Đánh giá tiền đạo U23 VN: Cột cờ chưa cao, chỉ như 5 cây đũa

15/10/2009 12:31 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Sẽ chỉ có 20 cầu thủ đươc đăng ký cho SEA Games 25 tại Lào theo điều lệ. Sự hạn chế này sẽ dẫn tới việc trong số 5 tiền đạo hiện thời có thể sẽ phải loại 2 khi sự đòi hỏi của tuyến phòng ngự và tiền vệ cần nhiều hơn.

AFF Suzuki Cup 2008, ĐTVN đăng kí 22 cầu thủ cũng chỉ có 4 tiền đạo. Ai trong số 5 cái tên Thanh Bình, Đình Tùng, Tăng Tuấn, Quang Vinh, Mạnh Dũng sẽ bị loại? Cũng xin mở ngoặc là thời gian qua, cầu thủ Nguyễn Ngọc Anh luôn được xếp chơi ở vị trí tiền đạo, nhưng càng xem, người ta càng hiểu vì sao, ở SLNA mùa 2009, cầu thủ này lại chơi tiền vệ cánh.


Phan Thanh Bình

Kinh nghiệm  ở các giải trẻ là vô giá. 3 lần tham dự (lần đầu tiên khi mới 17 tuổi) đủ để tạo cho “cựu thần đồng” Thanh Bình một ưu thế rất lớn ở SEA Games này. Điều đặc biệt, khát vọng ở cầu thủ người Đồng Tháp này hầu như không cạn, dù Bình không còn cần phải thể hiện để kiếm hợp đồng chuyển nhượng như các cầu thủ trẻ khác. Với ông Calisto, người hay tự ví đội bóng của mình như 1 dàn nhạc giao hưởng, Bình không phải là cây vĩ cầm, nhưng nhất định là một nhạc cụ gì đó không thể thiếu.

Nhưng để sắp xếp một vị trí trong danh sách các tiền  đạo có thể lần lượt ra sân (đá chính, dự  bị, hoặc chỉ ngồi ngoài) lại cần tới nhiều yếu tố chuyên môn, phong độ, sự tương thích với sơ đồ chiến thuật và khả năng hòa nhập trong lối chơi. 


Bình từ  lâu vẫn sở trường với cú cắt mặt đánh đầu hay dứt điểm chéo góc rất có lực. Lối chơi ấy không chỉ có ông Alfred Riedl ưa thích, mà HLV Calisto với miếng đánh giãn biên cũng cần. 

Hạn chế  của Bình nằm ở kỹ năng xử lý bóng ở phạm vi hẹp. Khi đá tiền đạo cắm trong sơ  đồ chiến thuật và cách chơi của U23, Bình không nhất thiết phải túc trực ở vòng cấm đối phương. Có điều, khi đá rộng hơn, anh cần phẩm chất kỹ  thuật để chuyền, để làm bóng cho đồng đội chứ không chỉ là di chuyển lôi kéo sự chú ý.
 

Hôm qua, Thanh Bình không được đá từ đầu. Anh chơi ở đội hình thứ hai, là 1 trong 2 tiền đạo của sơ đồ 4-4-2. Bình di chuyển liên tục và bóng cũng hướng tới vị trí của anh khá nhiều. Cũng giống như các vị trí khác, chưa có nhiều điểu để nhận xét, nhưng ít nhất Bình cho thấy, tầm của anh đá với các “đàn em” dễ hơn nhiều khi chơi ở đội tuyển. 

Một suất đi Lào chắc chắn thuộc về Thanh Bình!

Hoàng Đình Tùng

Nếu biết Thanh Hóa là đội bóng chuyên gia chọc sâu chạy dài qua các thời HLV, mà Đình Tùng với chiều cao hơn 1m6 vẫn ghi khoảng chục bàn mỗi mùa, đó hẳn là một điều đáng khâm phục. 

Nhưng cái gì cũng có lý do của nó. Có bàn thắng ghi bằng đầu (nhờ chọn vị trí tốt). Có  khá nhiều bàn thắng được ghi khi Tùng đang cầm bóng và xử lý ở tốc độ cao. Có bàn thắng được thực hiện theo cách ‘ăn cắp trứng gà”, chớp cơ hội trong cái nháy mắt giữa đám đông cầu thủ lộn xộn trong vòng cấm.
 


Quãng thời gian qua, khi U23 chủ yếu tập với đội hình có  15 cầu thủ mỗi bên hay trong phạm vi sân được thu ngắn lại (2/3 sân là tối đa), nó làm hạn chế đi những ưu thế của cầu thủ này.

Hôm qua, có thể nhận ra thêm một hạn chế nữa, ít nhất là sự thích nghi chưa đầy đủ của Đình Tùng với vai trò tiền đạo duy nhất. Tùng hầu như không di chuyển theo chiều ngang, chỉ lên và xuống trong quãng đường ngắn 20m. Cách chơi này chỉ cần 1 trung vệ cao to, ốp từ phía sau là Tùng sẽ bị vô hiệu. Có lẽ, phải cần thêm thời gian, cần thêm nhiều sự điều chỉnh, tiền đạo người Thanh Hóa mới đá tròn vai vị trí này.

Nhưng, đương nhiên, một suất ở U23 vẫn thuộc về Đình Tùng, như cách hôm qua Tùng đá ở đội hình số 1.

Trịnh Quang Vinh

Nếu  ông Calisto sử dụng Trịnh Quang Vinh ở vị  trí tiền đạo mũi nhọn, đá cao nhất trong sơ  đồ 4-5-1, thì Vinh sẽ không thể là sự  lựa chọn hoàn hảo. Sở trường của cầu thủ  này là chơi tiền đạo lùi, đôi lúc giống số  10, nhiều khi lại giống số 9 “½”. 

Khi đá sau lưng một tiền đạo khác, Vinh phát huy được những phẩm chất kỹ thuật, khả năng quan sát với nhãn quan chiến thuật nhạy bén. Những đường chuyền của Vinh ở cự ly ngắn, trung bình khá độc. Vinh cũng rất nhanh khi xuất hiện bất ngờ để tung ra những cú dứt điểm bóng sống, mạnh. 


Trên sân tập, Vinh cũng thường tự tìm cho mình một vị trí thích hợp như thế khi U23 chia đội hình chơi quân xanh – quân đỏ. Có một khó khăn khi đá ở vị trí ấy là các cầu thủ phải được cung cấp đủ bóng, mà để có được điều này thì mọi vị trí xoay quanh phải thực sự tin tưởng (điều Vinh vẫn đang đi tìm). Nhiều thời điểm Vinh dành phần lớn thời gian để đi tìm bóng.

Chiều qua, Vinh chỉ đá ở đội hình số 3, trong sơ đồ 4-4-2, trong điều kiện thiếu ánh sáng (17h trời đã tối) và xung quanh là những vị trí “sứt mẻ”, tiền đạo này hầu như không có cơ hội thể hiện.

Triển vọng của Vinh ở SEA Games chỉ được xếp ở nhóm thứ hai, cùng Tăng Tuấn!   

Nguyễn Tăng Tuấn

Tiền  đạo người Thanh Hóa nhưng nổi lên trong màu áo HAGL mấy mùa vừa qua không có ngón nghề tủ nào để người ta không cần nhìn số áo cũng nhận ra anh trên sân. 

Bù lại, Tuấn lại nhặt ra của mỗi tiền đạo một nét gì  đó. Giờ đây, tiền đạo khoác áo số 10 trong các buổi tập của U23 nhiều khi đánh đầu cắt mặt giống như Thanh Bình. Tuấn xử lý không tinh, nhưng không phải là đôi chân “hư” nhất ở đội. Tuấn không phải là một người biết đi dọn cỗ, mà  anh chỉ là người “ăn cỗ”, nên xét về  khả năng làm bóng anh không thể qua mặt được Quang Vinh. Tuấn có sức bật vọt cũng khá, nhưng lại thua so với Đình Tùng cả ở quãng ngắn cũng như ở đoạn dài. 


Tăng Tuấn có thể coi là trường hợp điển hình của mẫu tiền đạo “xấu đều hơn tốt lỏi”, nhưng nếu để sắm một vai dự bị thì người ta lại phải có một vũ khí gì đó thật độc. 

Tăng Tuấn có thể sẽ trụ lại được ở  U23 VN khi ông Calisto cần một phương án dự phòng về  chiến thuật đó là 4-4-2. Khi ấy, Tăng Tuấn sẽ  chơi giống như khi anh khoác áo CLB HAGL, bên cạnh Thanh Bình.

Sự sắp xếp như trên đã được áp dụng cho đội số 2, nhưng Tuấn cũng như bao cầu thủ khác, chưa có gì để lại.

Tới đây, nếu Vinh trụ lại, Tuấn sẽ chia tay, hoặc ngược lại.  

Trần Mạnh Dũng

Nếu tìm một chân sút lắt léo nhất trong số các cầu thủ  đang tập trung trong màu áo U23, Mạnh Dũng có thể không thua ai. 

Và nếu tìm một cầu thủ mỏng cơm, thấp bé nhất  ở U23, Mạnh Dũng cũng là ứng viên số 1. Vị  trí tiền đạo cắm không thể dành cho một cầu thủ như thế, nhất là khi khả năng tì đè, tốc độ của Dũng lại chưa thể bằng người có cùng kích cỡ chiều cao Đình Tùng.


Công việc tỉa tót bóng, tạo cơ hội cho đồng đội cũng không phải là điểm mạnh của Mạnh Dũng để anh được xếp chơi ở vị trí sau lưng tiền đạo cắm. 

Ông Calisto đã tìm cho Dũng một vị trí và kể từ khi U23 tập trung, tất cả mặc nhiên coi cầu thủ này là một tiền vệ cánh, chơi bám biên rồi thi thoảng bó vào trung lộ qua các đường phối hợp hoặc để lấy đất cho hậu vệ cánh leo lên tham gia tấn công.

Nhưng khi U23 lại mới bổ sung một cầu thủ chạy cánh chất lượng là Thanh Trung thì Dũng lại có thêm sự cạnh tranh khi vốn dĩ nó đã khá căng trong suốt hơn 1 tháng tập luyện đã qua. 

Sơ đồ thích hợp nhất với Dũng là 4-4-2, nhưng ngay cả  khi đó, các vị trí còn lại cũng chơi tốt hơn, nhờ sự quen thuộc của cặp Thanh Bình - Tăng Tuấn, hay sự bổ sung cho nhau của Quang Vinh – Đình Tùng.

Trong trận đá tập hôm qua, Dũng đứng ở đội hình số 3, đá bên cánh trái. Nhưng U23 lại chủ yếu đá ở trung lộ, hoặc qua ngả khác.

Nếu Dũng được chọn đi SEA Games, đó hẳn là một món quà bất ngờ!

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm