Đạo diễn Châu Huế qua đời: Người 'khổng lồ' lặng lẽ của phim truyền hình

05/03/2016 14:35 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Đạo diễn Châu Huế sinh ngày 30/4/1944 tại Đà Lạt, đột ngột qua đời tại nhà riêng ở TP.HCM tối ngày 3/3/2016, hưởng thọ 73 tuổi, theo âm lịch. Có thể về số lượng phim thì Châu Huế không thuộc nhóm nhiều nhất, nhưng phần lớn phim của ông đều có dấu ấn tốt trong lòng người xem.

Nếu nhắc tên những phim truyền hình dài tập của ông từ gần 10 - 15 năm trước như Hướng nghiệp, Những nẻo đường phù sa, Ký túc xá, Cô thư ký xinh đẹp, Bình minh châu thổ, Chuyện tình bên dòng kênh Xáng, Kẻ di trú, Dòng sông định mệnh, Ám ảnh xanh..., nhiều khán giả vẫn còn nhớ.

Đạo diễn Châu Huế theo ba ra Hà Nội tập kết năm lên 10 tuổi. Ông học những khóa quay phim đầu tiên tại cơ sở tiền thân của đại học sân khấu - điện ảnh Hà Nội sau này. Năm 1967, ông tốt nghiệp khóa 3 lớp điện ảnh, do chuyên gia Trung Quốc đào tạo. Khi ra trường, ông được phân về thành lập trung tâm Điện ảnh công an nhân dân, tiền thân Hãng phim Công an nhân dân sau này.

Năm 1981 ông chuyển về Hãng Phim truyện Việt Nam, sản xuất nhiều phim nhựa; từ đầu thập niên 1990 ông chuyển sang làm phim video. Ông đạo diễn rất nhiều, có thể kể những phim như Bài học nhớ đời, Đời hát rong, Hạnh phúc đắng cay, Kế hoạch 76, Đêm cuối năm, Sự phản bội vô hình, Rock và rap, Yêu đương ở tuổi nào… Phim nhựa Đời hát rong của ông từng được tham dự LHP châu Á - Thái Bình Dương.


Đạo diễn Châu Huế. Ảnh: TL

Từ đầu thập niên 2000, ông chuyển mạnh sang làm phim truyền hình. Dấu ấn hợp tác đầu tiên giữa ông với Hãng phim TFS là phim Cô thư ký xinh đẹp (4 tập 60 phút, năm 2000); chính phim này cũng là cột mốc làm nên tên tuổi diễn viên Kinh Quốc về sau. Cả hai liên tục cộng tác với TFS trong 6-7 phim, nổi trội có Hướng nghiệp (cả hai phần), Chuyện tình bên dòng kinh Xáng, Con của sông Dinh, Chúa tàu Kim Quy…

Điểm chung lớn nhất trong cuộc đời làm phim của Châu Huế đó là cái nhìn đề cao người trẻ. Nếu Hướng nghiệp (KB: Nguyễn Mạnh Tuấn) đề cập đến trí thức trẻ trước yêu cầu hội nhập, những va vấp, thách thức mà họ gặp phải đối diện, thì Ký túc xá là tình yêu, tình bạn và tương lai của chuyện học hành.

Bộ phim lên sóng HTV9 năm 2012 Vẫn hoài ước mơ (19 tập) cùng là chuyện 4 bạn trẻ Ý Nhi, Khánh Hoàng, Minh Mẫn, Loan Phượng nuôi ước mơ thành giáo viên từ thời học sinh phổ thông. Mà dường như phim nào cũng có cái nhìn ưu ái như vậy.

Gọi Châu Huế là người “khổng lồ” lặng lẽ của phim truyền hình, vì ngoài chuyện làm phim, ông ít khi nào chịu nói về mình. Ngay cả với báo giới, khi thật cần thiết hoặc thân tình thì ông mới trả lời phỏng vấn. Chính vì vậy mà đến 19h20 ngày 4/3/2016, trên Wikipedia vẫn chưa có dòng nào về ông, dù ông xứng đáng hơn nhiều tên tuổi khác.

“Nhìn lại đời làm phim, có lẽ thú vị nhất là làm được những phim tâm lý, tình cảm. Bởi nó gắn liền với hơi thở của cuộc sống, người làm phim có trải nghiệm, có sống cùng thế giới nhân vật thì cách xử lý tình huống, cách mô tả những diễn biến tâm trạng mới dễ thuyết phục”, trong một chầu cà phê với bạn bè gần đây, Châu Huế nhắc lại tiêu chí làm phim của đời mình.

Bộ phim ông thực hiện gần đây nhất là Giữa hai bờ thiện ác (45 tập, KB: Quý Dũng), dựa vào đời thật của tướng cướp Bạch Hải Đường khét tiếng. Phim vừa đóng máy trước Tết, đang trong giai đoạn hậu kỳ thì ông đột ngột ra đi. Diễn viên Kinh Quốc kể mấy ngày trước còn ngồi uống bia đầu năm, ông vẫn minh mẫn, với nhiều dự định phim ảnh.

Theo tin từ gia đình, lễ nhập quan diễn ra lúc 21h ngày 4/3/2016, quàn tại tư gia ở số 162/93 Cây Trâm, phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM. Lễ di quan lúc 14h ngày 7/4 và đưa đi hỏa táng tại Bình Hưng Hòa.

Ông ra đi để lại vợ hiền, hai con trai, cùng dâu cháu. Hai con của ông, một người làm tiếp viên trưởng hàng không, một người theo đuổi chuyện học hành, đã có 4 bằng đại học.

Văn Bảy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm