LHP Việt Nam lần thứ 18 (Bài 2): Những bất cập của phim tài trợ và đặt hàng

14/10/2013 15:21 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Mục đích ban đầu của nhà nước với phim tài trợ và đặt hàng là tốt đẹp. Nhưng trong quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều bất cập.

Bắt đầu từ năm 1989 khi chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, ngành điện ảnh bị thả nổi, “phim mì ăn liền” bùng phát. Đến những năm 1990, ngành điện ảnh khủng hoảng nặng nề khi 80% rạp chiếu đã biến thành bar, vũ trường, quán nhậu, khán giả không tới rạp mà ở nhà xem video gia đình. Trước tình hình hình đó Nghị định 48/CP ngày 17/7/1995 của Chính phủ ra đời đã góp phần tổ chức lại hoạt động của ngành điện ảnh. Từ đây việc sản xuất phim phải đi vào kế hoạch, các chủ đề sáng tác đi theo định hướng. Cũng từ đây khái niệm phim tài trợ và phim đặt hàng ra đời.

Phim tài trợ và đặt hàng là phim gì?

Phim tài trợ là phim Nhà nước tài trợ cho hãng phim 80% kinh phí sản xuất, còn 20% còn lại hãng phải tự lo liệu. Phim đặt hàng là phim Nhà nước chi 100% kinh phí sản xuất.

Hàng năm các kịch bản phim được gửi tới Hội đồng duyệt kịch bản của Cục Điện ảnh. Nếu kịch bản được duyệt, Cục sẽ tìm một hãng phim Nhà nước để giao tổ chức thực hiện. Hãng phim phải bảo vệ dự toán kinh phí của bộ phim tương lai trước một hội đồng gồm đại diện của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Bộ Tài chính và Ủy ban Vật giá Nhà nước.

Phim Nhà nước thường định hướng tới đề tài lịch sử, làm phim nhân kỷ niệm một ngày lễ lớn nào đó, hoặc các sự kiện ngoại giao... Dần dần việc định hướng đề tài đã trở thành cái khuôn bó buộc nghệ sĩ, và trở thành cơ hội cho những người biết sống dựa vào cơ chế. Đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ với TT&VH Cuối tuần, trên thực tế rất ít đạo diễn muốn nhận những kịch bản làm phim theo kiểu này (thường được gọi là “phim cúng cụ”): “Có kịch bản nằm lăn lóc vài ba năm không ai nhận cuối cùng giao cho một đạo diễn mới ra trường làm”. Cho đến bây giờ điều này vẫn tiếp diễn. Kịch bản Cát nóng, Đam mê đều nằm trong cảnh để mốc meo mãi mới có người nhận làm đạo diễn.

Với phim Nhà nước đặt hàng, cấp 100% kinh phí thì các hãng phải đấu thầu. Trên lý thuyết, ai có dự án thầu tốt thì thắng. Nhưng thực tế bao giờ cũng “xanh tươi”…



Ra mắt rầm rộ nhưng chưa biết khi nào khán giả cả nước mới được xem Đam mê


Tiền Nhà nước được sử dụng thế nào?

Với phim tài trợ, Nhà nước chỉ cấp 80% vốn, còn lại 20% khuyến khích các hãng phim tự túc. Khoản 20% này trên lý thuyết, hãng phim có thể vay (ngân hàng) hoặc huy động từ các nguồn vốn khác, nhưng chuyện này ít khi xảy ra. Tiền về, hãng lại trích ra 30%, thậm chí có thể trích tới 50% để nuôi bộ máy của hãng. Số tiền ít ỏi còn lại để dành cho làm phim.

Trong khâu tổ chức làm phim cũng có nhiều “bí ẩn”. Một cán bộ lâu năm của ngành điện ảnh cho biết: “Trên thực tế những phim Nhà nước đặt hàng lại là phim giao cho tư nhân. Vì những tay chạy dự án quyết định ai sẽ được làm phim…”.

Phát hành cho có

Vào thời điểm 1995 -1999, với phim tài trợ, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng (Fafilm) trả cho mỗi phim từ 150 triệu đến 180 triệu đồng. Trung bình mỗi phim do Fafilm phát hành thu được 10 triệu đồng. Phim đã bán cho Fafilm rồi thì hãng hoàn thành nhiệm vụ, nếu không bán được thì cũng không phải chịu trách nhiệm.

Đối với phim đặt hàng, Nhà nước sẽ chi tiền phát hành từ A đến Z. Các hãng sản xuất nhân ra 2 bản đưa cho Fafilm đem đi chiếu, chi phí cho việc in 2 bản này đã tính vào chi phí sản xuất phim. Fafilm cũng được Nhà nước cấp tiền để chiếu phim.

Ngày nay phim Nhà nước ra rạp chỉ nhờ khe cửa rất hẹp bởi hệ thống rạp lớn hầu hết do tư nhân nắm giữ (như đã nói về tình cảnh “3 ngày phải ra khỏi rạp” của phim Cát nóng). Phim Nhà nước hiện còn được phát hành qua hệ thống phát hành phim quân đội, với doanh thu không đáng kể, mục đích phục vụ là chính.

Được bao cấp, không lo hoàn vốn nên điện ảnh Nhà nước không có động lực phát triển, thậm chí còn tụt hậu. Cũng thuộc diện được Nhà nước đầu tư nhưng cơ chế quản lý bên ngạch phim truyền hình khác hẳn. Theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC): “Một năm VFC nhận được một khoản đầu tư, đổi lại chúng tôi phải có kế hoạch tương xứng với chi phí đó. VFC không có tiêu chí đặt lợi nhuận lên đầu như doanh nghiệp nhưng đài yêu cầu “làm gì thì làm, sau khi trả lương bổng, phải có lãi”. Chúng tôi quy trách nhiệm rất rõ ràng, nếu ai làm ẩu bị kỷ luật, lần sau không được giao phim nữa, làm tốt sẽ được khen thưởng. Đó là động lực rất sòng phẳng”.
Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm