Dân cầu lông sống bằng cầu

22/10/2015 11:48 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Đó không chỉ là tâm sự của cựu VĐV đội tuyển quốc gia cầu lông, Bùi Bằng Đức mà đó còn là của cả nhà Bùi gia Astec. Tình yêu cầu lông của người bố, anh trai đã truyền cho Bùi Bằng Đức và từ đó, cuộc sống của cả nhà đã thay đổi theo quả cầu.

Từ lĩnh vực kinh doanh đất đai ở Đông Anh (Hà Nội), giờ đây, Bùi gia là cái tên không thể không kể đến trong làng cầu lông với thương hiệu dụng cụ thể thao Astec Indonesia – Bùi gia.

Lang thang đi tìm thầy

Gặp Bùi Bằng Đức ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ 7 tại Nam Định, người viết không ngờ rằng, một chàng doanh nhân đã có “thâm niên” kinh doanh dụng cụ thể thao 3 năm nay vẫn cầm vợt tốt và giành được tấm HCĐ đồng đội – chiếc huy chương cuối cùng của sự nghiệp. Và anh rất hài lòng với nỗ lực của mình.

Theo nghiệp đánh cầu lông tròn 12 năm, tay vợt Bùi Bằng Đức cùng đồng đội Đào Mạnh Thắng gần như không có đối thủ nội dung đồng đội nam. Nhiều lần vô địch quốc gia hay giải các cây vợt xuất sắc toàn quốc, cũng như các giải quốc tế từ năm 2009 đến nay, bộ đôi Bằng Đức - Mạnh Thắng từng xếp hạng 52 đôi nam thế giới vào năm 2012. Chiến tích ấn tượng nhất của hai tay vợt người Hà Nội ở giải quốc tế là Á quân giải Bangladesh mở rộng và hạng 3 giải Ấn Độ cùng trong năm 2012.


Bùi Bằng Đức chuyển hướng sang kinh doanh

Sau 14 năm tập luyện và thi đấu cầu lông chuyên nghiệp, Bùi Bằng Đức quyết tâm gắn bó với cầu lông theo cách riêng của mình.

Bùi Bằng Đức tâm sự: “Em yêu và thích chơi cầu lông từ nhỏ. Bố em cũng thế. Em còn nhớ lúc hai bố con đèo nhau bằng xe đạp đi từ Đông Anh đến Từ Sơn, Bắc Ninh để xin cho em học cầu lông ở Trung tâm đào tạo trẻ của trường Đại học TDTT Bắc Ninh bởi vì tưởng rằng chỉ có ở đây mới đào tạo chuyên sâu cho độ tuổi năng khiếu.

Hai bố con em dù thích chơi cầu lông lắm, nhưng lại chẳng biết ở đâu dạy và tuyển sinh cả. Lúc đó nhà còn nghèo lắm, thế mà bố em chẳng ngại vất vả, cứ đạp xe đưa em đi học đánh cầu, tìm những HLV giỏi nhất để dạy em. Em nghĩ, có khi bố em yêu cầu lông còn hơn em yêu. Thậm chí, cả gia đình em còn chuyển hướng kinh doanh hoàn toàn sang cầu lông. Điều đó một phần do cơ hội tới, một phần là do tình yêu với cầu lông quá sâu đậm”

Bén duyên với kinh doanh

Dù là VĐV chuyên nghiệp, nhưng vốn xuất thân từ gia đình có truyền thống kinh doanh, Bùi Bằng Đức có thiên hướng thích đầu tư, kinh doanh và sản xuất hơn là xu hướng chung - trở thành một HLV sau khi dừng bước thi đấu.

Cơ duyên của anh đến khi năm 2010, thương hiệu Astec của Indonesia đã chọn Bằng Đức làm Đại sứ thương hiệu ở Việt Nam. Sau đó, năm 2012, Bùi Bằng Đức và gia đình quyết tâm phát triển thương hiệu này ở Việt Nam với việc thành lập Công ty cổ phần Miền đất Thể thao Bùi Gia. Bố của Bằng Đức, anh Bùi Văn Kim là Chủ tịch HĐQT chuyên cung cấp trang thiết bị, dụng cụ thể dục thể thao, chủ yếu dành cho bộ môn cầu lông như vợt, cọc lưới, quần áo, giày, tất….  

Bùi Bằng Đức cho biết, Bùi Gia mới phát triển được hơn ba năm nhưng chúng tôi đã có những thành công nhất định. Hiện nay, công ty có hơn 30 cán bộ, nhân viên, trụ sở chính tại 110 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội và cung cấp các sản phẩm của Astec Indonesia, phân phối độc quyền trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh trụ sở showroom chính, công ty còn phân phối các sản phẩm cầu lông mang thương hiệu Astec Indonesia tới rất nhiều các tỉnh thành khác trong cả nước, từ đại lý độc quyền địa phương tới các đại lý thông thường.

Astec tài trợ cho giải cầu lông học sinh, sinh viên

 Bằng Đức cũng cho biết lý do anh chọn Astec chứ không phải là thương hiệu nào khác: “Là một VĐV chuyên nghiệp. Em cũng đã được đi tập huấn và thi đấu ở nhiều nơi, trong đó Indonesia và Malaysia là hai quốc gia đội tuyển hay đến để thi đấu và tập huấn dài hạn nhất. Đơn giản vì đây là hai quốc gia có phong trào và đứng ở vị trí cao nhất trên bản đồ cầu lông thế giới chỉ sau mỗi Trung Quốc.

Astec là hãng cầu lông chuyên nghiệp đến từ Indonesia do 2 vợ chồng vận động viên Alan Budikusuma và Susy Susanti sáng lập. Đây là 2 tay vợt rất tài năng của Indonesia, trong Olympic 1992 tại Barcelona thì Alan đã dành HCV nội dung đơn nam còn Susanti dành HCV nội dung đơn nữ. Dùng dụng cụ của hãng Astec, em rất hài lòng, vợt của hãng rất tốt, nhiều chủng loại, giá cả rất hợp với người chơi thể thao Việt Nam. Không chỉ có người chơi phong trào mà cả dân cầu lông chuyên nghiệp cũng rất ưng ý. Vậy nên là cả gia đình em quyết tâm đưa thương hiệu này vào Việt Nam.”

Không chỉ thử sức mình với việc kinh doanh thiết bị chơi cầu lông, Bùi Bằng Đức còn cùng bạn bè mở nhà hàng. Việc mở rộng kinh doanh sang ngành hàng khác cũng là một bài học quý gia cho doanh nhân trẻ này.

Đức cho biết, anh cũng đã thất bại. Kinh doanh nhà hàng là một lĩnh vực rất mới mẻ và hấp dẫn, nhưng nếu tình yêu và thời gian để dành cho nó không đủ lớn thì không thể làm nổi. Trở về với cầu lông và kinh doanh phát triển thương hiệu cầu lông thôi.

Đau đáu với việc sản xuất quả cầu

Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều những tay vợt sau khi giải nghệ thường mở cửa hàng cầu lông để kinh doanh như Thái Thị Hồng Gấm của TPHCM, Nguyễn Thị Bình Thơ của Thái Bình…., một số tay vợt khác thì làm thương hiệu cho các hãng cầu lông khác, ví dụ như anh Lê Thắng của Kumpoo hay cô Dương Thị Liên của Flexpro.

Nhưng chỉ có Bùi Bằng Đức là quyết tâm làm một mảng khó, mà toàn dân “ngoại đạo” cầu lông nắm trọn, đó là sản xuất quả cầu theo công nghệ của hãng Astec. Ở Việt Nam có các hãng Thành Công, Ba Sao, Hải Yến nổi tiếng với việc sản xuất quả cầu lông. Nhưng Bằng Đức không hài lòng với quả cầu của họ. Anh cho biết, quả cầu Astec đánh rất tuyệt.

Nhẹ, xoáy, ban đầu cũng định nhập thẳng về Việt Nam và bán nhưng thuế, phí nhập khẩu lại quá cao dù ở Indonesia, giá quả cầu  rất rẻ. Vậy là anh quyết tâm xây dựng nhà xưởng để sản xuất quả cầu Astec tại Việt Nam, công nghệ và chuyên gia, thẩm định chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật hoàn toàn của Astec.

Quả cầu Astec của Việt Nam đã ra đời chỉ sau có 1 năm Bùi Bằng Đức “điên cuồng” thử nghiệm. Anh chàng cho biết: “Nhớ lại giai đoạn đầu, em vô cùng stress với việc sản xuất cầu. Có sản xuất mới biết một quả cầu nhẹ nhàng, đơn giản vậy mà biết bao công đoạn. Chỉ một yếu tố không ổn là coi như thất bại. Chất lượng lông, keo, đế cầu, kinh nghiệm của thợ quyết định toàn bộ, chỉ một sơ sảy nhỏ là cả ngàn quả cầu đi “tong”.

Áp lực kinh khủng. Thế nhưng hiện giờ, em rất hài lòng. Quả cầu Astec rất tuyệt vời, lông cầu được chuốt hoàn toàn bằng tay, độ xoáy, độ bền, tuyệt vời. Đương nhiên, đáp ứng hoàn toàn tiêu chuẩn của Liên đoàn cầu lông thế giới (IBF). Là một VĐV chuyên nghiệp, em vô cùng hài lòng với quả cầu do chính em làm ra.”

Chuyện kinh doanh của Đức lần nữa chứng minh, VĐV thể thao hoàn toàn sống được với nghề, chỉ là sống thế nào mà thôi.

Như Hoa
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm