(TT&VH) - Cách đây đúng 30 năm (25/7/1978), chị Louise Brown, đã cất tiếng khóc chào đời và trở thành người đầu tiên trên thế giới được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thành công chấn động của cha mẹ Brown khi đó đã mở cánh cửa cho hàng triệu cặp vợ chồng hiếm muộn trên thế giới tìm thấy niềm vui được làm cha, làm mẹ. Nhân sự kiện này, báo chí có dịp nói tới những “chuyện chưa kể” về hai người “cha kỹ thuật” của Louise Brown.
Trước Louise là... thỏ
Ít người biết được rằng hoạt động thụ tinh trong ống nghiệm đã bắt đầu manh nha từ thế kỷ 19. Năm 1891, Walter Heape, một giáo sư vật lý ở Đại học Cambridge (Anh), đã đặt những bước chân đầu tiên vào lĩnh vực sinh sản qua ống nghiệm. Ông lấy nhiều mẫu phôi từ cơ thể của các con thỏ Angora và cấy chúng vào tử cung những con thỏ cái gốc Bỉ mới được giao phối. Kết quả là những con thỏ thí nghiệm đã đẻ ra 4 con thỏ con gốc Bỉ và hai con thỏ Angora. Dựa vào đó, Heape kết luận rằng hoàn toàn có thể mang phôi từ cơ thể này sang cơ thể khác mà không làm ảnh hưởng tới quá trình phát triển của phôi.
Người phụ nữ đầu tiên ra đời bằng phương pháp
sinh sản ống nghiệm cùng con trai chị
Nghiên cứu của Heape đã khích lệ nhiều nhà khoa học khác vào cuộc. Năm 1939, Gregory Pincus kết luận rằng trứng người vẫn có thể trưởng thành trong phòng thí nghiệm chỉ sau 12 giờ. Năm 1958, giáo sư Robert Edwards bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thụ tinh trong ống nghiệm. Ông nhận thấy rằng trong phòng thí nghiệm, trứng người không trưởng thành sau 12 giờ như Pincus tuyên bố. Suốt 2 năm sau đó, Edwards loay hoay với lý thuyết của Pincus mà không thành công. Cuối cùng ông phát hiện ra rằng trứng người chỉ trưởng thành sau ít nhất 24 giờ. Qua cửa ải khó khăn này, Edwards đã có thể giúp trứng trưởng thành thụ tinh trong ống nghiệm
Năm 1968, Edwards gọi điện cho bác sĩ Patrick Steptoe đề nghị hợp tác sau khi biết ông có một công trình ấn tượng liên quan tới kỹ thuật nội soi ổ bụng. Theo đó, bác sĩ Steptoe sẽ chọc hút trứng bằng kỹ thuật nội soi còn giáo sư Edwards phụ trách việc thụ tinh cho trứng.
Bất chấp áp lực và sự công kích nặng nề của giới báo chí, dư luận, tôn giáo cùng không ít nhà khoa học nổi tiếng thời đó, cả hai đã thực hiện tới 102 lần thụ tinh cho trứng và cấy vào cơ thể người, nhưng đều thất bại. Có hai lần người được cấy trứng mang thai, nhưng sau đó một trường hợp phải bỏ vì thai nằm ngoài tử cung và trường hợp thứ hai bị sảy thai.
Ăn mừng với chè và bánh mì
Giáo sư tài năng Edwards, một trong hai người “cha kỹ thuật” giúp Louise được sinh ra trên đời |
Năm 1977, Ewards và Steptoe gặp cha mẹ của Louise Brown, ông bà Lesley và John Brown. Cả hai vợ chồng đã mong mỏi sinh con trong 9 năm nhưng không thể bởi ống dẫn trứng của bà Lesley bị tắc. Tưởng như đã hết hy vọng nên khi hay tin Đại học Cambridge đang tiến hành một cuộc nghiên cứu về thụ tinh trong ống nghiệm, họ đã vội đăng ký.
Ngày 10/11/1977 hoạt động chọc hút trứng bà Lesley được tiến hành. Tiếp đó là thụ tinh trong ống nghiệm, cấy trứng vào tử cung và căng thẳng chờ đợi. Giáo sư Edwards kể lại rằng khi mang thai, mẹ của Louise đã phải chạy trốn báo chí vì bị săn lùng quá dữ. Chính Patrick Steptoe đã đưa bà Brown về trốn ở nhà mẹ ông cho tới gần ngày sinh. Khi bà Brown được đưa tới bệnh viện Oldham, cánh báo chí đã tìm đủ mọi cách để chụp ảnh bà như dọa có bom trong bệnh viện, đóng giả làm người lau dọn... tuy nhiên đều không thành công.
Ngày 25/7, Louise Brown chính thức ra đời bằng phương pháp đẻ mổ, nặng 2,61kg. Bác sĩ John Webster, thành viên trong nhóm nghiên cứu và là một trong những người đầu tiên nhìn thấy mặt Louise cho biết cả nhóm như trút được hòn đá đè nặng lên tim khi nghe tiếng khóc khỏe mạnh của Louise. Nếu Louise sinh ra không hoàn hảo, nỗ lực của cả nhóm nghiên cứu sẽ đổ vỡ hết bởi những tư tưởng chống lại việc thụ tinh qua ống nghiệm vẫn còn quá lớn khi đó.
Khi mọi chuyện thành công tốt đẹp, bác sĩ Steptoe về nhà ngủ lấy lại sức còn Edwards đã tới nhà bác sĩ Webster ăn mừng bằng những tách trà nhắm với bánh mì kẹp pho mát.
Hạnh phúc cho các gia đình hiếm muộn
Sau khi Louise ra đời, tháng 6/1980, đứa trẻ ống nghiệm đầu tiên của Australia cũng được sinh ra. Năm 1981, tới lượt đứa trẻ ống nghiệm đầu tiên của Mỹ xuất hiện. Kể từ đó tới nay, đã có hơn 3 triệu đứa trẻ ra đời bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm. Thành công của Edwards và Steptoe vì thế đã được đánh giá là một trong những tiến bộ y học lớn nhất trong thế kỷ 20, mở ra cánh cửa hy vọng cho hàng triệu gia đình hiếm muộn.
Sau 30 năm, giờ đây Louise đã trở thành một bà mẹ. Chị kết hôn và sinh con trai Cameron vào năm 2006 bằng phương pháp tự nhiên. Khi bác sĩ Steptoe qua đời hồi năm 1988, Brown vẫn giữ mối quan hệ rất thân thiết với Robert Edwards. Đầu tháng này, chính ông đã cùng chị cắt bánh mừng 30 năm ngày phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm lần đầu tiên đạt được thành công.
Gia Bảo