14/06/2013 07:42 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Việc cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ rằng lâu nay Mỹ đã mở nhiều cuộc tấn công mạng nhằm vào Trung Quốc đã gây ra những quan ngại ở Hong Kong (Trung Quốc), nhưng chính quyền Bắc Kinh vẫn phản ứng hết sức thận trọng với vụ việc.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post hôm 13/6, Edward Snowden nói rằng Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) Mỹ đã tiến hành đột nhập vào các máy tính đặt ở Hong Kong và Trung Quốc đại lục kể từ năm 2009.Hong Kong sợ "xương sống mạng" bị tấn công
Trong số các cơ sở bị tấn công có Đại học Trung Quốc ở Hong Kong, nơi chứa Trung tâm Truyền dẫn internet Hong Kong. Snowden không nói về trung tâm này trong bài phỏng vấn, nhưng việc anh nhắc tới trường Đại học Trung Quốc làm người ta lo ngại trung tâm đã bị NSA đưa vào tầm ngắm. Charles Mok, một thành viên của hội đồng lập pháp Hong Kong và là chuyên gia công nghệ thông tin tuyên bố: "Thực tế trung tâm truyền dẫn internet này xử lý phần lớn lưu lượng internet nội địa có thể là lý do nó bị chọn làm mục tiêu".
Vụ bê bối do Snowden phanh phui đang có xu hướng ngày càng mở rộng thêm |
Các cáo buộc của Snowden hiện vẫn tập trung chủ yếu vào mức độ nghe lén mà NSA thực hiện trên các công dân Mỹ. Tuy nhiên, bình luận mới của anh về Trung Quốc đại lục và Hong Kong, nơi anh đang ẩn náu, đã khiến người ta quan tâm hơn về vai trò của NSA trong hoạt động do thám các nước ngoài Mỹ.
Snowden nói với tờ South China Morning Post rằng NSA đã tiến hành hơn 60.000 điệp vụ đột nhập máy tính ở trên toàn cầu. "Chúng tôi đột nhập vào các xương sống của hệ thống mạng, như các router internet lớn. Việc này giúp chúng tôi có thể tiếp cận với hoạt động liên lạc của hàng trăm ngàn máy tính, thay vì đi đột nhập vào từng máy tính" - anh nói.
Trung tâm Truyền dẫn internet Hong Kong là một trong vài chục điểm truyền dẫn internet nằm quanh toàn cầu vừa có nhiệm vụ xử lý lưu lượng internet của các nhà cung cấp dịch vụ nội địa, vừa xử lý một số hoạt động truyền dẫn internet trong khu vực. Các trung tâm như thế khiến cho hoạt động truy cập internet trở nên nhanh hơn nhiều.
Trung tâm được thành lập vào giữa những năm 1990 và hiện vẫn do Trường Đại học Trung Quốc điều hành. Trường đã ra thông báo cho biết họ đang giám sát chặt hoạt động của trung tâm và chưa thấy bất kỳ hoạt động đột nhập nào diễn ra. Tuy nhiên, các phóng viên viếng thăm trung tâm này trong ngày 13/6 đã có thể đi thẳng vào khu vực hạn chế xâm nhập, tới phòng chứa máy tính trung tâm, nơi đặt rất nhiều máy chủ mà không bị ai hỏi han gì.
Cathy Huang, một nhà phân tích ở Công ty Frost & Sullivan ở Singapore nói rằng Hong Kong rất dễ bị nghe lén do nền kinh tế khuyến khích tự do ở nơi đây khiến đặc khu hành chính này tụt hậu so với các nước như Nhật Bản và Australia trong việc thiết lập và siết chặt các quy định về an ninh trên internet.
Nhiều người đã lên tiếng ca ngợi Snowden là anh hùng vì làm lộ ra chương trình giám sát Prism |
Nhưng trong khi Hong Kong phát tín hiệu lo lắng, Trung Quốc đại lục vẫn cố tránh khỏi việc bị dính líu vào vụ bê bối. "Chúng tôi đã xem một số báo cáo liên quan, nhưng tôi rất tiếc khi không thể cung cấp thông tin gì cho các bạn về chuyện này" - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying nói trong một buổi họp báo thường kỳ.
Tuyên bố của bà là phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc trước các câu hỏi liên quan tới vụ bê bối mà Snowden đã phanh phui.
Phát ngôn viên Hua cũng từ chối bình luận về khả năng Mỹ đề nghị dẫn độ Snowden hay việc Snowden tìm cách tị nạn ở Hong Kong, nơi đang ở trong chế độ tự trị nhưng sẽ phải tuân theo các lợi ích ngoại giao của Trung Quốc.
An ninh mạng hiện là vấn đề đang gây căng thẳng quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự tại cuộc họp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Barack Obama vào tuần trước.
Bà Hua không bình luận trực tiếp, chỉ nhắc lại quan điểm lâu nay của Trung Quốc rằng nước này là một trong những nạn nhân lớn nhất của nạn đột nhập máy tính. Bà cho biết Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, bà có nói thêm một câu đáng chú ý: "Trên vấn đề an ninh mạng, chúng tôi tin rằng sử dụng tiêu chuẩn kép sẽ không giúp mang lại một giải pháp phù hợp".
"Trung Quốc sẽ không thể hiện thái độ dứt khoát trong thời điểm hiện nay" - một nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc đề nghị giấu tên cho Reuters biết. Nguồn tin nói rằng lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc mới có một cuộc hội đàm thành công và đây là lý do chính để Bắc Kinh phản ứng kiềm chế. "Trung Quốc sẽ không dính líu vào bê bối ở giai đoạn này và sẽ chờ mọi chuyện tiến triển rồi mới phản ứng" - nguồn tin nói với Reuters - "Trung Quốc cũng sẽ không sử dụng từ ngữ gay gắt chống lại Mỹ trong thời điểm này, bởi người Mỹ và toàn thể thế giới đã lên tiếng chỉ trích chính quyền Mỹ rồi".
Chung quan điểm, Jia Qingguo, một chuyên gia về quan hệ Mỹ - Trung tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Đại học Bắc Kinh nói rằng Trung Quốc sẽ không muốn làm to chuyện quá sớm. "Tôi không nghĩ Bắc Kinh sẽ dùng vấn đề này để bôi xấu Mỹ hay phá hoại quan hệ song phương. Các nhà ngoại giao Trung Quốc có thể sẽ làm việc với các nhà ngoại giao Mỹ để xử lý chuyện này theo một phương thức thực dụng" - ông nói.
Tường Linh (Theo Reuters)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất