Đạo diễn Danny Boyle: "Không chạy đua với Bắc Kinh. Ý tưởng chủ đạo là sự khiêm tốn"

29/07/2012 12:08 GMT+7 | Olympic 2012

(TT&VH) - Đạo diễn đoạt giải Oscar, Danny Boyle, nói ông cảm thấy được giải phóng hơn là sức ép phải cạnh tranh với lễ khai mạc hoành tráng và ngoạn mục ở Olympic Bắc Kinh 2008.

Trước 80.000 khán giả và các quan chức, những phụ nữ trong các bộ đồ Anh truyền thống, những bầy cừu, ngỗng và bò trên một khung cảnh đồng cỏ trong phần mở màn chủ đề “Những hòn đảo của điều kỳ diệu” đã tạo ra một khởi đầu đậm chất lễ hội cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh.

Lễ khai mạc có những sự kiện ngây ngất và đầy chất thơ, đậm đặc màu sắc văn hóa, ca nhạc và truyền thống Anh, nhưng đạo diễn phim "Triệu phú ổ chuột" thừa nhận việc thực hiện một màn khai mạc lớn hơn so với Bắc Kinh 2008 là không thể.



Danny Boyle - Ảnh: Getty

“Theo một cách nào đó, Bắc Kinh là đáng học tập”, ông nói. “Cho tới lễ khai mạc ở Bắc Kinh, nhìn lại trước đó, bạn có thể thấy sự leo thang là khá rõ ràng, cứ lễ khai mạc sau lại lớn hơn cái trước, và ngày càng lớn hơn nữa, rốt cuộc, bạn không thể làm một buổi lễ lớn hơn ở Bắc Kinh. Vì thế, theo một nghĩa nào đó, lễ khai mạc ở Bắc Kinh đã giải phóng cho chúng tôi. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng mình sẽ làm một cái gì đó khác biệt, chứ không hoành tráng hơn”.

Boyle nói buổi lễ của ông là “khiêm tốn”, nhưng cũng “không thiếu ngoạn mục và tham vọng”. “Ý tưởng chủ đạo là bạn cảm thấy sự khiêm tốn, biết được vị thế của mình trong thế giới này. Đó là điều tốt”, Boyle cho rằng nước Anh, từng là siêu cường số một hành tinh, giờ đã buộc phải giảm bớt vai trò trên trường quốc tế, nhưng điều đó không làm ảnh hưởng tới lòng yêu nước và niềm tự hào của họ. “Bạn biết đó, đây là đất nước của chúng tôi, những hòn đảo của chúng tôi… Đó là một lời kêu gọi cho cả đất nước, rằng hãy biết vị trí mới của mình trong thế giới này. 100 năm trước chúng tôi là mọi thứ với cuộc cách mạng công nghiệp, nhưng mọi việc đã thay đổi. Chúng tôi không còn nhiều tài nguyên như trước kia, đó là điều tốt, và châu Âu không còn vị thế như cũ trong bối cảnh một thế giới mới”.

Boyle cũng nói một phần ý tưởng lễ khai mạc là từ người cha quá cố của ông, vốn kỷ niệm sinh nhật vào thứ Sáu vừa rồi: “Vì cha tôi là một CĐV Olympic điên cuồng, thật sự rất điên cuồng”. Cha ông qua đời khoảng 18 tháng trước.

Báo chí Anh và thế giới đã hết lời ca ngợi lễ khai mạc Olympic London 2012. The Times dẫn đầu trong ngày thứ Bảy bằng việc gọi đó là “Màn trình diễn vĩ đại nhất”. “London đã thắp sáng cả thế giới”, báo Anh Independent viết sau khi 7 VĐV trẻ tuổi được trao vinh dự châm ngọn đuốc biểu tượng sẽ cháy suốt kỳ Thế vận hội.

Một số chuyên gia trong và ngoài nước Anh đã lo sợ buổi lễ sẽ quá Anh, nhưng ngay cả tờ  L'Equipe của Pháp cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ. “Với màn trình diễn xen lẫn giữa hài hước và hùng vĩ, Danny Boyle đã hiện đại hóa cuộc diễu hành của các VĐV vào thứ Sáu!”

Báo Đức Bild giật tít lớn: “Hoàn toàn ngoạn mục!” Báo Australia, Sydney Morning Herald nói lễ khai mạc là “một khởi đầu không thể nào quên” và “nghẹt thở”. Trang mạng thể thao Mỹ Sports Illustrated mô tả buổi lễ “sôi động và đầy tự hào”.

T.T

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm