Đạo diễn Naomi Kawase mơ Cành cọ Vàng

24/05/2014 07:31 GMT+7 | Phim


(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2013, Naomi Kawase (44 tuổi) đã trở thành nhà làm phim Nhật Bản đầu tiên “có chân” trong ban giám khảo LHP Cannes. Năm nay, cô trở lại LHP, tham gia tranh giải Càng cọ Vàng với tác phẩm điện ảnh mới mang tựa đề Still the Water.

Still the Water là một cái nhìn đầy chất thơ về cái chết, tình yêu và tình dục.

Một kiệt tác điện ảnh

Kawase tự đánh giá phim là một “kiệt tác” và xứng đáng đoạt giải Cành cọ Vàng. Phim khảo sát về các mối quan hệ và gia đình qua cuộc sống của 2 nhân vật tuổi vị thành niên là Kyoko và Kaito. Họ trưởng thành ở Amami Oshima, một hòn đảo biệt lập ở vùng biển phía Nam Nhật Bản. Nơi đây, cuộc sống của người dân luôn bị đe dọa bởi những cơn bão dữ dội, tàn khốc.

Mẹ Kyoko là một pháp sư dẫn dắt tâm linh cho những người dân trên đảo, song khi bị mắc bệnh nan y bà quyết định trở về để chết ở nhà. Đó cũng chính là lúc Kyodo bắt đầu si mê Kaito. Tuy nhiên, thời gian đó Kaito vẫn còn đang sốc sau cuộc ly hôn của bố mẹ nên đã luôn cố gắng cưỡng lại mọi sự ham muốn khám phá thể xác từ phía Kyodo.


Nhà làm phim Nhật Bản Naomi Kawase là 1 trong 2 nữ đạo diễn có phim tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP năm nay.

Một hôm, Kyodo phát hiện ra một xác chết có đầy hình xăm trên bãi biển. Kyodo tin rằng người đàn ông đã chết này là tình nhân mới của mẹ mình. Kyodo đã tức giận và đối đầu với mẹ sau phát hiện hết sức rùng rợn đó. Nhưng  sau một thời gian vật lộn, cuối cùng cậu đã tìm được sự thanh thản với cuộc sống thiếu vắng cha.

Kawase từng nổi danh quốc tế sau khi đoạt giải Camera Vàng năm 1997 với phim Suzuka. Thành công này được nối tiếp với bộ phim The Mourning Forest, đoạt giải Grand Prix của LHP Cannes năm 2007.

"Bộ phim tinh tế nhất"

Kawase là 1 trong 2 đạo diễn nữ duy nhất tham gia tranh giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes năm nay. Trong số các tác phẩm điện ảnh của cô phải kể đến Genpin (2010), bộ phim tài liệu về sinh đẻ tự nhiên. Phim này đã giành được nhiều lời ca ngợi với cách nhìn nhận mới về thân phận con người.

Cha mẹ Kawase ly hôn khi cô mới được khoảng 18 tháng. Cô lớn lên trong sự nuôi dưỡng của cô ruột, người xem cô như con đẻ. Năm Kawase lên 14 tuổi, người chú qua đời và đến nay, cô vẫn sống cùng người phụ nữ đã nuôi  mình lớn lên. Tuổi thơ khó khăn đó đã góp phần định hình sự nghiệp của Kawase.

Trong bộ phim Embracing (1992), Kawase đã khảo sát ý nghĩa của gia đình và danh tính của mình, tìm kiếm người cha mà cô chưa hề gặp mặt. Còn trong bộ phim Katatsumori (1994), Kawase kể về cuộc sống bên người mẹ nuôi, xoáy đến những tình cảm ấm áp mà cô có được trong cuộc sống hàng ngày.  


Cảnh trong phim Still the Water

Trước khi tham gia LHP Cannes năm nay, đạo diễn Kawase đã tổ chức họp báo giới thiệu phim ở quê nhà. Tại đó cô thẳng thắn nói: “Không nghi ngờ gì nữa, đây là kiệt tác của tôi. Đây là lần đầu tiên tôi nói như vậy về phim của mình. Sau khi đoạt giải Camera Vàng và giải Grand Prix tại LHP Cannes, tôi không mong muốn gì hơn là đoạt giải Cành cọ Vàng”.

Tuy nhiên, khi có mặt LHP Cannes, Kawase lại không nhắc đến tham vọng đoạt giải của mình, mà nói rằng mục đích chính khiến cô tham gia LHP là muốn giới thiệu tác phẩm điện ảnh mới của mình tới khán giả toàn cầu.

“Tôi tin rằng đây là bộ phim tinh tế nhất của tôi, xét theo khía cạnh diễn xuất của các diễn viên, về góc độ kỹ thuật và quan điểm phóng khoáng mà chủ đề phim nêu ra. Thật xúc động khi tác phẩm điện ảnh của mình được khán giả thế giới xem. Đối với tôi đây là điều quan trọng nhất” - Kawase chia sẻ.

Nhận định trái chiều

Giới phê bình điện ảnh hiện đã đưa ra những bình luận trái chiều về bộ phim của Kawase. Trang web điện ảnh của Mỹ là Indiewire đánh giá: “Phong cách làm phim trữ tình và đầy cá tính của Kawase làm tăng thêm sự đa dạng của các bộ phim tranh giải và khiến cho cuộc đua giành giải Cành cọ Vàng càng thêm lý thú”. Trang web điện ảnh AlloCine của Pháp cũng cho rằng “đây là một trong những ứng cử viên nặng ký cho giải Cành cọ Vàng”.

Tuy nhiên, tạp chí The Hollywood Reporter lại chỉ trích lời thoại trong phim ngắn ngủn và các nhân vật trong phim thiếu tính thực tế. Nhà phê bình Peter Bradshaw của tờ nhật báo Anh The Guardian thì cho rằng: “Phim của Kawase có những chỗ rất hay và cảm động, tuy nhiên tôi thấy phim thiếu tính thực tế và hơi e dè”.

Đến nay, các bộ phim độc lập và tài liệu của Kawase chưa gặt hái thành công thương mại, tuy nhiên chúng đã giành được nhiều sự ca ngợi của giới phê bình. Theo cách nói của Kawase thì làm điện ảnh phải có tình yêu và sự đam mê. Đây chính là đặc điểm nổi bật khiến cô được mời làm giám khảo LHP Cannes năm 2013. “Tham gia ban giám khảo LHP Cannes là một trải nghiệm hiếm có. Lúc đó, với vai trò là một nhà văn và 1 con người, tôi nghĩ rằng điện ảnh không thể tồn tại nếu thiếu tình yêu” - cô từng nói.

Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm