17/02/2011 10:25 GMT+7
(TT&VH) - Tại Hội thảo khoa học quốc tế bàn cách cứu “cụ” rùa hồ Gươm, GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam khẳng định: “Về bản chất sinh học, “cụ” rùa chỉ là động vật tồn tại trong tự nhiên. Nhưng trong tâm thức người Việt Nam, “cụ” đã trở thành hình tượng gắn với tâm linh. Hình tượng rùa thần ngậm gươm báu do vua Lê “trả gươm khi đã lấy lại nước” cũng đẹp như hình tượng Thánh Gióng, Sơn tinh -Thủy tinh, có điều khác là hình tượng ấy hiện thân bằng một sinh thể sống, có sinh lão bệnh tử. Đã chạm tới tâm linh thì phải thận trọng, đặt giả sử trường hợp xấu xảy ra, “cụ” rùa chết thì ai chịu trách nhiệm?”.
Câu nói của vị GS đã chạm tới một vấn đề nhạy cảm, nhưng cần thiết phải nói rõ. Việc phải cứu “cụ” bằng mọi giá thì không cần phải bàn cãi nữa, dư luận đang mong mỏi các biện pháp cấp bách cần làm ngay để cứu “cụ”. Nhưng rõ ràng, những người trong cuộc cũng phải chịu những “sức ép” không nhỏ. Khi đưa “cụ” lên, giả sử “cụ” có mệnh hệ nào, dư luận sẽ nghĩ gì? Do quy luật sinh lão bệnh tử của cụ, do những vết thương hay do tác động của quá trình cứu chữa, hay do sự thay đổi môi trường đột ngột? (Trong khi đưa “cụ” rùa “tuổi cao sức yếu” và nặng hàng tạ lên một cách nhẹ nhàng là vấn đề không đơn giản). Vì vậy, ngoài cơ sở khoa học vững chắc, những người cứu “cụ” cần phải có sự dũng cảm cần thiết.
Ai cũng biết “cụ” rùa là linh hồn sống của hồ Gươm. Vì thế mà người ta “loay hoay” đưa ra mọi ý tưởng, mọi phác đồ điều trị cho “cụ”, nhưng lại “tắc” ngay từ khâu đầu tiên là “Có nên đưa “cụ” lên bờ hay không? Đưa bằng cách nào?”.Hiện nay, UBND TP.Hà Nội đã giao việc chăm sóc, bảo vệ “cụ” rùa cho Sở Khoa học-Công nghệ. Thiển nghĩ, việc chữa trị cho “cụ” nên được công khai tuyệt đối ở tất cả các khâu, qua đó có được sự đồng tình ủng hộ và cái nhìn khách quan của người dân. Người làm cũng vững tâm hơn, tránh nỗi lo “mất “cụ” rùa thì mất ghế”.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất