Dàn xếp tỷ số trong bóng đá: 'Vòi bạch tuộc' không tha cả World Cup

01/08/2014 06:22 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - World Cup 2014 đã khép lại, với những đánh giá về thành công trong công tác tổ chức. Nhưng có một vấn đề mà dư luận vẫn còn chất chứa hoài nghi. Liệu giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh trên đất Brazil có bị vấy bẩn vì nạn dàn xếp tỷ số?

Ngay trước khi quả bóng Brazuca lăn, FIFA đã tuyên bố rằng các biện pháp đã được cơ quan này thực hiện ráo riết nhằm ngăn chặn nạn dàn xếp tỷ số.

“Sáng kiến liêm chính” của FIFA

Cơ quan quyền lực nhất bóng đá thế giới đã đưa ra “sáng kiến liêm chính”, với phương châm: “Nhận ra nó, chống lại nó và báo cáo nó”. Để hỗ trợ cho chương trình này, FIFA lập một đường dây nóng để cầu thủ, đội ngũ huấn luyện và trọng tài báo cáo “những hoạt động đáng ngờ”.

Ngoài ra, FIFA còn lắp đặt hệ thống cảnh báo sớm (EWS) tại chỗ nhằm theo dõi tất cả những hoạt động cá cược, và ngăn chặn tác động của nó. EWS còn có thể đánh giá bất kỳ cơ hội và rủi ro mà cá cược trong thể thao mang lại.

Nỗ lực của FIFA là rất lớn nhưng không tránh khỏi những lỗ hổng. Ralf Mutschke, người đứng đầu bộ phận an ninh của FIFA cho biết tại World Cup 2014, nhân viên của ông được bố trí theo dõi một số trận cầu mà họ nghi ngờ là mục tiêu của nạn dàn xếp tỷ số. Trong quá trình này, họ nhận ra một số đội bóng có thể dễ bị tổn thương khi đối mặt với vấn nạn đang che mờ cái đẹp của bóng đá.

Tệ hơn cả là việc này đã xảy ra. “Tôi nhận được những báo cáo cho biết một số kẻ đã tiếp cận cầu thủ, đưa ra khoản tiền 20.000 USD chẳng ngần ngại”- ông Mutschke nói với BBC.

Dàn xếp tỷ số - “Quái vật Hydra”

FIFA và các cơ quan thực thi pháp luật gần đây đã bắt giữ 18 người tại Singapore, vì liên quan tới đường dây cá cược bóng đá bất hợp pháp, với số tiền lên đến hàng triệu USD. Khoảng 1,4 triệu USD tiền mặt cũng đã được cảnh sát thu về trong các cuộc truy quét nạn cá cược bất hợp pháp.

Những vụ bắt giữ như thế chỉ như “gãi nhẹ”. Cá cược bất hợp pháp, giống như rắn khổng lồ Hydra trong thần thoại Hy Lạp, nếu bạn chặt đi của nó 1 cái đầu, hai cái đầu khác sẽ mọc lên từ vết thương cũ. Hai trong số những kẻ cầm đầu các đường dây cá cược lớn, Dan Tan và Wilson Raj Perumal đã ngồi tù, nhưng điều đó không đồng nghĩa vấn nạn này đã được kiểm soát.

Vào tháng Hai năm 2012, FIFPro, Hiệp hội cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát hàng ngàn thành viên từ Đông và Nam Âu. Các con số đã gây sốc khi gần 1/4 (23,6 %) cầu thủ thừa nhận họ biết về hoạt động dàn xếp tỷ số ở giải đấu mình tham gia. Gần 45% số người được hỏi ở Nga (nước chủ nhà của World Cup 2018) cũng đưa ra câu trả lời tương tự. Tệ hơn, khoảng 12% cầu thủ thừa nhận đã từng được đề nghị dàn xếp tỷ số trận đấu.

Nguyên nhân gốc rễ của vấn nạn này luôn là tiền bạc. Ít tiền, các cầu thủ thiếu động lực trên sân cỏ và rất dễ bị vướng vào cám dỗ. Một góc tối khác trong hoạt động dàn xếp tỷ số nằm trong các Liên đoàn thành viên của FIFA. Tại World Cup, những cáo buộc về việc đội bóng dàn xếp kết quả trận đấu - không phải là chưa từng xuất hiện.

Ở đâu cũng có “vi trùng”

Tuyển Anh và Đức từng bị tố âm mưu phá vỡ sự thống trị của bóng đá Brazil bằng việc gian lận trong giải đấu năm 1966 và 1974. Tại World Cup 1982, Áo và Tây Đức bị nghi ngờ cố tình dàn xếp kết quả 1-0 để cả hai đội cùng hưởng lợi. World Cup 2002, những ì xèo về việc chủ nhà Hàn Quốc được ưu ái tiến sâu vào vòng trong xuất hiện. Bốn năm sau đó, có cáo buộc Pháp trả Brazil 25 triệu USD để đội bóng xứ Samba chấp nhận thua cuộc...

FIFA, qua thông báo của bộ phận truyền thông, luôn khẳng định rằng World Cup 2014 “sạch sẽ”, dàn xếp tỷ số không thể chạm tới những trận cầu trên đất Brazil. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế và soi xét lịch sử, chưa ai dám đặt 100% niềm tin vào lời tuyên bố của cơ quan này.


Cẩm Oanh
Thể thao & Văn hóa

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm