Danh hài Bảo Chung: Sống ở đỉnh cao càng thấy ghê người

04/02/2015 13:43 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - “Một trong 10 danh hài được yêu thích nhất” (1992), Huy chương vàng với vai diễn trong vở Bao công kỳ cục án (1996), Huy chương vàng trong vở Tiên Sài Gòn (2000), “Một trong 10 nhóm hài được yêu thích nhất” (2004) - bằng đó danh hiệu chưa nói được hết sức hút của một “đặc sản” trong làng sân khấu Việt Nam có cái tên Bảo Chung (ghép từ hai thần tượng: Bảo Quốc và Văn Chung).

Bước sang tuổi 60 (tuổi con dê, sinh năm 1955), Bảo Chung mong muốn trở lại quê nhà sau nhiều năm định cư tại Mỹ cùng gia đình, vì “Sài Gòn là cái nôi cảm xúc của nghề tấu hài và sân khấu”.  

* Trốn nhà đi theo đoàn hát Đồng Ấu Hoa Thế Hệ từ năm 1968, đóng các vai quần chúng, lính xí, rồi vai phụ, kép phụ và kép chính… Đến khi các đoàn cải lương và khán giả đã quen với nghệ danh Phương Lâm từ tên thật là Nguyên Văn Lâm, thì năm 1985 anh chính thức lấy tên Bảo Chung, chuyển sang diễn hài. Trước năm 1985 anh có diễn hài chưa?

- Tấu hài đã có mặt tại Sài Gòn từ lâu, sau 1975 thì những người có công vực dậy nó phải kể đến Bảo Quốc, rồi Duy Phương và nhiều người khác nữa. Từ năm 1979 tôi đã bị “cưỡng duyên” với vai hề, lúc đó đang đi diễn tại Quy Nhơn, do đoàn thiếu diễn viên, tôi phải thành hề trong các vở Lâm Sanh - Xuân Nương, Bên cầu dệt lụa…, dù trong lòng không hề thích. Lúc đó còn trẻ, tôi chỉ nghĩ cải lương mới bài bản, cao quý, còn hề hay tấu hài là chuyện mua vui thôi, có cũng được, mà không cũng được.

Mấy năm sau tôi được diễn chung với nhiều bậc thầy, sau đó danh hài Văn Chung nhận làm đệ tử, truyền nhiều ngón nghề. Năm 1985, khi đi diễn cho Đoàn cải lương Sài Gòn 1, tôi được đạo diễn Thanh Điền giao cho vai Trần Lôi trong vở Chắp cánh chim bằng (KB: Thanh Kim Huệ), thành công ngoài sức tưởng tượng, từ đó tôi mới vững tâm theo vai hề và diễn tấu hài. Có 3 người đã để lại dấu ấn lớn trong đời diễn của tôi là Văn Chung, Bảo Quốc và Thanh Điền, họ không giấu nghề, thấy em út có khả năng là chỉ bảo, nâng đỡ tận tình. Bây giờ nhìn lại, cả về thanh, sắc, vóc và thực lực; nếu tôi vẫn theo cải lương thì chắc chẳng làm được gì đáng kể, dù máu cải lương thì vẫn còn y như vậy.


Danh hài Bảo Chung

* Nổi lên như một danh hài lẫy lừng từ năm 1990, suốt một thập niên sau đó anh ngồi trên đỉnh cao sự nghiệp tấu hài. Đó cũng là thời kỳ mà bên cải lương gọi là “thời phim cải lương”, bên ca nhạc gọi là “thời mưa bụi”, bên điện ảnh gọi là “thời phim mì ăn liền”… Ngón nghề từ cải lương hay từ tấu hài giúp anh nhiều hơn?

- Tôi nghĩ đó là sự kết hợp, trong phim ca nhạc thì người ta cần hài, còn trong phim cải lương thì người ta cần hề kết hợp với hát vài câu cải biên, hoặc chất giọng không giống ai cho vui vẻ. Chính kinh nghiệm cải lương đã giúp tôi rất nhiều về diễn xuất và ghi hình, nhiều lần chỉ quay một đúp là xong. “Thời phim cải lương”, “thời mưa bụi” với tôi đúng là lý thú, áp lực, có quá nhiều ngày chẳng có thời gian để ăn để ngủ. Nhớ lúc đó đi lưu diễn ngoài Bắc, nhiều khán giả mê “mưa bụi” đã đến vây khách sạn, khiến khách sạn bực mình đuổi chúng tôi đi, ở lại họ không làm ăn được.

Vô số ngày tôi ghi hình từ sáng sớm cho tới khuya, ra phim trường quay 5-7 kịch bản khác nhau là chuyện bình thường, những ngày lễ tôi chạy sô mỗi ngày 16-17 suất, ngày thường chạy 7-8 suất, chẳng còn thời giờ làm bất cứ điều gì. Vì vậy mà với gia đình tôi trở thành người vô trách nhiệm, bỏ bê tất cả, mỗi năm gom lại ngủ ở nhà chừng một tháng, chẳng ăn chung được mấy bữa cơm. Rất nhiều đêm về nhà thì con đã ngủ, vợ thì uể oải, đi thì họ chưa thức dậy, đó là điều vô cùng kinh khủng, nghe đỉnh cao nhiều người sẽ khoái, nhưng sống trong đó rồi mới thấy ghê người. Tuy nhiên, tôi không nghĩ mình đã thực sự ở đỉnh cao, chỉ là vì lúc ấy quá bận rộn với nghề mà thôi.

* Bảo Chung mê đá banh và mê xe thể thao từ nhỏ, hình như anh đã sở hữu khoảng 50 ô-tô dạng siêu xe, hẳn cát-sê của anh thời đó quá đỉnh?

- Nếu tính chính xác thì tôi đã lần lượt mua 38 chiếc ô-tô, chứ không đến 50 đâu, thường là 2 cửa, vì tôi rất thích xe dáng thể thao. Đành rằng nhiều xe tôi mua cũng đắt, ở thời điểm đó tại Việt Nam cũng ít thấy, nên nhiều người thêm bớt này kia, chứ không phải siêu xe gì đâu. Đúng là tôi có gần 15 năm rất bận rộn với việc chạy sô, mà chắc chắn không phải vì mục đích kiếm tiền (dù tôi thuộc nhóm kiếm được nhiều nhất), mà vì máu me với nghề và quý trọng các lời mời. Lúc đó nhiều người mê nhà đất, tôi thì mê xe, luôn mua cái đẹp đẹp để vừa thỏa mãn sở thích, vừa có phương tiện lạ lạ đi làm. Sau này nhìn lại thì cũng hơi tiếc, giá mà bớt mua xe để mua đất mua vàng thì bây giờ quá an nhàn rồi, nhưng đến bây giờ tôi vẫn mê xe hơi hơn đất hơn vàng, thế mới lạ. Hơn nữa, mình vẫn còn được khán giả thương, nên vẫn đi làm được, dù không nhiều tiền như trước, nhưng căn bản vẫn sống ổn.

* Bỏ bê vợ con có phải là hối tiếc lớn nhất của đời anh? Điều mà sau này dường như anh đã rút kinh nghiệm, nên khi “đi bước nữa”, anh sẵn sàng bỏ diễn để sang Mỹ định cư cùng gia đình?

- Tôi vẫn nghĩ gia đình là quan trọng nhất, và chưa hề có ý định bỏ bê vợ con, nhưng do quá bận rộn, không cưỡng lại được lời mời diễn mà thành ra như vậy. Còn chuyện đổ vỡ một cuộc tình, một gia đình thì luôn luôn có nhiều lý do, và thường đến từ hai phía trở lên, nhưng chuyện ấy đã là dĩ vãng rồi, không cần nhắc lại nữa. Tôi định cư tại Mỹ là vì vợ con, đó là một ưu tiên, nhưng cũng vì có Trung tâm Vân Sơn ký hợp đồng để mình làm, không sợ lụt nghề, và cũng vì thời của mình bắt đầu qua rồi, đi hay ở lại cũng vậy thôi.

Nếu ép buộc tôi phải chọn lựa giữa nghề diễn và gia đình, tôi vẫn chọn nghề diễn, vì đó là lẽ sống, là máu huyết của đời tôi, không có gì phải hối tiếc. Tôi chỉ hối tiếc một điều rằng, thời mình đắt sô, do quá tham quay tham diễn mà nhiều tiểu phẩm, nhiều vở không ra gì, thậm chí hơi nhảm nhí, xem lại thấy ngượng. Nói điều này ra là để nhắc nhớ mình và cũng gián tiếp nhắc mấy em đang thời xuân sắc, làm gì thì làm nhưng không được cẩu thả, lừa gạt khán giả. Vì ảo giác thức thời mà ta có thể lừa khán giả này kia, vì họ yêu mến mình mà bỏ qua tất cả, nhưng chúng ta không thể lừa thời gian, chỉ cần có độ lùi để nhìn lại, giả dối và chân thật đều lộ ra.

* Hình như các con anh cũng theo nghiệp diễn, nhưng không mấy nổi bật, rồi có người đã bỏ nghề. Bảo Quốc - Duy Phương, Bảo Chung - Hồng Tơ, Quang Minh - Hồng Đào, Tấn Beo - Tấn Bo, Hoài Linh - Chí Tài, Vân Sơn - Bảo Liêm… là những cặp bài trùng. Sao anh không giúp các con mình là Bảo Kỳ, Bảo Riêng để họ thành một cặp giống như vậy?

- Tôi có một nhược điểm là không thích diễn chung với gia đình, máu mủ, vì khi lên sân khấu với người lạ (trước đây là Hồng Tơ, bây giờ là Vân Sơn) mình dễ kèn cựa, diễn rất bốc, còn với gia đình lại thấy ngượng. Đây cũng là cái lỗi của tôi với các con, nhưng nhìn rộng ra thì cái nghề này nghiệt lắm, không mấy khi cha muốn truyền cho con là được đâu. Những cặp mà bạn vừa kể ra, và còn rất nhiều nữa, gần đây nhất là Trấn Thành, Trường Giang, Thu Trang… họ đều phải cố gắng hết sức và được tổ đãi mà thành, chứ không phải do “cha truyền” đâu.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm