"Đánh thức" những cây cầu bộ hành của Hà Nội (kỳ 3): Bước chuyển từ cây cầu "kết nối 2 thế giới"

08/08/2024 19:31 GMT+7 | Văn hoá

Tồn tại "âm thầm" trong nhiều năm dài, rồi cũng đến lúc những cây cầu bộ hành tại Hà Nội phải sự thay đổi cả về thẩm mỹ và công năng, khi thực tế đặt ra nhu cầu ấy. Để rồi, dù mới xuất hiện vài tháng, cầu Trần Nhật Duật đã khiến chúng ta phải nhìn lại về cầu đi bộ từ cách tiếp cận mới: Những không gian đô thị công cộng.

"Ở hai khu vực vốn chỉ cách nhau một con đường, có lẽ chính sự trở ngại về mặt tâm lý còn lớn hơn nhiều trở ngại về mặt giao thông. Bởi, đó là câu chuyện từ cách tiếp cận của lịch sử, với những định kiến theo thời gian" - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển thực hiện dự án, nói - "Và chúng tôi muốn cùng cộng đồng xóa đi định kiến ấy về sự chia cắt hai không gian ấy, bằng gạch nối là cây cầu bộ hành này".

"Làm mới" từ chất liệu ký ức - lịch sử

Dài hơn 50 mét, (bao gồm một đoạn chuyển ở giữa), cây cầu Trần Nhật Duật bắc từ cổng trường tiểu học Trần Nhật Duật, vượt qua lòng đường và tường đê để nối sang đường Hồng Hà thuộc khu vực phường Phúc Tân phía ngoài bãi sông Hồng.

Xây dựng từ năm 2014, sau tròn 10 năm sử dụng, cầu đã xuống cấp - như hầu hết những cây cầu đầu bộ hành được Hà Nội triển khai trong đợt đầu tiên: Lớp phủ trên sàn cầu và thang lên xuống bong tróc nghiêm trọng, hệ thống chiếu sáng hoạt động phập phù, phần mái vòm bị thủng, trong khi những bảng quảng cáo quá to được lắp đặt trên thành cầu khiến không gian trở nên rất bí.

Quan trọng hơn, khi khảo sát thực địa, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nhận thấy: viêc cây cầu ít được học sinh trường tiểu học Trần Nhật Duật và cộng đồng sử dụng chỉ là bề nổi của một vấn đề đã tồn tại từ lâu: Sự chia cắt không gian giữa cộng đồng trong và ngoài đê sông Hồng, với ranh giới là đường Trần Nhật Duật  và hệ thống tường đê. Ngoài cây cầu bộ hành, việc đi lại giữa 2 không gian chỉ có thể thực hiện bằng việc… trèo qua những đoạn tường đê thấp, hoặc đi vòng rất xa xuống các "cửa mở" hiếm hoi dọc tuyến tường đê này.

"Đánh thức" những cây cầu bộ hành của Hà Nội (kỳ 3): Bước chuyển từ cây cầu "kết nối 2 thế giới" - Ảnh 1.

Cầu đi bộ Trần Nhật Duật nhìn từ bên ngoài

"Một bên là cư dân của đất kinh kỳ 36 phố phường nức tiếng trong lịch sử Hà Nội. Một bên là người dân ngoài bãi, với hạ tầng còn nhiều bất cập và định kiến về "dân ngụ cư" vốn tồn tại lâu năm" - ông Sơn nhận xét - " Như thế, sự chia cắt về địa hình và giao thông tại đây cũng gắn luôn với sự chia cắt mang tính xã hội, vốn chưa được giải quyết".

Và sự chia cắt này cũng gắn với một thống kê "biết nói": Lượng người đi lại trên cầu bộ hành những năm qua chủ yếu là lượng người từ khu vực ngoài đê đi vào nội thành. Đa phần, họ là những người lao động, vào khu vực phố cổ để mưu sinh. Ở chiều ngược lại, như một tất yếu, không nhiều công dân của khu vực phố cổ có nhu cầu vượt cầu bộ hành để ra "ngoài bãi".

Để rồi, như lời kể, khi cây cầu là không gian gắn với luồng di chuyển "một chiều" ấy, đã có những va chạm manh mún xảy ra ở đây, kèm theo những lo ngại ngày càng tăng của phụ huynh về nạn trấn lột hay bắt nạt học sinh tiểu học. Ở góc độ khác, với chất lượng chiếu sáng xuống cấp, không gian trên cầu vào ban đêm cũng mặc định được coi là nơi cư trú của nhiều đối tượng phức tạp - giống như tại nhiều cây cầu tương tự.

Bởi thế, khi được phía quận Hoàn Kiếm yêu cầu "làm một cái gì đó" để cải thiện cho cây cầu, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn hiểu rằng: Mọi thứ không nên chỉ dừng lại ở việc trang trí một công trình giao thông đã xuống cấp.

 Nghiền ngẫm tư liệu, một thông tin thú vị được anh và đồng nghiệp nhận ra: Cây cầu bộ hành này nằm sát Chợ Gạo cũ - thương cảng bán gạo nổi tiếng khi xưa - và cũng là nơi cửa sông Tô Lịch đổ ra sông Hồng, với dòng chảy giao thương tạo nên bộ mặt của đất Kẻ Chợ xưa. Và theo một cách nào đó, dòng bộ hành nối từ nơi này ra ngoài bãi sông Hồng cũng là sự tiếp nối mà lịch sử chọn để thay thế cho dòng thủy lưu khi xưa.

"Những ý tưởng về nước dần nảy nở. Rồi chúng tôi nhận ra: Phần phía sau của các biển quảng cáo trên cầu, vốn đang bị vẽ bậy và bôi bẩn, hoàn toàn có thể trở thành các khung tranh độc đáo kết hợp ánh sáng nhẹ tạo tương tác với người xem" - anh kể.

Họa sĩ cho biết thêm: "Nếu khéo tưởng tượng, vòm cong đang xuống cấp lại giống với một đường thủy cung dưới nước, còn hệ thống cột và bậc thang là cơ hội để "kéo dài" và tiếp nối các ý tưởng. Có nghĩa, xuyên suốt theo trục không gian, cả cây cầu sẽ là một tác phẩm nghệ thuật đồng bộ và hoàn chỉnh".

"Cách mà cầu Trần Nhật Duật "lột xác" ít nhiều cũng là một gợi mở cho việc "đánh thức" các cầu bộ hành đang và sắp có tại Hà Nội".

Khi cầu bộ hành không còn là "đường một chiều"

Tất nhiên, ở bối cảnh hiện tại, việc "hô biến" một cây cầu bộ hành thành không gian nghệ thuật sẽ không thể chỉ trông vào ngân sách Nhà nước. Và sau một thời gian rất dài vận động, quận Hoàn Kiếm cũng tìm được một ngân hàng lớn để đứng ra tài trợ và đồng hành cùng dự án khá mơ mộng này. Sau 4 tháng thực hiện, cây cầu với diện mạo mới chính thức khánh thành vào gần cuối tháng 4 vừa qua,

Với chủ đề "Nước" xuyên suốt, không gian này dường như mở ra một thế giới đa sắc màu. Ở đó, tác phẩm Thuỷ cung của Vũ Xuân Đông cung cấp các loại cá, mực, sứa… được làm từ làm từ chất liệu tái chế, được hấp thụ ánh sáng bởi hệ thống đèn led hoặc đèn hắt dọc từ vòm cầu. Tác phẩm Sóng của Lê Đăng Ninh gợi mở ký ức về những lớp sóng sông Hồng chuyên chở phù sa, xen giữa là hình ảnh vẽ tay tái hiện những người lao động tại Hà Nội đầu thế kỷ XX trong tư liệu thời Pháp.

"Đánh thức" những cây cầu bộ hành của Hà Nội (kỳ 3): Bước chuyển từ cây cầu "kết nối 2 thế giới" - Ảnh 3.

Và một phần không gian bên trong cầu đi bộ Trần Nhật Duật

Hoặc, phía chân cầu là các bức Cá chép vượt Vũ Môn của Cấn Văn Ân từ mẫu tranh dân gian Hàng Trống, vốn là ước vọng thường được gửi gắm kèm theo sĩ tử. Chưa hết, cây cầu còn có cả những bức vẽ 3D trên trụ cầu, trên tường đê với hình nước chảy tràn hoặc hình những con thuyền giấy rất thân thuộc với tuổi học trò.

Ngạc nhiên, hào hứng, rồi… một đồn mười, lượng người bước lên cầu bộ hành Trần Nhật Duật luôn đầy ắp vào các buổi tối - thời điểm hệ thống trang trí chiếu sáng - được hoạt động. Và cũng ngay từ ngày khánh thành, những bức ảnh đa màu sắc tại đây đã ngập tràn trên không gian mạng, với không ít mỹ từ như "hầm thủy cung", "cây cầu ánh sáng", hay "điểm check-in có 1-0-2".

Còn trong niềm vui của mình, nhóm tác giả nhận ra: Dần dần, một dòng bộ hành mới đã bắt đầu hình thành, nối từ phố cổ sang ra bờ sông Hồng, như một sự đối xứng - dù hơi muộn nhưng cần thiết - để cân bằng với dòng chuyển động cố hữu. Đó là những gia đình cùng nhau lên đây hóng mát, là những bạn trẻ rủ nhau tới đây chụp ảnh - và cả những du khách quốc tế đi qua cầu vào ban ngày, rồi tìm ra tận bờ sông Hồng, nơi cũng có một số dự án nghệ thuật công cộng từng được triển khai tại bãi Phúc Tân.

Nhưng câu chuyện chưa dừng ở đó. Với thành công bất ngờ của cầu Trần Nhật Duật, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn đang tính tới một ý tưởng khả thi: Thành lập một "Walking art tour" - tour đi bộ trải nghiệm nghệ thuật miễn phí cho du khách trong và ngoài nước tại Hà Nội.

Cụ thể, tour đi bộ ấy có thể bắt đầu vào mỗi chiều tối, từ những di tích trong phố cổ, vắt qua cây cầu đi bộ Trần Nhật Duật, đưa du khách tới tham quan những không gian nghệ thuật cộng đồng, cũng như hệ thống cây xanh, mặt nước và khung cảnh đặc biệt lúc hoàng hôn tại bờ sông Hồng. Trước mắt, nhiều sinh viên tại Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật (ĐH Quốc gia Hà Nội), đã hào hứng sẵn sàng được thực tập trong vai trò những hướng dẫn viên miễn phí, và giúp du khách quốc tế đăng ký tham dự tour đi bộ này.

Và như thế, cách mà cây cầu này "lột xác" ít nhiều cũng là một gợi mở cho việc "đánh thức" các cây cầu bộ hành đang - và sắp có - tại Hà Nội khỏi sự thờ ơ mặc định.

Bởi theo một nghĩa nào đó, như lời họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, mỗi địa điểm tại Hà Nội dù ít hay nhiều cũng đều có một lịch sử của riêng mình và sẵn sàng "đối thoại" với cộng đồng qua những kiến trúc hay không gian cụ thể.

"Tour đi bộ 10 phút"

Như lời họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, mô hình "Walking art tour" khá phổ biến tại những đô thị lớn trên thế giới. Tại đó du khách được hướng dẫn đi quan sát, trải nghiệm và tương tác trên những "con đường nghệ thuật" được tạo dựng để ngắm nhìn một bộ mặt khác của thành phố: trôi chậm hơn, trên những gam màu của di sản, văn hóa hay nghệ thuật cộng đồng.

"Trước mắt, có thể việc trải nghiệm cây cầu này là một "Walking art tour" kéo dài khoảng 10 phút với mỗi du khách" - anh nói.

(Còn tiếp)

Hoàng Nguyên

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm