16/01/2018 12:06 GMT+7 | ĐÀN ÔNG CHẤT
(Thethaovanhoa.vn) - Bạn có thể nghĩ về những người giàu, có một tài sản lớn, đi một chiếc ô tô đắt tiền hay ăn ở một nhà hàng hạng sang. Định nghĩa giàu như vậy không sai nhưng đó chỉ là một miếng của chiếc pizza mà thôi...
Bố tôi, người trong bức ảnh chụp cách đây nhiều năm gầy đen đúa, mặc một chiếc áo sơ mi trắng cũ đang ngồi ở chỗ để đồ, khuôn mặt đăm chiêu nhiều suy nghĩ. “Anh chàng” luôn tự nhận mình là người nhà quê ấy giờ đây là một người lãnh đạo quan trọng của tỉnh, quản lý nhiều doanh nghiệp...
Một người cực kỳ giàu có xuất phát điểm cực kỳ nghèo khó.
Bố tôi rất giàu.
Bố tôi rất rất giàu.
Bạn có thể nghĩ về những người giàu, có một tài sản lớn, đi một chiếc ô tô đắt tiền hay ăn ở một nhà hàng hạng sang. Định nghĩa giàu như vậy không sai nhưng đó chỉ là một miếng của chiếc pizza mà thôi. Và bố tôi là một người "rất rất giàu".
Giàu có tình cảm.
Từ Yên Bái, Lào Cai đến Đà Lạt, Kiên Giang, Đắc Lắc… tôi chưa thấy bố đi đến đâu mà lại không có một người bạn, người thân ở đó. Bố tôi sống chân tình lắm, hồi còn nghèo nhà bạn lấy vợ thì tình nguyện đến kê bàn ghế, xách nước phục vụ mấy ngày đêm; lúc thành đạt rồi khi sang cát ông ngoại xin nghỉ phép về, nửa đêm giá trời vừa lạnh vừa mưa cóng hết tay thanh niên còn phải ngại vẫn một tay xẻng một tay cuốc tự tay xông pha làm mọi việc. Sau này bố bảo có một chuyến đi nung nấu suốt mà không thể đi vì bận suốt ngày trong cả năm, cuối cùng bố tôi cũng lên đường. Chuyến đi ấy bố bảo khiến bố ân hận lắm, một người bạn đã mất ở Hà Tĩnh 1 năm rồi mới đến tự tay thắp cho bạn nén hương…
Giàu, rất giàu về kiến thức.
Bố tôi là người "nhiều bằng" nhất cơ quan của mình phần lớn là Thạc Sĩ, Tiến sĩ. Bố dành cả đời để đi học, đi học hơn 30 năm, có tất cả các bằng về kinh tế, lý luận chính trị, tiếng Anh dù chuyên ngành của bố là… quản lý đất đai. Tôi luôn tự hỏi "Bố chỉ là anh đại học tại chức nhưng tại sao lại lãnh đạo được những người học Thạc Sĩ, Tiến sĩ nước ngoài về?".
Tôi quan sát và hiểu được là kiến thức sâu rộng đúc rút từ thực tiễn, tinh thần tự học của bố chính là câu trả lời. Ở tuổi ngoài 40 bố tôi... học tiếng Anh để thi Thạc sĩ Đại học Bách Khoa. Thạc sĩ ở Bách Khoa là khó nhất ở Việt Nam, khoa bố tôi thi năm đó tỷ lệ trượt là 60%. Bố tự học và đi thi như các sĩ tử, vừa đi làm vừa đi học kết thúc bảo vệ với số điểm lịch sử 9.8 đứng đầu cả khóa và được ghi trong bảng Vàng những người bảo vệ cao điểm nhất trường.
Giàu nghị lực
Nhà ông nội nghèo. Lớp 10 bố đạt giải 3 văn toàn quốc, sức học rất tốt nhưng nhà khó khăn nên phải đi học trung cấp ở Thanh Hóa Bỉm Sơn. Đó là năm 17 tuổi khi còn là một thanh niên nhà quê Thái Bình, một mình bố lên chăm anh trai mình bệnh nặng ở thủ đô, đói lắm, rét lắm. Không được ngủ vì bác hôn mê, thức hết đêm này sang đêm khác, đói không có gì ăn, bố tôi đi bộ hàng chục cây đến nhà người thân xin giúp. Cứ như vậy đến lúc bác mất.
Năm đầu tiên bố đi làm là năm 1987, hai bàn tay trắng, cả tài sản là chiếc hòm tôn với hai bộ quần áo, bố rời quê lúa ra Quảng Ninh lập nghiệp. Lấy mẹ tôi rồi nhà nuôi lợn tăng gia, chiều nào cũng đạp xe lấy cá lợn về cho lợn ăn. Hoạn lợn, bấm răng cho lợn rồi đỡ đẻ cho lợn không gì là bố không biết.
Công việc thì khó khăn muôn trùng. Lúc bố làm Phó giám đốc trung tâm bận lắm nhưng cuối tuần vẫn nhận đi đo Trắc địa, leo rừng leo núi từ sáng sớm đến tối khuya đen cháy cả người cực kỳ vất vả.
Bố bảo ngày đầu đi làm thì mục tiêu đầu tiên là mua một chiếc đồng hồ vì cả cơ quan ai cũng có mà mình thì không. Thế là tháng lương đầu tiên bố mua một cái đồng hồ Seiko. Sau đó nhà hàng xóm mua TV, bố phấn đấu mua cái xịn hơn. Nhà hàng xóm lại mua xe máy, bố lại phấn đấu mua một cái xịn hơn... Cứ như vậy, từ chiếc đồng hồ nhỏ bé đến ngôi nhà khang trang - một ngôi nhà rất đẹp bây giờ.
Nỗ lực và nỗ lực không ngừng. Càng khó khăn bố lại càng giỏi hơn, càng mạnh mẽ hơn.
Đó là bố tôi, một người rất giàu.
Nhờ tài năng và nghị lực của mình nên mọi người có thể nhìn vào bố tôi bây giờ rực rỡ như một vì sao. Nhưng thứ mà mọi người không biết là để có được vị trí ấy thì người đàn ông này đã trải qua những gì trong đời. Đó là câu chuyện của những giọt mồ hôi. Những giọt mồ hôi đã từng rất nóng hổi, rất mặn, rất đắng…
Hồi nhỏ thì tôi nghịch, bố tôi mắng tôi suốt ngày. Tôi làm gì cũng bị mắng. Tôi pha ấm chè không lần nào không bị chê, 100 lần chê cả 100, tôi không ăn mỡ thì bố tôi buộc phải ăn đến khi khóc mà vẫn ép phải nuốt, nước mắt giàn dụa trên má chảy vào miệng mặn chát.
Lớn lên rồi tự dưng cảm ơn bố nhiều lắm, càng lớn càng hiểu và biết ơn công dưỡng dục của bố biết bao.
Khi đi làm, công việc anh sinh viên mới ra trường thì đâu biết gì, sáng nào cũng đến sớm nhất phòng cố gắng quét nhà và pha chè. Cứ liên tục như vậy hết 1 tuần, 1 tháng rồi 2 tháng, chính cái ấm chè đó đã giúp tôi hòa nhập nhanh chóng với công việc và mọi người. Ở chén chè nhỏ bé ấy tôi mới thấy được vì sao bố tôi thành công đến thế, bố tôi giỏi lắm, và bố luôn dạy tôi một điều là ngay từ một việc nhỏ nhất như pha chè phải làm thật tốt, thật hoàn hảo thì mới làm được việc lớn được.
Miếng mỡ mà bố tôi ép tôi vừa chảy nước mắt vừa ăn ấy cũng là một bài học thấm thía. Sau này còn rất nhiều “tảng mỡ” khác, rất ngậy, rất kinh nhưng tôi hiểu rằng mình vẫn phải nuốt nó và tiếp tục sống, tiếp tục tươi cười đón nhận. Câu mà bố thường lặp lại nhất với tôi là: "Con phải hiểu mình là con nhà nông, không được cho phép mình con nhà lính tính nhà quan. Hoàn cảnh không là thước đo giá trị của con người, cái gì người ta ăn được thì mình cũng ăn được, cái gì người ta làm được thì mình nhất định sẽ làm được".
Năm tôi học lớp 1, bố in thời Khóa biểu cho tôi đẹp lắm. Lớp 2 lại một cái nữa. Lớp 3 cũng vậy. Lớp 4, lớp 5… Ở dưới thời khóa biểu lúc nào cũng chỉ ghi độc một vài dòng, tôi đọc thuộc đến chán: "Sự nghiệp học tập là quyển vở không có trang cuối cùng. Học, học nữa, học mãi". Tờ thời khóa biểu nào cũng hai dòng đấy.
Bức ảnh cuối này tôi chụp khi tôi học Đại học năm thứ nhất ở buổi bảo vệ Thạc sĩ cùng bố. Bố tôi phát biểu một câu mà có thể mọi người thấy bình thường. “Rất cảm ơn các thầy, có lẽ từ nay em không phải đi học nữa rồi” - nhưng câu nói ấy khiến tôi suýt bật khóc. Người đàn ông tóc bạc khá nhiều cạnh tôi đây đã 45 tuổi, dành hơn 30 năm đi học trong cuộc đời…
Con chưa bao giờ nói ra điều này cả nhưng tận đáy lòng con luôn yêu bố, con rất tự hào vì bố.
"Sự nghiệp học tập là quyển vở không có trang cuối cùng, học, học nữa, học mãi"...
Hạn cuối cùng nhận bài dự thi “Đàn ông Chất” sẽ là ngày 20/1/2018. BTC sẽ công bố bài đoạt giải trên fanpage của báo Thể thao & Văn hóa và trên báo điện tử Thể thao & Văn hóa (chuyên mục: Đàn ông "chất") vào ngày 24/1/2018 và sẽ trao thưởng cho tác giả đoạt giải vào ngày 26/1/2018. Bài dự thi “Đàn ông Chất” gửi về về BTC qua địa chỉ E-mail: ngaydanong1911@gmail.com kèm theo thông tin cá nhân, hoặc gửi qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp tại Báo Thể thao & Văn hóa (11 Trần Hưng Đạo, Hà Nội). Tác giải các bài viết cũng có thể đăng bài của mình trên Facebook cá nhân, với hashtag #danongchat và #ngaydanong1911 và kêu gọi bạn bè, người thân cùng share và comment. Các hạng mục giải thưởng như sau: - 1 Giải Nhất: 30.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 4.000.000 đồng. - 2 Giải Nhì: mỗi giải 20.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 3.000.000 đồng. - 3 Giải Ba: mỗi giải 10.000.000 VNĐ + Voucher Giovanni trị giá 2.000.000 đồng. - 3 Giải Khuyến khích: mỗi giải: 5.000.000 đồng + Voucher Giovanni trị giá 1.000.000 đồng. |
Hoài Ngọc
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất