Danh thủ Ngô Xuân Quýnh và bình luận viên Quang Tùng: Hai thế hệ, một tình yêu

12/03/2021 18:57 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Ông Ngô Xuân Quýnh sinh ngày 16/03/1933 tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Niềm đam mê bóng đá của ông được thể hiện ngay từ thơ ấu đầy gian khó khi ông và các bạn tham gia vào những trận đấu bằng trái bóng là quả bưởi trong vườn hay những cuộn giẻ, trái ban quần...

Lịch thi đấu V-League 2021: HAGL vs Bình Định. VTV6, BĐTV trực tiếp bóng đá Việt Nam

Lịch thi đấu V-League 2021: HAGL vs Bình Định. VTV6, BĐTV trực tiếp bóng đá Việt Nam

Lịch thi đấu V-League 2021: HAGL vs Bình Định, Hải Phòng vs Hà Nội. VTV6, BĐTV trực tiếp bóng đá Việt Nam. Bảng xếp hạng V-League 2021. BXH bóng đá Việt Nam mới nhất vòng 3

Giấc mơ làm cầu thủ bóng đá trở thành sự thật là khi ông theo học một lớp cán sự về Văn hoá - Thể thao tại trường Lục quân. Ông may mắn được sự chỉ bảo tận tình bởi “tiền bối” Nguyễn Thông, một cầu thủ bóng đá xuất sắc nổi tiếng từ trước năm 1945.

Rèn luyện bằng một ý chí nghiêm túc và nghị lực phi thường, cơ hội đã đến với ông vào ngày 23/9/1954, Đoàn công tác TDTT Quân đội (Thể Công) được thành lập. Ông Ngô Xuân Quýnh cùng một số chiến sỹ khác trở thành thế hệ đầu tiên của đội bóng Thể Công.

Trong sự nghiệp thi đấu của mình, ông giành 3 chức vô địch quốc gia năm 1955, 1956 và 1958. Đối với cuộc đời cầu thủ của Thể Công, chừng đó danh hiệu không thể gọi là hiển hách, nhưng với ông, đó chính là những ký ức đẹp đẽ đầu tiên mà ông giành được cùng với những người đồng đội trong màu áo xanh.

Năm 1967, ông được cử làm Trưởng đoàn bóng đá trẻ của Thể Công sang CHDCND Triều Tiên tập luyện. Chuyến tập huấn này đã tạo ra một lứa cầu thủ tài năng của Thể Công và bóng đá Việt Nam. Có thể nói, lịch sử bóng đá vang đội của CLB Thể Công đều mang những dấu ấn nhất định của người lính già Ngô Xuân Quýnh.

Thế hệ những cầu thủ Thể Công gây tiếng vang suốt thập niên 70- 80 của thế kỷ trước như Ba Đẻn, Nguyễn Trọng Giáp, Phan Văn Mỵ, Vũ Mạnh Hải, Vương Tiến Dũng... và sau này là Cao Cường, Hồng Sơn... đều đã từng là những người học trò được ông dìu dắt những bước đầu tiên với bóng đá.

Chú thích ảnh
Đội hình Thể Công năm 1959 - Lúc đó ông Ngô Xuân Quýnh đang là cầu thủ (người thứ 5 từ trái sang ở hàng đứng thứ nhất)

Khi còn làm công tác quản lý bóng đá, ông Quýnh khẳng định một tâm niệm: “Cầu thủ Thể Công về chuyên môn phải đạt kiện tướng, về quân sự phải đeo hàm cấp úy, về văn hóa phải học xong phổ thông trung học”!

Trong 2 mùa bóng 1980, 1981, CLB Thể Công thi đấu bết bát ở giai đoạn 1, ông Ngô Xuân Quýnh chèo lái vực dậy đội bóng và ông ngay lập tức đưa Thể Công trở lại quỹ đạo vốn có. Sở dĩ, ông Quýnh biến khó khăn thành động lực cho các cầu thủ là nhờ truyền được tính kỷ luật, đồng lòng, bản lĩnh và ý chí vượt khó cho các cầu thủ.

Trước đội bóng, như trước hàng quân chỉnh tề, ông Ngô Xuân Quýnh đọc lời hiệu triệu làm nức lòng quân sỹ (sau này được coi như “Hịch bóng đá”): “Hỡi toàn đội! Hãy nêu cao ý chí/ Đem tấm lòng son để giành lấy vinh quang/ Để có hôm nay đàn anh của chúng ta đã đổ bao mồ hôi…và có cả máu xương/ Ta, hậu thế quyết noi gương tiền bối…”.

Năm 1989, ông được bầu làm Phó chủ tịch khóa 1 của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Nghỉ hưu năm 1992, nhưng cuộc đời ông vẫn lăn đều với trái bóng tròn. Nhận một công việc tại Liên đoàn bóng đá Việt Nam, ông ấp ủ nguyện vọng muốn đem hết sức mình giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa so với các nền bóng đá trong khu vực.

Năm 1995-1996, Giải bóng đá Nhi đồng toàn quốc lần đầu tiên ra mắt, ông Ngô Xuân Quýnh chính là người nghiên cứu, cho ban hành và được quyền quyết định các vấn đề liên quan như quy định, luật thi đấu, sân bãi, số lượng cầu thủ tham gia…

Sinh thời, ông Ngô Xuân Quýnh chỉ có một ước mong là chứng kiến bóng đá Việt Nam lại vô địch SEA Games. Nhưng ngày 25/12/2005 tại Bệnh viện 108 (Hà Nội), ông đã trút hơi thở cuối cùng hưởng thọ 73 tuổi. Để lại sự tiếc thương của nhiều người, ông thực sự là một cuốn từ điển sống với rất nhiều những tư liệu quý về bóng đá Việt Nam.

Ông Ngô Xuân Quýnh có một người con trai là Ngô Quang Tùng, một BLV gạo cội của bóng đá Việt Nam. Từ khi mới 3 tuổi, Quang Tùng đã được hít thở chung bầu không khí với các thần tượng bóng đá của cả nước khi bố là huyền thoại, Trưởng đoàn của đội bóng. Cho đến chừng 10-11 tuổi, đam mê bóng đá của anh thực sự trỗi dậy. Tuy nhiên, giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của anh không thể trở thành hiện thực. Trớ trêu thay, người đàn ông quyền lực chặn đứng giấc mơ bóng đá của anh là ông cụ thân sinh.

Chú thích ảnh
BLV Ngô Quang Tùng khi còn nhỏ cùng với bố mẹ

Với con mắt tinh tường của một người trong nghề, ông Quýnh sớm nhận thấy con trai mình không sở hữu các tố chất, năng khiếu lẫn thể hình để trở thành một cầu thủ lớn. Nếu có theo chuyên nghiệp, ông Quýnh nhận định thẳng thừng với con trai: “Nếu con theo bóng đá chuyên nghiệp, thì cỡ 10 năm rèn luyện cũng sẽ được lên đội 1 Thể Công. Nhưng đó không phải do tài năng của con, mà do con có ông bố này đang ngồi ở đây”.

Giấc mơ đó vẫn được nhen nhóm, ấp ủ cho đến khi anh lên học cấp 3. Và BLV Quang Tùng cũng tâm sự, anh đã từng rất ấm ức vì có bố “làm to” mà mình lại không được đi theo bóng đá chuyên nghiệp để trở thành cầu thủ. Vậy là Quang Tùng theo học trường Đại học TDTT. Sau khi tốt nghiệp, anh về làm phong trào ở một đơn vị thuộc sân bay Nội Bài trước khi bén duyên với nghiệp BLV truyền hình từ năm 1997.

Sau một giấc mơ dang dở của tuổi thanh xuân, BLV Quang Tùng tâm sự: “Cho đến lúc này thì tôi hiểu rằng đó cũng là một sự lựa chọn của cuộc đời mình. Và những gì mà tôi đã có trong sự nghiệp của tôi đến lúc này, có thể nói là tôi hài lòng. Tôi yêu thích thể thao, tôi yêu bóng đá và tôi vẫn đi cùng nó mặc dù không phải là những người chơi trực tiếp, gắn bó với bóng đá như những nhân vật chính. Càng về sau này thì tôi càng nhận ra đó là một định hướng khôn ngoan của bố tôi”.

Trong buổi bình luận sau trận chung kết SEA Games 30 năm 2019 khi U22 Việt Nam thắng U22 Indonesia 3-0, BLV Quang Tùng trong cảm xúc vỡ oà của hàng triệu người hâm mộ đã rơi lệ vì nhớ đến người bố của mình.

"Sinh thời, bố tôi là người hết lòng vì bóng đá Việt Nam trên nhiều cương vị và trong suốt những năm công tác. Thật buồn khi giờ đây, bóng đá nước nhà đã giải được cơn khát vàng tại SEA Games, bố tôi không còn được tận mắt chứng kiến giây phút ấy nữa.

Từ những giải nhi đồng cho đến các giải lớn hơn, cấp câu lạc bộ hay đội tuyển, bố tôi luôn góp nhặt từng chút một để góp phần xây dựng bóng đá Việt Nam. Đến khi nằm trên giường bệnh những ngày cuối cuộc đời, ông vẫn xót xa cho Văn Quyến - một siêu sao hàng đầu nhưng vấp ngã tại SEA Games 2005, để rồi đánh mất cuộc đời, đánh mất sự nghiệp. Khoảnh khắc thầy trò ông Park đứng lên bục nhận huy chương vàng, tôi thấy nhớ bố rất nhiều", BLV Quang Tùng chia sẻ.

Hơn 20 năm làm báo thể thao và viết mảng bóng đá trong nước nói riêng, phải thành thật với độc giả rằng, hầu như báo chí nước nhà đều rất chú trọng đến “Sông Lam Nghệ An”, mỗi khi xây dựng kế hoạch bài vở hàng ngày. Nói theo kiểu makerting là “bắt trend”, “theo trend”, có thể hiểu nôm na là trào lưu, xu hướng của một sự vật, sự việc hay vấn đề nào đó trong xã hội, thì bóng đá xứ Nghệ luôn là đề tài nóng hổi trên các trang báo.

Không thể thống kê hết đã có bao nhiêu sản phẩm báo chí đã đăng tải về Sông Lam Nghệ An. Và cũng thật lạ, phải đến tận lúc này, một cuốn sách về bóng đá xứ Nghệ mới ra đời, lại do hai nhà báo trẻ là Lê Giáp và Trần Trung chấp bút. Tình cảm đó của hai anh thật đáng ghi nhận, trong bối cảnh rất nhiều CLB ở ta chưa chú trọng đến mảng xây dựng “kho tư liệu” cũng như chiến lược truyền thông cho CLB, vốn được ví quan trọng như “tiền đạo”, trong sơ đồ phát triển nền công nghiệp bóng đá hiện đại.

Trân trọng giới thiệu độc giả bài viết đầu tiên trong cuốn sách thể thao đáng đọc này.

***

“Dòng máu của tôi là người Nghệ An nhưng bố mẹ ra Hà Nội công tác từ những năm 50 nên việc tôi không có một chút nào giọng nghệ An là điều bình thường. Tuy nhiên, ở đâu đó trong con người mình có những thứ rất Nghệ An, tình cảm quê hương hay những điều mà bố mẹ đã sống và dạy mình. Tôi vẫn luôn giữ trong mình đó là thứ tình cảm mà rất khó nói thành lời. Nhất là khi nhìn thấy các cầu thủ Nghệ An, từ SLNA đến tuyển thủ ĐTQG họ làm được một điều gì đấy, trong tôi lúc nào cũng có một sự tự hào”, BLV Quang Tùng tâm sự.

Lê Giáp - Trần Trung

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm