Dành cho Ann, ca sĩ ảo!

25/04/2023 18:00 GMT+7 | Giải trí

Ann, một ca sĩ ảo mới "debut" (chào sân) khán giả Việt từ ngày 14/3 với ca khúc Làm sao nói thương anh trên kênh YouTube BOBO STUDIO có 2.900 subscribers. Tính đến ngày 24/4, tức là sau hơn 1 tháng xuất hiện, Làm sao nói thương anh thu hút 194.000 views và 1.245 bình luận.

Ann là ca sĩ ảo đầu tiên trong thị trường giải trí Việt. Dù thành công hay chưa, sự xuất hiện này vẫn ghi một dấu ấn trong hành trình phát triển của âm nhạc Việt Nam.

Tròn trịa và đẹp

Giọng hát của Ann mang chất trữ tình, nhẹ và bay, khá bắt tai nhưng chưa có cá tính riêng biệt, người nghe vẫn dễ dàng nhận thấy có nét tương đồng với giọng ca nữ nào đó cùng dòng nhạc.

Thực tế, trong quá khứ, không ít ca sĩ nổi tiếng cũng khởi đầu bằng cách hát na ná phong cách của một nghệ sĩ gạo cội nào đó. Sau một thời gian đã vững tên, họ dần đẩy cái tôi của mình vào nhiều hơn và rồi cái tôi ngày càng lớn theo năm tháng. Cho nên việc Ann giống ai, có đi theo cách của các ca sĩ thực thế hệ tiền bối hay vẫn mãi giữ phong cách này là chiến lược của nhà quản lý - những người sáng tạo ra Ann.

Nhạc Việt ngày nay: Dành cho Ann, ca sĩ ảo! - Ảnh 1.

Ca sĩ ảo Ann đang gây chú ý trên không gian mạng

Tác phẩm gắn liền với sự xuất hiện của Ann, ca khúc Làm sao nói thương anh có giai điệu khá bắt tai, cấu trúc cũng ngắn gọn gồm 2 đoạn. Toàn bộ ca khúc là một bản ballad đậm tính tự sự, là tâm tư của một cô gái trẻ dành cho chàng trai mà mình yêu.

Về giai điệu và ca từ, có những đoạn dễ tạo được sự đồng cảm của khán giả. Chẳng hạn như cả 2 câu của đoạn điệp khúc: "Làm sao có thể giấu tình yêu mỏng manh/ Làm sao em dám nói cùng anh/ Làm sao em dám nói với anh/ Nói ra lòng này lời yêu thương ấy em muốn trao" hay "Tình yêu cứ thế lớn cùng những ước ao/ Mà sao vẫn chẳng dám thành câu/ Dặn lòng sẽ mãi ở phía sau/ Chỉ vì em chẳng nói ra được đâu".

Cả 2 câu của đoạn đầu cũng là tâm trạng của nhiều cô gái trẻ đang tương tư: "Nằm bâng khuâng chờ mong đến sáng mai/ Đêm thật dài mà em cứ nhớ anh hoài/ Nỗi nhớ dài hơn đêm tháng Mười" và "Thật lòng em từ lâu biết nhớ thương/ Mãi âm thầm tương tư suốt đêm không ngủ/ Chỉ mong có thể nói với anh…".

Nhạc Việt ngày nay: Dành cho Ann, ca sĩ ảo! - Ảnh 2.

Có thể khẳng định, bài hát khá ổn về mọi mặt. Làm sao nói thương anh là một bản ballad được làm rất đúng quy tắc. Phần hòa âm khá ấn tượng, trong khi các âm thanh của dàn dây, piano, guitar vốn không thể thiếu thì ở đây đều được thực hiện một cách tròn trịa và đẹp. Giọng hát của Ann cũng hợp với hình ảnh và cảm xúc bài hát.

Nói cách khác, nhìn vào Làm sao nói thương anh, có thể thấy ê-kíp thực hiện không hẳn chỉ nhắm tới thị trường với mục tiêu "bất chấp" tất cả vì lợi nhuận. Họ đã thực hiện một cách tâm huyết, hết sức của mình, để tạo nên một sản phẩm chỉn chu. Đồng thời, cách làm MV và cách chọn dòng nhạc như thế chứng tỏê-kíp đang "nhắm thẳng" vào giới trẻ hiện nay, nhất là phân khúc nữ giới, lứa tuổi ngoài 2K.

Phần hình ảnh cũng khá ấn tượng. Ann là một thiếu nữ đang ở độ tuổi bắt đầu yêu với gương mặt đẹp, phong cách trẻ trung, được xây dựng không giống 100% người thực, càng không giống cô gái Việt Nam mà theo phong cách anime Nhật Bản, một dạng nhân vật hoạt hình.

MV "Làm sao nói thương anh"

Vì sao chưa nổi?

Rõ ràng nhìn vào Làm sao nói thương anh, có thể thấy đây là một ê-kíp hoạt động nghiêm túc, có định hướng, có chiến lược, có nghiên cứu thị trường âm nhạc từ nhiều khía cạnh khác nhau như nhu cầu, sở thích, phân khúc khán giả… Phần âm nhạc khá ổn, phần kỹ thuật công nghệ cũng đủ để đáp ứng cho màn chào sân của một ca sĩ ảo. Hạ tầng để giới thiệu sản phẩm cũng thể hiện tính chuyên nghiệp với việc khai thác đầy đủ các nền tảng trong "hệ sinh thái số" như các ca sĩ chuyên nghiệp ngày nay.

Dẫu thế, ca khúc mới chỉ nhận được chưa đến 200 nghìn lượt xem sau hơn 1 tháng ra mắt và có vẻ chưa được như kỳ vọng của ê-kíphay những người quan tâm đến âm nhạc hoặc công nghệ số. Dẫu sao, có thể hiểu, người nghe vẫn tiếp cận với Làm sao nói thương anh ở mức tò mò. Đó cũng là lý do tại sao tỷ lệ lượt xem không quá cao, nhưng số người để lại bình luận lại nhiều. Đa phần trong số đó đều là hưởng ứng, khích lệ và góp ý… tất cả đều mong muốn cho ê-kíp thực hiện những sản phẩm sau được tốt hơn.

Nhạc Việt ngày nay: Dành cho Ann, ca sĩ ảo! - Ảnh 4.

Không phải ngẫu nhiên ở trên tôi đề cập tới loại nhân vật hoạt hình của Nhật Bản. Trong rất nhiều bình luận trên kênh giới thiệu sản phẩm của Ann, có không ít góp ý về hình ảnh Ann: Ann không giống với người thực, mắt cần thật hơn vì "đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn", miệng cần mấp máy tự nhiên hơn… Thực tế, ê-kíp đã chọn sự xuất hiện của Ann theo phong cách anime nên họ đã làm tốt nhất với quyết định của mình. Nhưng đây cũng là những góp ý chân thành, có thể tham khảo và có những thay đổi phù hợp.

Một trong những yếu tố khác chính là tác phẩm. Dù Làm sao nói thương anh là một bản ballad có chất lượng, phù hợp với lứa tuổi mà nó hướng tới, dù bài hát có thể nhận xét là hay, nhưng nó cũng chỉ là một sản phẩm ballad phổ thông, không có gì nổi bật, không có yếu tố tạo sự bùng nổ. Phần ca từ "đánh trúng" tâm trạng của nhiều cô gái trẻ nhưng chưa đủ hấp dẫn tới mức có thể thành xu hướng trên mạng xã hội.

Còn nhiều yếu tố khác nữa, trong đó có yếu tố quan trọng mà ai gắn với thị trường âm nhạc hiện nay cũng đều hiểu: Chiến dịch marketing chưa đủ mạnh tới mức tạo "độ phủ sóng" gấp nhiều lần hiện tại. Trên thực tế, một ca sĩ ảo có những hạn chế nhất định, chẳng hạn không có những clip liên quan đến biểu diễn, gặp fan… để tương tác và hỗ trợ cho sản phẩm chính. Nhưng, việc đạt được 1 triệu view hay nhiều chục triệu view với một ca sĩ "mới toanh" với hạ tầng số cũng "mới toanh" là một thử thách không phải không thể, vấn đề là mức độ kinh phí nhà đầu tư muốn đổ vào đấy như thế nào. 

"Với tư cách một người hoạt động nghiêm túc trong giới âm nhạc, tôi không chỉ ủng hộ mà còn cảm thấy vui với sự xuất hiện của Ann. Vì thế, khi giới thiệu một nghệ sĩ gắn liền với sản phẩm, ở phạm vi bài viết này, tôi coi Ann bình đẳng như những ca sĩ có thực trên không gian mạng" - nhà phê bình âm nhạc, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long.

Mỏ vàng còn bỏ ngỏ!

Trên thế giới, việc sáng tạo ra các nghệ sĩ ảo không còn xa lạ và đã có những thành công. Nổi tiếng nhất phải kể tới cô người mẫu ảo Miquela Sousa (còn gọi là Lil Miquela) thu hút lượng lớn người hâm mộ, sở hữu khoảng 2,8 triệu người theo dõi trên Instagram. Cô người mẫu này đã thu bộn tiền cho công ty Brud (Los Angeles, Mỹ) sáng tạo ra.

Không chỉ có thế, người mẫu ảo nói riêng, nghệ sĩ ảo nói chung ngày càng xuất hiện nhiều trên thế giới, thậm chí có những tác động ngược trở lại đời sống thực như mang lại nguồn lợi về kinh tế, xuất hiện trên bìa tạp chí thời trang nổi tiếng, xuất hiện trong danh sách bình chọn những nhân vật có tầm ảnh hưởng (chủ yếu là người thực)…

Nhạc Việt ngày nay: Dành cho Ann, ca sĩ ảo! - Ảnh 6.

Nguyễn Quang Long - Tác giả bài viết

Không chỉ dừng lại ở người mẫu ảo trên thế giới mạng, hẳn nhiều người trong số chúng ta còn nhớ năm 2018, Sophia mặc áo dài xuất hiện tại Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0 để giao lưu cùng với các đại biểu. Sophia là một robot hình dạng giống người, được thiết kế cử động giống con người và có trí tuệ thông minh nhân tạo, công nghệ nhận diện khuôn mặt, giọng nói và khả năng xử lý dữ liệu bằng hình ảnh. Sophia được phát triển bởi công ty Hanson Robotics (Hong Kong - Trung Quốc), lần đầu xuất hiện trước công chúng vào năm 2001. Năm 2017, Sophia được Arab Saudi cấp quyền công dân như con người.

Nói vậy để thấy rằng, với sự phát triển vượt bậc về công nghệ thông tin, không điều gì là không thể xảy ra. Vì thế, rất có thể nhiều khả năng, trong tương lai ngành công nghiệp giải trí thế giới còn xuất hiện những nghệ sĩ robot, lúc đó sự lấn sân vào đời thực của "người ảo" sẽ sâu hơn. Tất nhiên, cái gì cũng có 2 mặt, đồng thời cùng với sự xuất hiện của "nghệ sĩ ảo" sẽ nảy sinh các vấn đề và mặt trái của nó. Nhưng đây là sự phát triển theo quy luật tự nhiên, con người có thể kiểm soát chứ không thể loại bỏ. Vì vậy, điều cần thiết là làm thế nào để sự xuất hiện này mang lại lợi ích cho con người.

Và như thế, Ann xuất hiện là một lẽ đương nhiên thể hiện sự hội nhập về giải trí trong lĩnh vực công nghệ của chúng ta. Ann có thể cần có thêm thời gian và trong tương lai sẽ có thêm nhiều Ann, hoạt động ở nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác. Đây là sự phát triển tất yếu chúng ta cũng phải mặc nhiên thừa nhận.

Ê-kíp "Làm sao nói thương anh"

Artist: Ann

Author: BOBO STUDIO

Composer: Kim Ngân

Music Producer: Bluesy

Music Arranger: Bảo Lê

Executive Producer : BOBO Đặng

Creative Director: BOBO Đặng

MV Director: BOBO Đặng

ProductIion House: BOBO STUDIO

Creative Dircetion: Fustic.

Art Direction: Nam Lê (Fustic.) Hải Doãn (Fustic.) Trung Bảo (Fustic.) & idoomythang

Design & Packaching: Nam Lê (Fustic.) Hải Doãn (Fustic.) Trung Bảo (Fustic.) & Thế Anh (Fustic.)

Điểm 8,1

Nguyễn Quang Long

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm