Đặc sản hơn 10 triệu đồng/con xuất hiện ở VN: Thịt vừa ngon vừa nhiều, nhà giàu đổ xô đặt trước vì sợ "cháy hàng"

03/04/2023 16:33 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Cua dừa là loài đặc sản độc đáo có giá cao do số lượng ít và hương vị hiếm có.

Món ăn đắt đỏ

Theo Tiền Phong, ngày 11/3 vừa qua, một nhà hàng trên đường Ngô Đức Kế (quận 1, TP.HCM) đã xuất hiện những con cua "kì lạ" được nhốt riêng trong lồng. Đây là giống cua có lớp vỏ màu đen, nâu sậm pha lẫn màu xanh, tím, vàng; hai càng to phía trước và nhiều chân nhỏ phía sau. Đáng lưu ý, cua sống trên cạn chứ không phải ngâm trong các bể nước như những loài cua khác.

Được biết, đây là giống cua dừa nhập khẩu từ nước ngoài về để làm món ăn cho các thực khách có nhu cầu đặc biệt. Mỗi con cua dừa có giá bán khá cao, từ 6-7 triệu đồng/kg với những con có trọng lượng từ 1,5-2kg. Dù có mức giá hơn 10 triệu đồng mỗi con, nhưng nhiều khách hàng vẫn đặt trước để không bỏ lỡ cơ hội nếm thử mùi vị của cua dừa.

Cua dừa là một loài cua lớn sinh tồn ở các đảo thuộc Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, là loài động vật ấn tượng vì có thể nặng tới 4kg. Chúng có họ hàng với các loài cua ẩn sĩ (hay còn gọi là ốc mượn hồn). Cua dừa non sử dụng vỏ rỗng để tự vệ giống như các loài cua ẩn sĩ khác, nhưng những con trưởng thành phát triển lớp vỏ ngoài cứng cáp ở bụng và ngừng mang vỏ.

Đặc sản hơn 10 triệu đồng/con xuất hiện ở VN: Thịt vừa ngon vừa nhiều, nhà giàu đổ xô đặt trước vì sợ cháy hàng - Ảnh 1.

Cua dừa thở qua các cơ quan giống như phổi thay vì dùng mang. Sau giai đoạn còn nhỏ, chúng sẽ chết đuối nếu bị ngâm trong nước quá lâu. Loài này cũng có khứu giác nhạy bén để tìm các nguồn thức ăn tiềm năng.

Cua dừa trưởng thành ăn chủ yếu trái cây, quả hạch, hạt và cùi của một số loại quả, nhưng chúng cũng ăn xác thối và các chất hữu cơ khác khi có cơ hội. Mặc dù có tên là "cua dừa" nhưng dừa không phải là một phần quan trọng trong chế độ ăn uống của chúng. Cua dừa có khả năng leo trèo tốt để tránh các loài chim biển lớn ăn thịt hoặc con người, hoặc tránh bị đồng loại ăn thịt.

Các khớp chân khỏe và cặp càng rắn chắc giúp cho chúng có thể leo lên tận các ngọn cây. Chưa kể, cua dừa còn có thể săn bắt và ăn thịt một số loài động vật nhỏ như chuột hoặc chim.

 

Đặc sản hơn 10 triệu đồng/con xuất hiện ở VN: Thịt vừa ngon vừa nhiều, nhà giàu đổ xô đặt trước vì sợ cháy hàng - Ảnh 2.

Cũng như nhiều loại cua khác, cua dừa không chỉ ăn được mà còn được coi là đặc sản ở các đảo quốc. Chúng có vị giống như các loài động vật có vỏ khác, chẳng hạn như cua và tôm hùm. Tuy nhiên, cua dừa bị săn bắt quá đà ở nhiều nơi và hiện số lượng cá thể đã giảm mạnh so với trước.

Với kích thước lớn, cua dừa có thể được chế biến cho nhiều người ăn cùng lúc. Trong khi nhiều loài cua khác chỉ ngon ở phần chân, thì cua dừa lại có rất nhiều thịt ở tất cả các bộ phận. Trứng cua dừa được tìm thấy bên trong các con cái được coi là phần ngon nhất ở loài này.

Cua dừa có vị như thế nào?

Nếu đã từng ăn thử chân cua tuyết hay tôm hùm, thì bạn sẽ tưởng tượng được hương vị của cua dừa. Chúng có hương vị giống các loài động vật có vỏ khác nhưng có nhiều thịt hơn. Một số người mô tả chúng có vị mềm xốp, giống như bơ đậu phộng.

Cua dừa không độc, nhưng cũng như các loại động vật có vỏ khác, chúng nên được nấu chín kỹ trước khi ăn. Theo một số nguồn tin, cua dừa có thể có độc tố trong thịt sau khi chúng ăn một số loại thực vật, nhưng việc nấu chín sẽ loại bỏ hầu hết những chất đó.

Đặc sản hơn 10 triệu đồng/con xuất hiện ở VN: Thịt vừa ngon vừa nhiều, nhà giàu đổ xô đặt trước vì sợ cháy hàng - Ảnh 3.

Cua dừa có thể chế biến thành món ngon cho nhiều người ăn.

Cách phổ biến nhất để chế biến cua dừa là luộc. Nhiều người cũng thích hấp chúng hơn vì những phương pháp này làm chín thịt mà không làm teo thịt. Có nhiều cách khác để nấu món này, chẳng hạn như nướng, làm phô mai bỏ lò hoặc sốt tiêu kiểu Singapore, cháy tỏi, nấu cháo.

Những đầu bếp lành nghề có thể sẽ kết hợp cua dừa cùng các món hải sản khác để tạo thành bữa tiệc ẩm thực độc đáo, ví dụ như cá biển, ốc, tôm...

Tại Việt Nam, cua dừa mới chỉ có hàng nhập khẩu, chủ yếu là Nhật Bản hoặc Australia. Miền Tây nước ta cũng có giống cua tên là cua dừa nhưng là loài khác, hình dáng và kích cỡ không lớn như loài nêu trên.

Tất Đạt

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm