Nguyễn Hoàng Điệp: Ngượng khi được gọi là đạo diễn

04/05/2012 10:08 GMT+7 | Phim

(TT&VH) - Tốt nghiệp khoa đạo diễn trường ĐH SKĐA, từng ghi dấu tên tuổi ở cả hai vai trò đạo diễn/nhà sản xuất phim với Bộ tứ 10A8, Chit và Pi, Bi đừng sợ và hiện tại là Đập cánh giữa không trung nhưng nữ đạo diễn 8x Nguyễn Hoàng Điệp vẫn cảm thấy bối rối khi được gọi là đạo diễn.

Chính thức có mặt trong khuôn khổ của Les Cinemas du Monde - một trong những hoạt động quan trọng diễn ra thường niên tại LHP Cannes, cơ hội dành cho một dự án phim trong giai đoạn tiền sản xuất như Đập cánh giữa không trung (Flapping in the middle of nowhere) của nữ đạo diễn/ nhà sản xuất Nguyễn Hoàng Điệp đang đến rất gần.

TT&VH đã có cuộc trò chuyện với chị. 



Mọi thứ đã sẵn sàng, trừ tiền bạc

* Được biết, ngày 16/5 tới, Đập cánh giữa không trung sẽ được giới thiệu tại LHP Cannes. Nhưng hình như phim chỉ dừng lại ở khâu chọn diễn viên mà chưa bấm máy?

- Đây là thời điểm mà tôi không muốn nói gì đến Đập cánh giữa không trung vì dự án đã bắt đầu được hai năm mà phim vẫn chưa thể bấm máy. Mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ có tiền bạc là chưa.

* Vậy chị vẫn sẽ tiếp tục dự án này chứ? Và chị sẽ thực hiện nó bằng cách nào?

- Tất nhiên, dù đi chậm hay chạy nhanh thì phim cũng phải đi đến đích: hoàn thiện 90 phút ra rạp và khán giả có thể la ó hoặc xuýt xoa khi xem. Giờ ê - kíp chính đã có một hướng khác: Thay vì lo toan vấn đề kinh phí cho cả dự án, chúng tôi quyết định sẽ chia nhỏ để thực hiện từng công đoạn. Có đủ tiền cho giai đoạn nào thì sẽ dồn hết sức để làm giai đoạn đó. Có thể gọi đây là cách làm theo kiểu "trả góp". Và để có thể hoàn thiện hậu kì, đưa phim đến với khán giả thì chúng tôi "mặc định" những phần làm ra trước đó như một phần "tài sản đem đi thế chấp" để tìm kiếm cơ hội cho các giai đoạn tiếp sau. Tôi tin rằng, vượt qua giai đoạn khó khăn này thì mọi thứ cũng sẽ ổn thỏa.

* Quyết định này có vẻ không an toàn ?

- Đúng, mạo hiểm. Nhưng lại là cách làm phù hợp với cá nhân tôi và bộ phim trong điều kiện hiện tại. Thực ra, các nhà sản xuất của tôi, một Việt (Phan Đăng Di) - một Đức (David Lindner) đương nhiên không tán thành cách làm này vì họ thích có đủ tiền mới làm phim. Nhưng tình hình hiện nay của tôi là: nếu không cho tôi làm Đập cánh giữa không trung, tôi cũng sẽ tự “bào mòn” số tiền mình đang có vì những việc làm không đâu. Vậy nên tốt nhất là tiến hành công việc trong khả năng mình có.

* Chị đã có những gì khi giới thiệu Đập cánh giữa không trung tại Cannes?

- Mặc dù hiện tại quan trọng nhất với tôi là việc làm phim chứ không phải đem dự án đi quảng bá nhưng khi nhận được lịch làm việc gần như kín đặc trong 9 ngày từ ban tổ chức và các thư mời làm việc của các hãng sản xuất, phát hành, quỹ tài chính… từ khắp nơi trên thế giới thì tôi chả còn cách nào khác là phải lao động như một nhà sản xuất nghiêm túc nhất, chăm chỉ nhất.

Cannes quá lớn, quá nhiều cơ hội nên khi bạn gia nhập mạng lưới chuyên nghiệp này, dù bạn bé tẹo thì mọi người cũng có thể biết rõ về công việc mà bạn đang làm. Nếu nó tốt, chưa chắc đã được quan tâm nhưng nếu nó dở… đừng hi vọng sẽ được bỏ qua. Chính vì thế, chúng tôi phải chuẩn bị thật tử tế và đầy đủ rồi mới dám xách vali đến Croisette.

Đạo diễn nữ không là thiểu số

* Nếu nói điểm mặt các nữ đạo diễn hiện nay trên trường phim Việt, chị cũng thuộc hàng “của hiếm”, chị có nghĩ như thế không?

- Ôi, tôi lại không nghĩ thế. Tôi nghĩ rằng, đạo diễn điện ảnh là những người sống hàng ngày với việc làm phim, chứ như mình, mới chỉ có hai phim truyền hình dắt lưng, nên gọi như thế thì hơi quá. Có lẽ phải sau khi hoàn thành Đập cánh giữa không chung tôi mới thấy bớt ngượng khi ai đó gọi mình là đạo diễn. Thú thật, gọi tôi là đạo diễn, lúc nào bạn cũng sẽ thấy tôi giả vờ nghiêm túc lắm, thực ra lúc đó tôi đang bối rối. 

Còn nói việc các nữ đạo diễn hiện nay thiểu số hơn các nam đạo diễn thì thực ra cũng không... "chuẩn" lắm vì tôi nhớ, năm mình thi vào trường cũng là thời điểm đột biến số lượng của các sinh viên nữ thi vào khoa đạo diễn. Nhưng cũng đúng là sau khi ra trường, số nữ sinh viên đạo diễn trụ lại với nghề cũng không nhiều. Cảm giác của tôi có lẽ các đạo diễn nữ có vẻ kén chọn kịch bản hơn nên sản phẩm “made in” nữ đạo diễn không nhiều chăng? Mặt khác, với một đạo diễn là nữ - họ không thể chọn lựa các tác phẩm một cách ồ ạt vì dấn thân vào một tác phẩm, họ sẽ chịu chi phối bởi rất nhiều yếu tố, từ sức khỏe, gia đình và mọi thứ xung quanh. Đó cũng chính là những khó khăn mà không phải ai cũng có thể vượt qua được để theo đuổi bền bỉ với nghề.

* Vậy gia đình ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của chị?

- Gia đình in dấu trên những phim tôi làm rất rõ vì cuộc sống gia đình, những mối quan hệ, những cảm giác riêng có đã dạy tôi nhiều điều, nó giúp tôi bình thản để bước theo nhân vật mà không thúc ép hay khiên cưỡng. Với tôi, gia đình bây giờ là điểm tựa theo nghĩa rộng nhất của từ này.

* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!

Ngọc Minh (thực hiện)
      

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm