã bỏ nhiều lời mời hấp dẫn để tham gia bộ phim này. Đây là vai khó vô cùng, nhiều màu sắc và cũng là vai mà diễn viên chuyên nghiệp nào cũng muốn có. Sự thông minh, láu cá của Danh Tùng đời thường rất “ăn” với sự thông minh, láu cá của Phan Vũ trong phim. Jenifer cũng phải cố gắng rất nhiều. Ta cũng biết cô ấy gặp khó khăn trong chuyện riêng, thế mà dành 3 tháng trời ra Hà Nội, phải gửi con sang Mỹ. Với một người mẹ trẻ, đó đã là sự hy sinh... Rõ ràng, vai cô đảm nhiệm đã tạo được sự khác biệt so với các nhân vật khác, đúng với ý đồ của tác giả.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thẳng thắn này!
Hà Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất