07/03/2015 06:09 GMT+7 | Thế giới Sao
(Thethaovanhoa.vn) - "Chúng ta sẽ cùng chơi tấn công trong trận đấu của Phúc âm". Thông điệp của Giáo hoàng Francis I cho Clericus Cup (Cúp giáo sĩ) lần thứ 9 là như thế.
Và thông điệp ấy được in lên áo đấu của các cầu thủ-thày tu trong giải đấu sẽ được khởi tranh vào thứ Bảy, ngày 7/3 này, trên một sân bóng hướng ra nhà thờ Thánh Peter, trái tim của Giáo hội Công giáo thế giới.
Một World Cup thu nhỏ
Đấy là một World Cup thu nhỏ các cầu thủ là 380 chủng sinh đến 67 quốc gia khác nhau (trong đó có Việt Nam!), tập trung trong 16 đội bóng đại diện cho các chủng viện của Giáo hoàng tập trung ở Rome, Italy.
Hôm 5/3, chiếc Cúp Saturno, Cúp của người chiến thắng đã rời phòng truyền thống của chủng viện Urbano, đội đương kim vô địch, với hầu hết cầu thủ là các giáo sĩ gốc Phi, để đến trụ sở của Centro Sportivo Italiano (CSI, cơ quan phụ trách các hoạt động thể thao của Tòa thánh). Ở đó, nó sẽ chờ đợi người chiến thắng trong giải đấu lần này.
Trận khai mạc sẽ diễn ra giữa đội của chủng viện Urbano với đội PSG-không phải đội bóng của thủ đô nước Pháp, dù đội bóng này cũng gồm các chủng sinh người Pháp, mà là tên viết tắt của Pontificio Seminario Gallo. Người ta tin rằng, đấy sẽ là một cuộc đấu thực sự hấp dẫn, mở ra một giải đấu theo thể thức vòng bảng gồm 4 đội, sau đó sẽ có vòng knock-out liên tục, cho đến trận chung kết diễn ra vào ngày 23/5 tới.
Chủ tịch của giải đấu, cha Alessio Albertini, không phải ai khác mà chính là anh trai của cựu tiền vệ đội Milan và đội tuyển Italy Demetrio Albertini, cũng khẳng định trên truyền hình Italy, rằng ngài không mong gì hơn là được thấy "các linh mục và chủng sinh sống trong không khí của bóng đá".
Là một cổ động viên trung thành của đội San Lorenzo, Giáo hoàng kì vọng bóng đá có thể làm được nhiều điều cho Giáo hội trong việc truyền bá ảnh hưởng của Công giáo ra thế giới. Để cho công bằng, ngài không tuyên bố mình ủng hộ đội nào. Nhưng ở Rome, người ta bảo rằng, ngài là cổ động viên của đội bóng gồm các thày người Argentina...
Những “điều răn” của Clericus Cup
Chẳng có gì ngạc nhiên khi các quy định của giải Clericus Cup cũng được coi như một dạng Kinh thánh về bóng đá của Vatican, và những điều lệ của nó cũng chẳng khác những "điều răn".
Điều răn đầu tiên: Bạn không được phép phạm lỗi với một đối thủ khi anh ta đang thẳng tiến đến khung thành. Tuy nhiên, người phạm lỗi không bị đày xuống địa ngục với Quỷ Satan mà chỉ bị nhận một thẻ xanh, đồng nghĩa với việc bị truất quyền thi đấu trong... 5 phút.
Các trận đấu sẽ gồm 2 hiệp, mỗi hiệp 30 phút, có 5 lần thay người, và mỗi HLV có quyền được xin hội ý (time-out) trong vòng 2 phút. Chưa hết, trận đấu có thêm hiệp 3, một hiệp đặc biệt: Khi trận đấu kết thúc, dù với bất cứ kết quả nào đi chăng nữa, cả hai đội sẽ cùng ra giữa sân cầu nguyện chung với nhau một lúc. Điều này là bắt buộc. Như thế, các cha sẽ không quên mình là ai, và sẽ gạt sang bên không khí đối đầu nảy lửa trên sân có lúc đã khiến các cha nổi máu ăn thua (điều có vẻ không được thánh thiện lắm), để trở lại với Chúa.
Thật khó tổ chức một trận bóng đá trong im lặng, như đang xem phim câm, nên ban tổ chức chỉ có thể yêu cầu các CĐV giảm bớt "volume". Có lẽ người dân nơi đây cũng nên hiểu cho các cha và thông cảm cho họ một chút. Ngồi im trên khán đài đã khó, hét lên nho nhỏ sau mỗi bàn thắng còn khó hơn nhiều. Dưới lớp áo chùng của mỗi thày tu, là chiếc áo cổ động viên...
Clericus Cup đã bắt đầu như thế nào? Từ một ý tưởng của Jim Mulligan, một chủng sinh ở chủng viện Anh quốc của Vatican, mà giải đấu này ra đời. Nhưng Mulligan và giải đấu mang tên Rome Cup mà thày này tổ chức lần đầu vào năm 2003, với 18 đội tham gia, phải mất 4 năm mới thuyết phục được Quốc vụ khanh Tòa thánh lúc ấy là Tarcisio Bertone (ngoài đời là một juventino) biến giải này thành một cuộc đấu ở cấp độ hiện tại và sau đó, được LĐBĐ Italy, UEFA và FIFA lần lượt ủng hộ. |
Trương Anh Ngọc (từ Rome, Italy)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất