Đức hạnh đàn bà

22/05/2014 17:07 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Đã giành đến 4 chiếc HCV SEA Games, thêm 2 chức vô địch Đông Nam Á, kể từ ngày hội nhập trở lại (SEA Games 1997), nhưng những cô gái vàng Việt Nam vẫn chưa muốn dừng lại. Họ, những người phụ nữ Việt Nam can trường sẵn sàng gác thiên chức của mình sang một bên, để bơi ra đấu trường châu lục và thế giới.

Điều ấy khác hoàn toàn với những biểu hiện “no xôi chán chè” của các đồng nghiệp nam, khi cuộc sống trở nên sung túc một cách giả tạo. Kể từ lần đầu tiên và duy nhất cho đến lúc này, chúng ta lên ngôi ở một VCK giải đấu cấp khu vực, AFF Suzuki Cup 2008, bóng đá nam Việt Nam xuống cấp một cách có hệ thống và chưa có biểu hiện sẽ dừng lại.

Bẽ mặt mày râu

Không có nhiều nhân vật chóp bu là phụ nữ trong bộ máy điều hành nền bóng đá và thực tế là, với suy nghĩ chung của đại bộ phận, bóng đá dường như là chuyện riêng của những người đàn ông. Thậm chí, trong một phút thiếu kiềm chế và có phần tự phụ, dù chỉ để bào chữa cho lối chơi nhuốm màu bạo lực của học trò, HLV Nguyễn Hữu Thắng của Sông Lam Nghệ An còn cho rằng, bóng đá là môn thể thao chỉ dành cho những người đàn ông dũng cảm.

Có thể ông Thắng không có ý trọng nam khinh nữ, nhưng lập luận như thế quả rất sai lầm. So với những gì bóng đá nữ Việt Nam gặt hái được ở đấu trường khu vực và châu lục, cánh mày râu hẳn phải bẽ mặt. Đó là chưa kể đến những vị nam giới bẽ mặt thực sự qua những vụ lùm xùm liên quan đến tiền thưởng sau các chiến công của đội tuyển nữ.

Tất nhiên, các cô gái vàng Việt Nam đã và chưa bao giờ cô đơn, ít nhất là với một bộ phận người hâm mộ, cũng như các cổ động viên chân chính. Những ngày qua, khi thầy trò HLV Trần Vân Phát trong vai quân tiên phong tiến ra đấu trường châu lục, Cúp bóng đá nữ châu Á 2014 và đặt tham vọng dự VCK World Cup 2015, họ đã luôn nhận được sự kề vai sát cánh của cổ động viên. Nhìn cảnh tượng đó, không biết cánh đàn ông có chút chạnh lòng nào không nhỉ?!

Tất cả đều kỳ vọng rằng, sự kề vai sát cánh ấy không chỉ là hiện tượng mà là bản chất của tình yêu. Phụ nữ sinh ra là để được yêu, được cổ vũ và được chia sẻ. Chỉ có điều, cho đến trước khi bóng đá nữ Việt Nam đứng trước cơ hội lịch sử, đã chỉ có rất ít quan chức bóng đá màng tới các cô gái, đặc biệt là sau thất bại ở chung kết SEA games 27 trên đất Myanmar. Họ bận chăm bẵm các giải đấu chuyên nghiệp có nguy cơ chết yểu, tìm thầy cho đội tuyển nam và… ăn theo U19 QG.

Lẽ đương nhiên, đức hạnh đàn bà không để phái yếu kêu ca, dù họ hoàn toàn có quyền lên tiếng, nếu so sánh. Từ lương bổng, điều kiện tập luyện và nói như một bậc phụ huynh nọ có con gái theo đuổi bóng đá, là nỗi lo không hề mơ hồ khi con gái ông sẽ lận đận trong chuyện tình duyên vì đá bóng thì xấu xí lắm. Vv và vv. Bài báo không được viết ra để bóc mẽ bóng đá nam, nhưng nếu còn chút tự trọng, - Hãy đứng cạnh để cổ vũ các cô gái.

Thiên đường xa mà gần

Cần chắc rằng, cơ hội dự VCK World Cup bóng đá nữ ở Cannada vào năm sau, không tự nhiên đến. Nó phải bắt đầu từ những viên gạch đầu tiên của lứa cầu thủ với Ngọc Mai, Kim Hồng, Mai Lan…, 3 lần liên tiếp giữ ngôi nữ hoàng SEA Games, đến thế hệ của Kim Chi, Trần Kim Hồng, Ngọc Châm, Đào Miện, Ngọc Anh, Tuyết Mai…, từng giành lại ngôi vị số 1 khu vực từ tay Thái Lan, thông qua SEA Games 2009 và gần đây nhất là AFF Cup 2012…

Tính kế thừa được tạo dựng gần như hoàn hảo, dù bóng đá nữ Việt Nam vốn chỉ có một giải vô địch quốc gia bán chuyên khá đì đẹt, cùng hệ thống đào tạo trẻ thiếu chăm bẵm. Đội tuyển nữ Việt Nam vào lúc này thậm chí còn được đánh giá cao hơn thời điểm chúng ta làm bá chủ Đông Nam Á, nhờ sức trẻ, sự táo bạo và cả những tính toán khoa học cho lộ trình bước tới. HLV Trần Vân Phát chính là tổng công trình sư cho đầu ra (đội tuyển quốc gia) của nền bóng đá.

Song, đằng sau những nỗ lực tự thân được ghi nhận ấy, chúng ta vẫn cần kể đến vận may. Đầu tiên là sự cố mang tên Cộng hòa DCND Triều Tiên bị tước quyền tham dự các giải đấu quốc tế vì doping, kế đến là Cúp bóng đá nữ châu Á 2014 được kéo về sân nhà và ít nhất, chúng ta không rơi vào bảng quá khó như giải đấu cách đây 4 năm được tổ chức ở Trung Quốc (nơi đội tuyển nữ Việt Nam đụng phải chủ nhà Trung Quốc, nhà vô địch giải năm đó Australia và Hàn Quốc).

Kể từ khi các VCK giải bóng đá nữ vô địch châu Á được coi là vòng loại giải thế giới, cơ hội lớn hơn mở ra với các nền bóng đá vùng trũng Đông Nam Á. Nếu như giải đấu năm 2010 (chọn 3 đội, vô địch, á quân và hạng 3, tranh tài ở giải thế giới năm 2011, giải đấu mà tuyển nữ Nhật Bản đã xuất sắc đăng quang), Việt Nam chưa đủ tầm, thì tất cả đều đã được chứng kiến một câu chuyện hoàn toàn khác, trên sân vận động Thống Nhất, TP.HCM trong những ngày qua.

Bầu không khí lễ hội thực sự trên các khán đài và các câu chuyện về bóng đá nữ Việt Nam có cơ hội tranh tài ở giải thế giới được bàn tới nhiều hơn, nhiều chỗ, xen lẫn cả vào niềm tự hào dân tộc đang dâng cao. Giới truyền thông cũng được dịp xen vào, chỉ có điều, vẫn còn có những người có trách nhiệm dường như im hơi lặng tiếng. Người xưa có câu: “Gái có công, chồng chẳng phụ”, nhưng làm ơn, đừng đem tiền ra để so đọ với chị em.

Chúng ta vốn chỉ quen với các chiến công mà chị em đem lại, chứ ít khi nào chủ động chia sẻ, chủ động tìm đến họ, qua những thất bại. Từ SEA Games 24 (năm 2007), khi lần đầu tiên bóng đá nữ Việt Nam bị vuột mất chiếc HCV sau 3 kỳ SEA Games liên tiếp đăng quang, đến giải đấu mới đây nhất trên đất Myanmar. Thật không công bằng với phái yếu, nhưng thầy trò HLV Trần Văn Phát vẫn là những người mạnh mẽ và chưa bao giờ sân si. Họ đã luôn biết cách đứng lên sau những thất bại, thì sẽ chẳng hả hê thái quá với một (hay vài) chiến tích giành được.

Tuỳ Phong
Thể thao & Văn hoá cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm