Danh hiệu “nâng chuẩn”, giới âm nhạc bức xúc

21/11/2011 11:06 GMT+7 | Âm nhạc

(TT&VH) - Thông tư 06/2010/TT- BVHTTDL ngày 16/7/ 2010 ghi rõ, nghệ sĩ được đề nghị xét danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú phải đạt ít nhất ¾ (tương đương 75%) số phiếu bầu đồng ý. Vậy mà, ở “chặng cuối” - hội đồng chuyên ngành (cấp Nhà nước) - “chuẩn” này được (bị?) nâng thành 90%. Điều đó đang khiến giới âm nhạc băn khoăn và bức xúc…

Bộ VH,TT&DL vừa ban hành các Quyết định thành lập 14 Hội đồng chuyên ngành xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT), Giải thưởng Hồ Chí Minh (GTHCM), Giải thưởng Nhà nước (GTNN) về văn học nghệ thuật năm 2011.

Theo đó, các Hội đồng chuyên ngành bao gồm: Văn học, Sân khấu, Múa, Âm nhạc xét tặng GTHCM, GTNN; Điện ảnh, Nhiếp ảnh, Mỹ thuật, Văn nghệ dân gian, Kiến trúc xét tặng GTNN; Sân khấu, Múa, Điện ảnh, Âm nhạc, Phát thanh-Truyền hình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.

“Nâng chuẩn” vào phút chót

Đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT gần nhất, vào năm 2007, các hội đồng cấp Nhà nước gồm 23 thành viên. Nghệ sĩ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT cần có 17 phiếu bầu đồng ý. Ở đợt xét “vớt” số phiếu tiêu chuẩn này giảm xuống còn 16, tức là chưa tới 70%.

Năm 2010, Bộ VH,TT&DL ban hành Thông tư 06 quy định chi tiết về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Điều 9 Thông tư ghi rõ: “Nghệ sỹ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT phải đạt ít nhất 3/4 số phiếu bầu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng mới được lập danh sách đề nghị Hội đồng cấp trên xét. Trường hợp đặc cách phải đạt 100% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng mới được lập danh sách đề nghị Hội đồng cấp trên xét”.

Theo tìm hiểu của TT&VH, cho đến nay, tất cả các hội đồng đều làm việc theo nguyên tắc này. Tuy nhiên, đầu tháng 11 vừa qua, khi đợt xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước năm 2011 đi vào “chặng cuối”, Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL Hoàng Tuấn Anh đã ký quyết định 3571/QĐ-BVHTTDL về việc thành lập hội đồng chuyên ngành Âm nhạc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.  Theo quyết định này: “Hội đồng có nhiệm vụ tổng hợp, lập danh sách những hồ sơ có tỷ lệ phiếu bầu đạt từ 90% số phiếu đồng ý của tổng số thành viên hội đồng chuyên ngành trở lên, trình Hội đồng cấp Nhà nước xem xét, quyết định/ Lập danh sách những hồ sơ có tỷ lệ phiếu bầu đạt dưới 90% (theo thứ tự từ cao xuống thấp), báo cáo Hội đồng cấp Nhà nước khi có yêu cầu”.



Ca sĩ Trọng Tấn “trượt” danh hiệu NSƯT vì chưa đủ “thâm niên”

Giới âm nhạc sẽ “mất mùa” danh hiệu?

Trên thực tế, số hồ sơ của giới âm nhạc được lọt vào đến những vòng xét tặng cuối cùng này không nhiều. Riêng Bộ VH,TT&DL chỉ bỏ phiếu duy nhất trường hợp xét tặng danh hiệu NSND của nghệ sĩ Ngô Văn Thành. Hồ sơ danh hiệu NSND lĩnh vực âm nhạc từ các ngành, tỉnh thành cũng chỉ có 6 người, gồm: nhạc sĩ Trọng Đài, ca sĩ Hồng Ngát, ca sĩ - chỉ đạo nghệ thuật Lê Trọng Nghĩa... Chính vì thế, con số tiêu chuẩn “90%” nói trên chính là khởi đầu những băn khoăn và bức xúc của giới âm nhạc.

Một thành viên hội đồng cơ sở Hội Nhạc sĩ VN ngạc nhiên khi được hỏi về con số 90% này. Vì từ trước tới nay, hồ sơ đạt ¾ số phiếu đồng ý là đã lọt vào vòng tiếp theo. Nhạc sĩ này cũng cho rằng, tỷ lệ nên thống nhất trong đợt xét tặng này. Nếu sau đây, các nhà quản lý và chuyên môn cho rằng, việc xét tặng quá dễ dãi thì nên sửa Thông tư 06, chứ không nên “đẽo cày giữa đường” khiến nghệ sĩ hoang mang.

Trong khi đó, một ca sĩ (xin được giấu tên) thì so sánh khá cụ thể về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT với việc xét tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân (NGND), Nhà giáo Ưu tú (NGƯT). Ca sĩ này cho rằng, ngành văn hóa đừng để việc xét tặng danh hiệu trở nên quá khắt khe, thiệt thòi cho các nghệ sĩ có công lao, thành tích. Tháng 11/2010, Bộ GD-ĐT xét tặng 132/138 danh hiệu NGND. Họ chỉ loại bỏ 6 trường hợp. Số lượng NGND phong tặng đợt này gần bằng tổng số NSND được phong tặng trong 6 đợt, từ năm 1984 đến nay.

Cuối tháng 7/2011, khi Bộ VH,TT&DL công bố danh sách xét tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước mà thiếu những cái tên như nhạc sĩ Phạm Tuyên (GTHCM), nhạc sĩ Phú Quang (GTNN), Bùi Công Duy, Trọng Tấn, Lan Anh, Hồ Quỳnh Hương (NSƯT)... đã gây ra những “sóng gió” trong dư luận. Và cứ theo đà “nâng chuẩn” này, nhiều ý kiến cho rằng, lần xét chọn năm 2011, giới nhạc sẽ... “mất mùa”?

Hà Chi




Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm