"Đạo cóp": Tham ô về ý tưởng

05/05/2010 08:11 GMT+7

(TT&VH Cuối tuần) - Đằng sau sự “giống nhau” của những hình ảnh, thiết kế là gì? Diễn đàn kỳ này có sự tham gia phân tích từ góc độ chuyên môn của hai họa sĩ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực nhiếp ảnh và thiết kế đồ họa: Nguyễn Tri Phương Đông và Trần Trung Lĩnh.

* Thế nào là một sản phẩm thị giác “đạo”?

Nguyễn Tri Phương Đông (NTPĐ): Với các sản phẩm dạng này, chỉ cần na ná về mô-típ, gần gũi về tông màu, hao hao về phong cách, giông giống về kiểu chữ, mang máng về kỹ xảo hình, quen quen về góc máy hay hướng sáng chụp, “dư âm” của bố cục, hoặc chỉ một trong số ấy, thì đã trở thành có vấn đề với hiểu biết và tự trọng của một tác giả thiết kế. Và có thể chỉ với số ít người làm nghề mới biết.

Hiện giờ, nhiều người trẻ nhận ra ngay chúng bằng cảm quan, nghĩa là việc sao chép ấy đã quá quen thuộc và thường. Ngoài Việt hóa các kịch bản phim, truyền hình, những người thực hiện đã tự ý Việt hóa các ý tưởng poster chuyên nghiệp và điềm nhiên hơn trước.

Họa sĩ thiết kế Cao Trung Hiếu: "Trên các báo tuổi “teen” ở ta, tôi thường hay thấy kiểu lấy ý tưởng từ những poster phim nổi tiếng như Ngôi nhà hạnh phúc, Trăng non…, để chụp lại. Có lẽ các tác giả này muốn mô phỏng những bộ phim đang “hot” để tạo sự thú vị cho bạn đọc. Tuy nhiên, khi công bố, phải nói rõ ý tưởng được lấy từ nguồn nào".
Trần Trung Lĩnh (TTL): Đạo ý tưởng, sao chép hay ăn cắp là chuyện mong manh nhất trong việc sáng tạo thị giác…, thỉnh thoảng vẫn có những trùng lặp kỳ lạ về cả ý lẫn hình, nhưng đó là nói về việc sáng tạo.

Trên thế giới, có nhiều nghệ sĩ ngưỡng mộ tác phẩm của nhau, lấy tác phẩm của người này để truyền cảm hứng cho tác phẩm của mình. Việc này nếu làm với thái độ tử tế, thì không thể gọi là “đạo” được… Trong một phong cách nào đó, có hàng ngàn người trong nghề có thể giống nhau. Đó sẽ là nơi sự trùng hợp, hay sao chép dễ bị lẫn lộn nhất. Bản lĩnh nghề, sự yêu nghề sẽ quyết định mình có trở thành kẻ cắp hay không.

Ngày xưa Francis Bacon thường lấy ý tưởng, bố cục của tranh từ những hình ảnh ở bất cứ đâu gợi lên được cảm hứng… Sau đó là Andy Wahol, đến giờ vẫn có bao nhiêu là nghệ sĩ vẫn theo phong cách của ông. Banksy và hàng loạt những nghệ sĩ khác giống nhau, thậm chí họ còn làm việc chung nhau. Có khi họ cùng chia sẻ ý tưởng với nhau. Vấn đề như vậy rất đơn giản…, làm gì còn “đạo ý tưởng” khi họ làm việc thật sự, chia sẻ nghề nghiệp thật sự. Chỉ có kẻ cắp thì cứ vẫn tồn tại gần đó, khi họ chỉ làm mỗi việc… ăn cắp. Những việc xảy ra gần đây ở Việt Nam, chính xác là ăn cắp thô thiển.

* “Cover” hay tư tưởng gặp nhau?

NTPĐ: “Cover” là một cách làm, “tư tưởng gặp nhau” là một cách biện hộ. Và làm không giống mới là… được. Đấy hoàn toàn là lập trường chính tả của nghề mỹ thuật ứng dụng (MTƯD) mà các nhà thiết kế đều biết. “Cover” ở đây, là Việt hóa ý tưởng theo bản quyền được phép. Chưa bao giờ có giấc mơ chung của hai người, nên việc “gặp nhau” có ý thức kia, là cách nói của người nghèo về ý và lực sáng tác. Và điều cuối - khác, là tồn tại, nên “giống thế nào là được” xem ra là cách làm “hài hòa”, gián tiếp dẫn đến thực trạng người ta đang thấy.

* Ngành thiết kế ở Việt Nam còn quá sơ khai, manh mún nên… nông nổi?

NTPĐ: Các ý tưởng sáng tạo trong thiết kế MTƯD luôn có tính kế thừa. Những ý tưởng, sản phẩm thiết kế hay ho và hài hòa, thường là những cái mới quen thuộc. Áp lực của thương mại và quảng cáo, tốc độ sống nhanh của thị trường thiết kế đã sinh ra dạng thức tham ô về ý tưởng này. Các poster như đang nói chỉ là các ví dụ nhanh.

Nghệ thuật thị giác qua MTƯD của chúng ta vẫn manh mún, tuy không còn sơ khai, thậm chí đã sôi nổi như ở các ngành đồ họa, nội thất. Trên dưới 20 cơ sở đào tạo đại học và cao đẳng sinh ra nhiều nghìn nhà thiết kế mỗi năm. Nhiều vạn nhà thiết kế qua trường lớp sánh vai với nhiều nhà thiết kế thực tế, đã giải quyết một sản lượng thiết kế tiếp thị và quảng cáo khổng lồ kể từ thập niên 1990. Việc tuyệt nhiên không hề có sinh hoạt, diễn đàn, tổ chức và lý luận nghề nghiệp đáng kể của các nhà thiết kế MTƯD thực sự là việc kỳ lạ ở một xứ sở trẻ, năng động, nơi từng có những ngành, những thời điểm có được tốc độ phát triển hàng đầu thế giới.

Công nghệ đã thay đổi mạnh mẽ thẩm mỹ của mọi người ở nơi nơi. Nhưng nghệ thuật thị giác của chúng ta thì vẫn đang thở hơi thở của làng xã vùng ven. Thẩm mỹ MTƯD - yếu tố có tính thời trang, đã chỉ ảnh hưởng thực sự đến giới thiết kế chuyên nghiệp thông qua thương mại, con đường, lý ra không phải là duy nhất. Thật may mắn là còn có internet. Và vì vậy, tôi còn biết được, một người Việt trẻ thành công tầm cỡ thế giới về MTƯD có tên là Vĩnh Khôi. Anh ta hiện là giám đốc thiết kế online của nhật báo lớn nhất nước Mỹ - The New York Times.

TTL: Nói thiết kế Việt Nam đang ở tình trạng sơ khailà chưa đúng. Về mặt nghệ thuật, chuyện thời gian không quan trọng. Theo tôi biết, có rất nhiều những người làm thiết kế thị giác chơi chơi “không cần nổi tiếng”, nhưng tác phẩm của họ rất đáng nể. Sáng tạo hay không là ở đó. Công cụ thì cũng chừng đó, mình xài nó như thế nào thôi… Có một vấn đề nữa của những kẻ cắp là mặc cảm phải bằng người khác nên cứ viện cớ “cover”. Lý do này dẫn đến việc sao chép thiển cận. Nếu như tự hình dung tác phẩm bằng chính con mắt, cái đầu của mình thì lại khác. Làm nghề thì phải biết nhiều, nhưng “biết” như thế nào mới quan trọng. Cái xấu hổ là chạy theo người ta như thế mà quên mất mình đang có gì… Căn bệnh lười suy nghĩ này tất nhiên dẫn đến hệ lụy là nhan nhản những “tác phẩm” sao chép.

* “Đạo cóp” khó xét xử, vậy ai chết?

NTPĐ: Đạo ý tưởng chưa làm ai chết tươi. Thế nhưng trong một thị trường thiếu vắng cảm xúc trong nhiều sản phẩm thiết kế hiện tại, việc lay động người cảm thụ qua thiết kế nhái, nếu có thể có được, là cách xúc phạm mỹ cảm khá độc ác. Những người làm việc ấy nên hiểu điều này. Sau cùng, tôi ước mong là không tìm thấy học trò cũ nào trong số các tác giả thiết kế “đạo ý tưởng, sao chép, ăn cắp” đã nói.

TTL: Cái tội nhất trong việc “phát hiện” những sản phẩm thị giác gần đây là nó đã tồn tại từ hồi nảo hồi nào rồi. Vấn đề ở đây là không đáng nói. Một cuốn sách như của cô Lê Kiều Như, những bức ảnh như thế có gì đâu mà ầm ĩ? Nhắc lại chuyện cái toilet của Marcel Duchamp, chính công chúng là người tôn nó lên làm tác phẩm đình đám, vậy thì nếu công chúng nghiêm túc một chút, những poster, những cuốn sách, những bài hát “đạo” như vậy có còn chỗ đứng hay không? Của đáng tội…, màu, bút vẽ, máy móc, nhạc cụ chẳng có lỗi gì hết. Cái ngu nó có lỗi. Ngu thì mới ăn cắp… Vậy đâu là cái gu thẩm mỹ? Chính thái độ hời hợt của những người trong nghề đã biến chuyện không có gì thành như thế. Ngay từ đầu mà “lương thiện” phán quyết thì nó đã không xảy ra


Văn Bảy(thực hiện)

Ca sĩ Đông Nhi (một trong hai nhân vật trong bức hình bị xem là nhái poster phim Princes): Báo HHT muốn xây dựng hình ảnh giống như trong phim Princess nhằm phục vụ cho một bài viết về bộ phim này và muốn mượn hình ảnh của Đông Nhi và Khổng Tú Quỳnh thể hiện ý tưởng đó. Khi hợp tác, họ cũng nói rõ nguồn và mục đích, cho nên tôi nghĩ đó là chuyện bình thường. Khi nhận lời, tôi không nghĩ khán giả sẽ cho là mình sao chép vì khi tấm hình này được đưa lên báo chỉ mang tính minh họa cho bài viết về bộ phim Princess. Khán giả xem hai tấm hình này, nếu là người chưa đọc bài báo sẽ cho rằng Đông Nhi cố tình tạo phong cách giống như thế. Nhưng đặt vào bài báo với nội dung hoàn chỉnh như vậy thì sẽ thấy nó phù hợp.

Diễn viên Baggio (xuất hiện cùng Trương Quỳnh Anh trong hình ảnh “sinh đôi” từ poster phim Ngôi nhà hạnh phúc): Hồi đó được một tờ báo điện tử mời, Baggio cùng Trương Quỳnh Anh chỉ đảm nhiệm vai trò người mẫu, những vấn đề còn lại hoàn toàn thuộc về stylist của báo. Khi hợp tác, họ không nói mô phỏng từ phim Ngôi nhà hạnh phúc, tôi cũng chưa xem phim này nên không biết nó như thế nào. Nếu biết, chắc chắn sẽ không nhận lời vì tôi không muốn mình giống ai khác. Ban đầu tôi cũng không thích phong cách ăn mặc này vì nó không thoải mái cho mình. Sau một thời gian thì biết tấm hình này nhái theo kiểu của Ngôi nhà hạnh phúc. Trong chuyện này, nếu phải giải thích thì tôi nghĩ stylist sẽ là người phải giải thích.

Họa sĩ thiết kế Cao Trung Hiếu (thiết kế album cho nhiều ca sĩ: Đoan Trang, Hà Anh Tuấn, Phương Linh, Lưu Hương Giang, Phạm Anh Khoa): Khi muốn tạo dựng một bộ ảnh, đầu tiên phải hình thành ý tưởng. Tất nhiên có thể sử dụng những hình ảnh gợi ý có sẵn (cách làm này ngay cả trên thế giới hay các tạp chí quốc tế cũng áp dụng), nhưng để gợi mở, không có nghĩa là chụp lại giống như họ. Trên các báo tuổi “teen” ở ta, tôi thường hay thấy kiểu lấy ý tưởng từ những poster phim nổi tiếng như Ngôi nhà hạnh phúc, Trăng non…, để chụp lại. Có lẽ các tác giả này muốn mô phỏng những bộ phim đang “hot” để tạo sự thú vị cho bạn đọc. Tuy nhiên, khi công bố, phải nói rõ ý tưởng được lấy từ nguồn nào.

Quỳnh Lưu (ghi)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm