Đã tìm thấy Kim tự tháp Trắng huyền bí? (Bài 1): Câu chuyện tưởng như là hoang đường

05/05/2009 15:49 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Cuộc tìm kiếm Kim tự tháp Trắng ở Trung Quốc, một trong những điều huyền bí nhất đối với giới khảo cổ suốt hơn nửa kỷ qua, cho tới gần đây vẫn không thu được kết quả, mặc dù theo ghi chép nó cao gấp đôi Kim tự tháp Giza của Ai Cập (!). Vì thế thật đáng chú ý khi nhà kim tự tháp học người Nga Maxim Yakovenko vừa công bố một bài viết khẳng định ông đã phát hiện ra, nói đúng hơn là nhận dạng được “công trình kiến trúc” kỳ bí này.

Câu chuyện về Kim tự tháp Trắng ở gần thành phố Tây An (Trung Quốc) bắt đầu rộ lên hồi giữa những năm 1940, khởi nguồn từ một phi công Mỹ có tên là James Gaussman: Trong một phi vụ do thám hồi năm 1945 xuất phát từ căn cứ Assam (Ấn Độ) bay tới không phận Tần Lăng Sơn (Tây Bắc Tây An), viên phi công này sửng sốt khi thấy một kim tự tháp khổng lồ mầu trắng bỗng xuất hiện sừng sững ở phía xa. Theo mô tả của Gaussman, nó có chiều cao 300m (so sánh: Kim tự tháp Giza lớn nhất thế giới chỉ cao 138,8 mét) và có các cạnh đáy 400-450m. Ông liền hạ thấp độ cao, chụp ảnh kim tự tháp này và sau đó viết báo cáo kèm hình ảnh gửi cho chính phủ Mỹ.
 
Bức ảnh “Kim tự tháp Trắng” của Gaussman và Sheahan
 
Bị ám ảnh bởi khám phá của Gaussman, năm 1947, một phi công Mỹ khác là đại tá Maurice Sheahan đã bay tới khu vực nói trên. Trong một bài viết đăng trên tờ The New York Times ngày 28/3/1947, Sheahan cũng cho biết ông có thấy một kim tự tháp trắng khổng lồ, nhưng lại cho rằng công trình này cách Tây An 40 dặm về phía Tây Nam. Bức ảnh đầu tiên về Kim tự tháp Trắng đã được đăng trên tờ New York Sunday News ngày 30/3/1947. Sau này nó còn được đăng ở nhiều tài liệu khác, với tên tác giả được ghi khi là Gaussman, khi lại là Sheahan.

Năm 1961, trong một bức thư, Sheahan đã sửa lại độ cao Kim tự tháp Trắng từ 1000 foot (trên 300m) xuống còn 500 foot với lý do ông đã tính nhầm khi đổi từ “lý”, đơn vị đo chiều dài của Trung Quốc, sang “foot” thông qua “mét”. Dù với 500 foot, công trình mà ông nhìn thấy cũng lớn hơn Kim tự tháp Giza.

Kể từ đó, rất nhiều tác giả thuộc giới khảo cổ cũng như cận khoa học (parascience) đã lao vào những cuộc tranh cãi và đưa ra không ít những giả thuyết về sự tồn tại của Kim tự tháp Trắng. Một số người cho rằng Gaussman và Sheahan đã “nhìn gà hóa quốc” khi quan sát thấy một số công trình nào đó như Kim tự tháp Tây An hay Mậu Lăng và đã ước lượng thiếu chính xác độ lớn của chúng. Theo họ, việc có một kim tự tháp cao gấp đôi Kim tự tháp Giza chỉ là chuyện hoang đường.
 
Một kiến trúc lạ hình kim tự tháp ở Tây An do Hausdorf chụp

Tuy nhiên, khi lật lại lịch sử, người ta mới phát hiện ra rằng trước Gaussman và Sheahan đã từng có một người nói đến Kim tự tháp Trắng. Đó là Alfred Schroeder. Ngay vào năm 1912, nhà nhà kim tự tháp học người Đức này đã mô tả khá chi tiết công trình nói trên và cũng ước lượng chiều cao của nó là 300 mét.

Đấy chính là lý do khiến không ít người vẫn cất công đi tìm kiếm Kim tự tháp Trắng. Chỉ có điều vùng Tây An trước đây là một khu vực quân sự nên du khách nước ngoài bị cấm tới vùng này. Do không quân Trung Quốc liên tục tuần tra không phận Tây An nên việc tìm kiếm Kim tự tháp Trắng bằng máy bay cũng trở thành một sứ mạng bất khả thi.

Cuốn Kim tự tháp Trắng: Những dấu vết của người ngoài hành tinh ở Đông Á của Hartwig Hausdorf

Bất chấp điều đó, hồi đầu thập kỷ 1990, nhà cận khoa học Đức Hartwig Hausdorf đã đến được vùng này. Ông không sao tìm thấy được Kim tự tháp Trắng như Gaussman và Sheahan đã mô tả, tuy nhiên đã phát hiện ra một loạt kiến trúc lạ và đồ sộ có dạng kim tự tháp ở trong vùng.
 
Năm 1994, cuốn sách của Hausdorft có tên Die weisse Pyramide – Ausserirdische Spuren in Ostasien (“Kim tự tháp trắng: Những dấu vết của người ngoài hành tinh ở Đông Á”) với lời tựa Erich von Daeniken, trong có đăng nhiều bức ảnh chụp những kiến trúc lạ nói trên đã gây xôn xao dư luận, khiến người ta càng tò mò về Kim tự tháp Trắng huyền bí. Đối với các nhà khoa học, cuốn sách này chỉ là một câu chuyện hoang đường, bởi tác giả của nó đưa ra giả thuyết có một sự liên hệ nào đó giữa người ngoài hành tinh và các kim tự tháp ở Tây An.

Chính phủ Trung Quốc đã xác nhận ở trong vùng Tây An có rất nhiều lăng mộ của các vị hoàng đế thời Tây Hán mang hình dáng kim tự tháp và những năm gần đây các công trình này đã được mở cho du khách đến thăm. Hầu hết các kim tự tháp nói trên nằm trong khu vực có bán kính 100 km có tâm điểm là thành phố Tây An, nằm trên bình nguyên Tần Xuyên ở tỉnh Thiểm Tây. Một trong những cấu trúc lớn nhất có hình kim tự tháp chính là lăng Tần Thủy Hoàng với đội quân đất nung. Tuy nhiên công trình này hiện chỉ còn cao 76 mét và có cạnh đáy 350m.
 
Ở vùng Tây An còn có nhiều lăng mộ của các vua chúa thời xưa mang hình kim tự tháp
 
Vậy Kim tự tháp Trắng có tồn tại? Sau một thời gian dày công nghiên cứu, nhà kim tự tháp học người Nga Maxim Yakovenko cho rằng công trình huyền bí này là có thực và ông đưa ra kết luận đó trong một bài viết mới được công bố tuần trước.
 
Bài 2: “Kim tự tháp Trắng chính là Lương Sơn”
Minh Bích

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm