Đạo diễn Mông Cổ đoạt giải LHP Busan: Cú hích cho điện ảnh 'du mục'

16/10/2013 08:13 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Bộ phim đầu tay mang tựa đề Remote Control (tạm dịch: Điều khiển từ xa) của đạo diễn Mông Cổ Byamba Sakhya đã vừa đoạt giải New Currents, hạng mục tranh giải chính tại LHP Quốc Busan (BIFF) lần thứ 18.

Đây là phim Mông Cổ đầu tiên lọt vào hạng mục tranh giải New Currents và đoạt giải trong lịch sử 18 năm của LHP Quốc tế Busan.

Xã hội Mông Cổ như người tuổi vị thành niên

Phim kể về Tsog, một cậu bé Mông Cổ tuổi vị thành niên, đã chạy trốn khỏi gia đình du cư của mình để tới thủ đô Ulan Bator. Từ căn hộ của mình với một chiếc điều khiển từ xa trong tay, Tsog cố gắng điều khiển máy thu hình của một phụ nữ sống trong tòa nhà đối diện. Dần dần, cậu bé phát hiện mình muốn kiểm soát cuộc sống của người phụ nữ, máy bay trên bầu trời và thậm chí cả thế giới.

Ban giám khảo hạng mục giải New Currents ca ngợi phim Remote Control mô tả một cách sắc bén những căng thẳng giữa hiện thực và hư cấu.


Nhà làm phim Mông Cổ Byamba Sakhya

“Trong phim của tôi, xã hội Mông Cổ chỉ giống như một người ở tuổi vị thành niên. Cậu bé ấy muốn trở thành một người đàn ông trưởng thành, háo hức có nhiều quyền lực hơn nữa, song vẫn còn quá trẻ và ngây ngô” – đạo diễn

Sakhya nói với phóng viên Tân Hoa Xã trong một cuộc phỏng vấn.

Đạo diễn Sakhya cho biết, cả xã hội Mông Cổ đang trải qua thời kỳ chuyển tiếp lớn về chính trị, kinh tế và văn hóa. “Đất nước Mông Cổ đang chật vật để tìm kiếm giá trị mới, các đặc tính có thể đại diện cho lịch sử và văn hóa độc đáo của Mông Cổ. Đó là những gì mà tôi cố gắng thể hiện trong bộ phim của mình” - anh nói.   

Sinh năm 1962 ở Ulan Bator, Sakhya từng học quay phim tại Viện Điện ảnh Nga. Anh còn là nhà biên kịch, đạo diễn đã làm việc trong nền công nghiệp điện ảnh hơn 25 năm.

Những thảo nguyên rộng lớn, phong cách sống du mục và những nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú là những điểm đặc trưng của Mông Cổ ngày nay. Song Sakhya đang tìm kiếm nhiều hơn thế nữa.

Trong phim của Sakhya có hình ảnh một nhà sư và đây là người đã khiến cho Tsog hủy bỏ ý định ban đầu là hỗ trợ một nhóm đạo chích. “Nhân vật nhà sư là một biểu tượng cho thế giới bên trong của con người. Tôi nghĩ chúng ta nhất thiết phải nhìn vào bên trong để tìm đặc tính của mình” -  Sakhya nói.


Cảnh phim Remote Control

Nhiều biểu tượng truyền thống đang mất dần

Phim của Sakhya có nhiều biểu tượng truyền thống Mông Cổ như lều yurt và những bộ trang phục lộng lẫy. Tuy nhiên, trong thời kỳ đầy biến chuyển này, tất cả những biểu tượng ấy đang biến mất dần.

Khi một khán giả Hàn Quốc hỏi đạo diễn Sakhya có thấy luyến tiếc quá khứ, ông đã thẳng thắn trả lời: “Người ngoài luôn có hình ảnh hết sức lãng mạn về những thảo nguyên, phong cảnh đẹp đẽ và lối sống du mục truyền thống của Mông Cổ. Tuy nhiên, với người dân đất nước tôi đó là một cuộc sống khắc nghiệt. Chúng tôi nhất thiết phải lưu giữ những yếu tố cổ xưa, song cũng đón nhận những yếu tố mới. Để cân bằng được quá khứ và hiện tại là một thách thức”.  

Với Sakhya, ông luôn hướng về phía trước. Tốt nghiệp Viện Điện ảnh Nga và trở về Mông Cổ từ những năm 1990, ông cảm thấy mình đã chọn nhầm thời điểm để làm phim, song ông không bao giờ phàn nàn về điều đó. Giờ đây, hãng phim quốc gia của Mông Cổ, Mongol Kino, nơi từng chỉ sản xuất được 6-7 phim/năm, đã bị giải thể. Các nhà làm phim bản địa không được tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật và không được tài trợ nữa.

Lạc quan về tương lai của điện ảnh Mông Cổ

Ở Thủ đô Ulan Bator (Mông Cổ) hiện nay, nơi có hơn 1 triệu người sinh sống, chỉ có 4 rạp chiếu phim. Các trường điện ảnh đang rất thiếu thiết bị và giáo viên chuyên ngành. Các nhà làm phim khó xin được tiền trợ cấp của Chính phủ, do vậy họ buộc phải tìm kiếm sự hỗ trợ độc lập từ châu Âu.

Tuy nhiên, Sakhya coi những khó khăn và sự hạn chế ấy là “chất xúc tác” cho tính sáng tạo của mình. Ông làm bộ phim tài liệu Passion nhằm đem đến một cái nhìn bên trong vào quá khứ và hiện tại của nền điện ảnh Mông Cổ. Ông đã đi khắp đất nước để phát hành và trình chiếu các bộ phim của mình. Trong những chuyến đi ấy, ông khảo sát cuộc chiến toàn cầu giữa nghệ thuật và thương mại, cùng những thách thức khác mà các nhà làm phim đang phải đối mặt.

“Tôi và các nhà làm phim Mông Cổ khác đang rất lạc quan về tương lai. Trong quá khứ, những người dân du mục của chúng tôi đã chịu đựng được môi trường hết sức khắc nghiệt và phải di chuyển từ nơi này sang nơi khác. Chỉ có hy vọng mới có thể khiến chúng tôi tồn tại” - Sakhya nói và cho biết, ông rất hạnh phúc khi nhìn thấy sự nổi lên của một thế hệ các nhà làm phim mới.

Vài năm trở lại đây, ngày càng có nhiều người quan tâm tới việc làm phim, mặc dù có nhiều người phải ra nước ngoài để học điện ảnh do môi trường giáo dục ở Mông Cổ còn nghèo nàn.

“Tôi hy vọng các nhà làm phim trẻ có thể gặt hái thành công quốc tế, như vậy Chính phủ Mông Cổ sẽ tài trợ cho nền công nghiệp điện ảnh và có lẽ chúng tôi lại có hãng phim riêng” - Sakhya bày tỏ.  

Sakhya tin rằng nền công nghiệp điện ảnh Mông Cổ sẽ gắn kết chặt chẽ với tương lai của đất nước. “Tôi nghĩ, một bộ phim không thể có đủ sức mạnh để dẫn dắt xã hội đi đúng hướng. Song tôi cho rằng nó sẽ góp phần giúp mọi người hiểu được họ là ai. Xã hội chúng tôi gồm các cá thể, vì vậy nếu mỗi thành viên xã hội tìm được giá trị đúng đắn thì xã hội sẽ đi đúng hướng” - anh nói.

VIỆT LÂM (theo Tân Hoa xã)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm