Đạo diễn Nguyễn Lâm: Thiên tai không đáng sợ bằng “nhân tai”

02/06/2012 14:40 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Ngày 1/6, đạo diễn Kính thưa Ô-sin cùng ê-kíp đã chọn cảnh cho bộ phim truyền hình Chuyện tình nơi mắt bão làm về bão lụt miền Trung. Đây sẽ là bộ phim đầu tay của hãng phim “mới toanh” Hải Sơn Lâm vừa được thành lập cách đây ít ngày.

Đạo diễn Nguyễn Lâm định danh với vở kịch Kính thưa Ô-Sin chuyển thể từ phóng sự Tôi đi bán tôi của nhà báo Huỳnh Dũng Nhân. Vở kịch này sáng đèn liên tục với hơn 400 suất diễn tại sân khấu 5B TP.HCM. Mới đây, Nguyễn Lâm thành lập hãng phim mang tên Hải Sơn Lâm do anh làm Tổng giám đốc. Từ đạo diễn sân khấu chuyển sang làm quản lý hãng phim, mà lại còn chuẩn bị khởi quay một phim về bão lụt miền Trung ít tính thị trường, phải chăng Nguyễn Lâm đang thử sức mình ở sân chơi mới. TT&VH có cuộc trò chuyện với đạo diễn Nguyễn Lâm.


Đạo diễn Nguyễn Lâm

* Từ một đạo diễn sân khấu đến việc thành lập hãng phim trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, điều gì khiến anh tự tin làm nhà quản lý như thế?

- Đúng là trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, một hãng phim mới như Hải Sơn Lâm vừa thành lập sẽ gặp nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên trong điều kiện như vậy cũng vẫn có những thuận lợi mà nếu ta biết cách nắm bắt cũng sẽ đi đến thành công. Chúng tôi tự tin về mặt con người. Ở hãng phim Hải Sơn Lâm có những biên kịch và đạo diễn nhiệt tâm với nghề thì không ngại gì mà không làm phim. Theo tôi, có con người là có tất cả và không có gì là không làm được.

* Hãng phim của anh sẽ hoạt động ra sao và sẽ chứng minh sự tồn tại của mình bằng những sản phẩm gì?

- Một số nhà sản xuất phim hiện nay đang theo xu hướng mua những bản quyền phim nước ngoài đã phát sóng thành công tại Việt Nam để chế tác lại hoặc lựa chọn những phim có nội dung, bối cảnh đơn giản để tiết kiệm chi phí và thực hiện nhanh. Tiêu chí của Hải Sơn Lâm là đưa nội dung, câu chuyện của tác phẩm lên hàng đầu. Chúng tôi muốn đem đến cho khán giả những sản phẩm nghệ thuật có chiều sâu, xem phim để ngẫm ngợi chứ không giải trí đơn thuần, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ được khán giả đón nhận và các đối tác tin tưởng, sẵn sàng hợp tác sản xuất với hãng phim chúng tôi.

* Được biết bộ phim truyền hình đầu tay của hãng làm về bão lụt miền Trung, thường thì phim dạng “ướt chèm nhẹp” như vầy rất khó thu hút người xem. Anh nghĩ gì khi chọn đề tài ít tính thị trường này?

- Đây là một đề tài mới mà ít ai dám nghĩ đến và dám thực hiện. Nhưng dường như tên của bộ phim đầu tay của chúng tôi là Chuyện tình nơi mắt bão cũng gắn liền với tên của hãng phim Hải Sơn Lâm (biển - núi - rừng). Đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên mà lúc đầu chúng tôi cũng không nhận ra. Câu chuyện phim kể về một làng quê miền Trung nghèo khó. Sau những cơn bão với thật nhiều đau thương, mất mát đã được hai miền Nam Bắc giang tay giúp đỡ cả về mặt tinh thần lẫn vật chất để giúp họ mau chóng vượt qua những tang thương, xây dựng lại quê hương.

Nhưng bên cạnh đó cũng còn tồn tại không ít những kẻ xấu dựa vào nỗi đau thiên tai để mưu cầu trục lợi cho bản thân. Những đồng tiền cứu trợ mà lẽ ra phải dành cho những người đáng được hưởng nhưng đã chảy vào túi họ. Qua đó bộ phim muốn nhắn gửi đến khán giả rằng cái bão của thiên tai có tàn phá khủng khiếp mấy đi chăng nữa cũng không đáng sợ bằng cái bão của nhân tai.

* Lâu nay, phim truyền hình Việt thường chọn các đề tài giải trí gắn với đô thị hoặc cuộc sống của người dân ở nông thôn hai miền Nam - Bắc. Tại sao anh lại chọn bão lụt miền Trung?

- Chúng tôi muốn khai thác những đề tài mới mà những hãng phim khác chưa làm với mong muốn đem đến cho khán giả những luồng gió mới. Hơn nữa, miền Trung là khúc ruột của Việt Nam, là nơi ngồn ngộn những chất liệu cuộc sống, những vấn đề, những câu chuyện, những con người có thể khai thác thành những tác phẩm điện ảnh mà lực lượng tác giả và nhà làm phim vẫn chưa khai thác hết.

* Vở kịch Kính thưa Ô-sin của anh đã diễn bao nhiêu suất kể từ lần sáng đèn đầu tiên? Dường như Nguyễn Lâm phải gắn với những gì cơ cực mới thành công, anh có thấy nhận xét này đúng với mình?

- Vở kịch Kính thưa Ô-sin đã diễn trên 400 suất. Nhận xét đó là do các nhà báo cảm nhận và gắn cho tôi. Chứ tôi có rất nhiều đề tài để các hãng phim khai thác như tình cảm, tâm lý xã hội, hài kịch, hành động, kinh dị… Tuy nhiên, đề tài về cuộc sống đời thường của những người lao động bình thường, những người còn khó khăn trong xã hội là ưu tiên hàng đầu của đội ngũ hãng phim Hải Sơn Lâm chúng tôi hiện nay.

Thanh Kiều (thực hiện)


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm