11/06/2011 10:50 GMT+7 | Phim
(TT&VH) - Múa với Pietragalla trên đầu mũi chân (Pháp) và Hãy nói của điện ảnh Việt Nam là hai bộ phim tài liệu cùng có ẩn dụ về những “cú sốc văn hóa”. Hai phim đã được chiếu trong khuôn khổ LHP Tài liệu quốc tế lần 3 vào tối 9/6 vừa qua tại Hà Nội.
Cả hai bộ phim đều đã không chọn mục đích giải thích về khó khăn của nghề múa, cho dù kỹ thuật múa của các vũ công đều tuyệt vời. Nhóm múa của Marie- Claude Pietragalla thậm chí còn được trình diễn nhân dịp Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Còn Big Toe không hổ danh là “hot boy” của Việt Nam.
Họ chọn điều khó hơn - làm thế nào để chung sống, thể hiện một triết lý khác lạ từ một nền văn hóa khác. Nhóm của Pietragalla phải thể hiện đủ chất ngũ hành trong chuyến đi chinh phục thế giới của Marco Polo. Còn Big Toe và cô ca sĩ nhạc rap Kim Jojo muốn trải nghiệm tín ngưỡng phồn thực của người Việt, quan niệm về sex trong giới trẻ Việt Nam.
“Chúng tôi muốn giới thiệu hai bộ phim này như một góc nhìn về những cú sốc văn hóa”, một thành viên của BTC cho biết. Mặc dù vậy, nếu đến tìm cảm giác gay cấn, người xem sẽ tuyệt nhiên không thấy. Một thứ sốc mà không sốc. Hoàn toàn không phải thứ sốc rất giật mình như nhiều người vẫn quan niệm. Đây là thứ sốc “chìm”.
Nhưng hai bộ phim khá tương đồng với nhau về cách làm. Nếu như điện ảnh tài liệu Việt Nam trước đây khá quan trọng phần lời bình để “định hướng” thì giờ trong Hãy nói lời bình không còn nữa. Các nhân vật nói tự nhiên. Trong câu chuyện của họ không có một người làm phim nào xen vào chĩa micro.
Poster của LHP Tài liệu quốc tế lần 3 |
“Đây chính là hai đặc điểm quan trọng của điện ảnh tài liệu Pháp hiện nay. Đạo diễn không đứng và đặt câu hỏi. Thay vào đó, khán giả được đi theo nhân vật, được xem họ trao đổi. Một đặc điểm khác là phim không có lời bình. Đôi khi, nhà làm phim đưa thêm chữ để xác định địa điểm”, tùy viên của Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace cho biết.
Bản thân Phan Huyền Thư - một trong hai đạo diễn của Hãy nói - cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt của xu hướng này. “Chính tôi cũng đã học tập tại nước Pháp, chịu ảnh hưởng của cách làm phim nói trên” - nữ đạo diễn nổi tiếng với Công dân @, Một phút có trong sự thật, chia sẻ.
Với cách làm đó, cuộc sống hấp dẫn sao thì trong phim sẽ như vậy. Cuộc sống buồn cười thế nào, trong phim cũng trọn vẹn thế. Vì thế, khán giả cười ồ trước người đàn ông giả gái trong Trò Trám. Lễ hội phồn thực linh tinh tình phộc được người đàn ông bản địa cắt nghĩa giản dị chợt khiến khán giả thấy, hóa ra sex không quá khó nói. Hơn thế, sex là điều cần nói để có được sự nảy nở tròn trịa. Cũng như thế, ai nấy sững sờ trước những màn diễn đẹp từ ý tưởng, tới kỹ thuật và kỹ xảo của Marco Polo trên sàn diễn.
Nhưng cũng như với Phan Huyền Thư “muốn kéo gần lại khoảng cách của điện ảnh tài liệu Việt Nam với thế giới”, người ta thấy rõ khoảng cách còn dài tuy đã gần hơn. Bởi, điện ảnh tài liệu Pháp những năm gần đây đã chào tạm biệt những ê - kíp làm phim 3-4 người: thu thanh, thu hình, đạo diễn... Giờ, chỉ với một người, họ làm cả. Điều đó khiến nhân vật chỉ có quan hệ thân với 1 người. Cũng do đó, họ dễ dàng bộc lộ hơn với ê-kíp cổ điển. Và khi nhân vật quên rằng mình đang đứng trước camera, cảm giác thật ấy chính là cuộc sống.
Ngữ Yên
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất