04/05/2009 09:30 GMT+7 | Văn hoá
Trong số những phản hồi của bạn đọc sau chuyên đề: Kịch Sài Gòn - Lạ hay sốc? có một câu hỏi lớn được đặt ra: Sân khấu chúng ta đang ở đâu trên “bản đồ sân khấu” thế giới? Hay nói cách khác, trong khi sân khấu của chúng ta vẫn đang loay hoay với những tranh luận ăn khách hay câu khách, thị trường hay nghệ thuật, thì sân khấu thế giới đang làm gì?
Khán giả Việt giờ đây có thể xem tức khắc những bộ phim tranh giải Oscar trước cả khán giả Mỹ, có thể down load những ca khúc hoặc album đang trên top ten của Billboard, có thể đọc những cuốn sách bestseller qua bản dịch nóng hổi, có thể xem một bức tranh vừa lập kỷ lục đấu giá qua mạng v.v... Ít nhất họ có thể biết phim Việt, nhạc Việt, văn chương Việt, mỹ thuật Việt như thế nào trong dòng chảy của nghệ thuật đương đại thế giới. Thậm chí nhiều hơn, có thể biết tay đạo diễn này “học tập” phong cách của ông đạo diễn kia, bài hát nổi tiếng này hình như “đạo nhạc" của một ca khúc ít nổi tiếng khác, triển lãm của ông họa sĩ nọ có ý tưởng giống y chang một tác giả nước khác v.v... Nhưng trả lời câu hỏi: Thế giới làm gì trên sân khấu? lại là rất khó. Với đặc thù “đối thoại trực tiếp” của mình, sân khấu thế giới hầu như chỉ đến Việt Nam qua cánh cửa rất hẹp.
Chuyên đề: Thế giới làm gì trên sân khấu? hy vọng hé mở thêm một chút khe cửa hẹp, từ Việt Nam nhìn ra một số sân khấu phát triển trên thế giới, và từ đó để nhìn về sân khấu Việt Nam.
Thực hiện: Phạm Thị Thu Thủy với sự giúp đỡ của nghệ sĩ Nguyễn Thị Minh Ngọc |
Từ người khốn khổ đến kẻ triệu phú
Nhưng mọi sự không dễ dàng. Các nhà hát ở New York đều do tư nhân tự đứng ra tổ chức, và những ông chủ ban đầu đều xuất thân từ giới nghệ sĩ. Họ phải vật lộn với giá thuê địa điểm đắt đỏ, khán giả chưa định hình, vở diễn kỷ lục mới chỉ đạt tới con số 50 suất, nên trong hàng chục năm trời cứ phải dời chỗ liên tục, cho tới đầu thế kỷ 20, các nhà hát mới tập trung về khu quận Nhà hát như hiện nay.
Đầu thế kỷ 20, nghệ thuật thứ bảy bắt đầu thách thức sức hấp dẫn của sân khấu, không ít nhà phê bình cho rằng thời cáo chung của sân khấu đã đến. Thế nhưng Broadway vẫn sống “đàng hoàng” trước sự tấn công của phim ảnh. Sau này, như chúng ta đã biết, điện ảnh luôn phải đi sau và “ăn theo” không ít tác phẩm nổi tiếng từ sân khấu Broadway, như Chicago, Mama Mia!..., lại cũng có không ít tác phẩm nổi tiếng từ văn học, điện ảnh, vẫn tiếp tục có sức sống lâu bền trên sân khấu Broadway như Những người khốn khổ... Thập niên 1930-1940, Broadway bước vào “kỷ nguyên vàng” với vở “hit” Oklahoma! (1943), với 2.212 suất diễn. Không lâu sau đó, năm 1947 giải thưởng Tony Awards ra đời, giải thưởng danh giá dành cho các tác phẩm và nghệ sĩ sân khấu Broadway, tương tự như Oscar trong điện ảnh, đánh dấu một bước tiến trong ngành kịch nghệ Mỹ, đặc biệt là sân khấu Broadway.
Từ công ty nhà hát đến nghiệp đoàn
Từ bồi bàn đến nghệ sĩ
Nếu có dịp ghé vào một số nhà hàng, quán bar ở khu vực quận Nhà hát hoặc gần đó, nhiều cơ hội bạn sẽ được phục vụ bởi chính các... nghệ sĩ Broadway, chính xác là những nghệ sĩ đang chờ cơ hội lên sân khấu! Đây là chuyện hoàn toàn có thật: tất cả các diễn viên, nghệ sĩ (trừ một số rất ít những tên tuổi chói sáng, những ngôi sao thật sự) đều phải casting (thử vai) cho các vở diễn ở Broadway. Hiện Broadway đang thông báo lịch casting cho hàng chục vở diễn từ nay đến hết năm 2009. Mà New York lại là “cái rốn” thu hút ngôi sao toàn thế giới, nên qui tụ xung quanh Broadway là hàng ngàn những ngôi sao đang chờ tỏa sáng. Và trong lúc chưa có vai, nhiều người trong số này chấp nhận làm đủ mọi nghề khác.
Leon Lê Quang, một nghệ sĩ gốc Việt, hiện là diễn viên chuyên nghiệp tại Broadway (ăn lương của nghiệp đoàn), đã tham gia diễn xuất trong các vở Miss Saigon, Người đẹp và quái thú, Cat, cho hay, để có được cơ hội vào những vai nho nhỏ này, anh đã mất nhiều năm học vũ đạo tại các trường tư (từ ballet, jazz, modern, funk, theater dance), học hát tại các studio và học diễn xuất ở các studio chuyên đào tạo diễn viên cho nhạc kịch, sau đó đi casting hoài hoài, cho đến lúc... nhận được vai! Lê Quang cho biết: “Ngoại trừ một số ngôi sao lớn được mời vào những vở mới, còn những người còn lại vẫn phải đi casting, thử vai như bất cứ mọi người khác. Ở đây họ quan trọng diễn viên cho vở diễn chứ vở diễn không đi theo diễn viên. Ở đây không có “đoàn” như đoàn cải lương, đoàn kịch nói. Mình hát vở nào, xong hợp đồng là xong, phải đi thử vai cho vở khác”.
Lê Quang cũng khẳng định: “Làm nghệ sĩ ở Mỹ không ai sợ nghèo cả”. Trừ một số ít ngôi sao, còn lại, những nghệ sĩ chuyên nghiệp của sân khấu Mỹ đều không giàu. Lương diễn viên “cứng” của sân khấu Broadway không hơn 1.600 đô la/tuần, tức là chỉ tương đương một người lao động bình thường, không lộng lẫy như người ta tưởng. Và cũng không phải ai cũng có công việc. Tỷ lệ nghệ sĩ chuyên nghiệp ở Mỹ sống thường xuyên được bằng nghề chỉ 3-4%. Ở khu vực xung quanh quận Nhà hát, New York, đa số hầu bàn trong các quán ăn là nghệ sĩ, họ có kỹ năng hát, nhảy múa, diễn xuất (diễn viên Broadway bắt buộc phải có đủ kỹ năng như vậy), họ không phải người mẫu không được đào tạo gì có thể nhảy lên sân khấu diễn xuất như ở Việt Nam. Họ vui vẻ chịu nghèo để chờ cơ hội thành nghệ sĩ chuyên nghiệp. Quan niệm ở Việt Nam thì khác, không bao giờ có chuyện nghệ sĩ làm bồi bàn để chờ cơ hội!
Nhưng Broadway không thể là độc tôn, là duy nhất. Thách thức Broadway là Off- Broadway và Off-Off- Broadway có tính thử nghiệm hơn, thường được trình diễn trong không gian ấm cúng hơn (như một dạng Nhà hát sân khấu nhỏ, dưới 100 chỗ ngồi). Nhưng cũng chính Off-Broadway và Off- Off-Broadway lại tiếp tục cung cấp nguồn sống mới cho Broadway: một số vở Broadway như Hair, Little Shop Of Horrors, Spring Awakening, Title Of Show, Rent, Avenue Q, In The Heights, vốn khởi đầu từ sân khấu Off-Broadway. Và nhiều vở thành công tại sân khấu Off-Broadway chẳng thua gì những top hit trên sân khấu Broadway cả: The Fantasticks, là vở diễn sống lâu nhất ở Off-Broadway: 42 năm!
Phạm Thị Thu Thủy (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất