"Mr. Thất Bại" Lê Đình Hùng và cuốn sách gây sốc

04/02/2013 07:25 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Tác phẩm Mr. Thất Bại (NXB VHTT, quý 1/2013) của Lê Đình Hùng (quen gọi Hùng “Cửu Long”, Áo dài, hay Mr. Thất Bại) vừa phát hành đã chuẩn bị tái bản và “làm mưa làm gió” vì những sự thật xấu xa của giới doanh nhân Việt mà tác giả đề cập trực tiếp. Đọc tác phẩm này sẽ thấy tác giả không chỉ đề cập đến chuyện kinh tế đơn thuần, mà qua đó còn vạch trần diện mạo “lùn về văn hóa” của doanh nhân Việt. Có thể gọi đây là một “cú tát” chưa bao giờ đến từ một doanh nhân còn đứng chân trong thương trường.

“Bản thân tôi là một doanh nhân Việt cũng đầy rẫy sai lầm, tham lam. Tôi viết ra những nhược điểm, thiếu sót của chính tôi, của đồng nghiệp và của những điều tôi đã chứng kiến. Tôi không bôi nhọ hay phỉ báng ai mà chỉ muốn chúng ta cùng sửa chữa sai lầm để hướng đến một tương lai tươi sáng, đàng hoàng hơn” - Mr. Thất Bại lấy đây làm điều tâm niệm khi đưa ra nhiều sự thật mất lòng trong cuốn sách.

Viết về thói hư tật xấu của chính mình

Mr. Thất Bại - doanh nhân Lê Đình Hùng

* Thưa anh, lý do nào đưa đến quyết định công bố cuốn sách Mr. Thất Bại trong năm 2012? Và tại sao anh lại tự gọi mình là Mr. Thất Bại, trong khi thương hiệu trang sức Cửu Long Jewelry vẫn còn khá ổn?

- Sau mấy năm suy thoái liên tiếp, kinh tế Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn vào năm 2012, với cả trăm ngàn doanh nghiệp phá sản và thất bại, chẳng ai là không liên can.

Cửu Long Jewelry tuy không đến mức đó, nhưng chúng tôi cũng có những khó khăn và thất bại nhớ đời, nên tôi muốn kể lại điều này một cách chân thật. Hơn nữa, tôi còn viết về thói hư tật xấu của chính mình, trong vai trò một doanh nhân, chứ không hẳn là về thất bại của Cửu Long Jewelry.

Nếu tôi công bố cuốn sách này sớm hơn, khi nền kinh tế đang ổn định, chắc chắn tôi sẽ bị quy thành kẻ tội đồ chọc gậy bánh xe. Còn nếu để dành đến khi về già “gác kiếm” mới viết, tôi sẽ thành kẻ cơ hội, thêu dệt, hoặc vô trách nhiệm. Tôi muốn viết khi còn “đang bơi” trong chính cái nền kinh tế mà tôi phải có một phần trách nhiệm.

* Có nhiều ý kiến trên mạng gọi anh là kẻ nhảm nhí, thích chơi sốc, mà trong sách Mr. Thất Bại anh cũng gọi mình là “kẻ nhảm nhí kiếm tiền tỷ” (trang 18). Thế nhưng những câu chuyện mà anh viết về Mr. Bầu, Mr.Taxi, Mrs. Mỹ phẩm, Mrs.Tiên cá, Mr. Phở… thì không nhảm nhí chút nào, nó khá chua chát. Điều gì giúp anh có gan “vuốt mặt” toàn các doanh nhân cỡ bự như vậy?

- Sự thật mất lòng, ông bà ta đã nói như thế, dù sự thật luôn có sức nặng của chân lý, của lịch sử…, vấn đề là chúng ta có dám nói ra và bảo vệ nó hay không mà thôi. Tôi viết về Mr. Bầu, Mr.Taxi, Mrs. Mỹ phẩm, Mrs.Tiên cá, Mr. Phở… hay bất kì Mr., Mrs. nào thì cũng không nhằm vào bất kì một cá nhân hay tổ chức nào. Người ta thấy Mr. này hay Mrs. kia giống ai đó, là vì đó cũng là những thất bại chung, những câu chuyện chung mà đa phần giới doanh nhân trong lĩnh vực đó đều gặp phải.

Hơn nữa, tôi cũng muốn kể với con cái mình một số sự thật, để sau này tôi có thành công hay thất bại, chúng nó cũng biết lý do vì sao. Tôi ít học và cũng chẳng tài cán gì trong giới doanh nhân, cũng chẳng làm được gì lớn lao, chỉ có điều tôi muốn tập sống và làm việc minh bạch. Nếu đây là những bài học xấu, tôi cũng muốn cảnh tỉnh để thế hệ con tôi biết mà tránh, để có thể sống tốt hơn. Phần đông doanh nhân Việt đi lên nhờ quan hệ (xấu), chứ không phải bằng thực lực, tôi cũng không ngoại lệ, đó là điều cần phải thay đổi.

Cuốn sách Mr. Thất Bại

Cuốn sách gây hấn?

* Dù anh luôn khẳng định mình không muốn tạo cú sốc, nhưng cuốn sách của anh có quá nhiều yếu tố nhạy cảm, như chuyện anh viết về lòng tham vô đáy của giới doanh nhân Việt, về “càng thất bại càng hư hỏng”, về “nhân từ giả - độc ác thật”… Anh không sợ người ta phản đòn?

- Như đã đề cập từ đầu, tôi chỉ viết về chuyện của mình và chuyện mình biết một cách chân thật, nó thành đặc tính chung, chứ không nhằm vào bất kì ai. Nếu ai đó phản đòn vào tôi, một Mr. Thất Bại, thì có nghĩa là họ cũng đang phản đòn vào chính thất bại của họ, vì kinh tế Việt đang có những mẫu số chung không thể phủ nhận.

* Cũng có vài ý kiến cho rằng, nếu anh viết khôn ngoan hơn, đừng đề cập trực tiếp đến Mr này Mrs kia thì cuốn sách vẫn “được việc” và không bị xem là gây hấn?

Phần đông doanh nhân Việt đi lên nhờ quan hệ (xấu), chứ không phải bằng thực lực, tôi cũng không ngoại lệ, đó là điều cần phải thay đổi (phát biểu của "Mr. Thất Bại" - doanh nhân Lê Đình Hùng)

- Họ nói như vậy là vì chưa đọc bản thảo cuốn sách, trong này tôi đề cập trực tiếp đến mấy vấn đề, đã xứng đáng bị ném đá. Thứ nhất, giới doanh nhân Việt không có nhân tài, dù có số ít đã chạm đến tài mà vô nhân. Thứ hai, có 99 điều làm nên thói hư tật xấu và sự thất bại của doanh nhân Việt, khó ai tránh được. Thứ ba, tôi dám khẳng định 99 năm sau thì Việt Nam mới có một thương hiệu toàn cầu, còn bây giờ chỉ là ảo tưởng mà thôi. Những thói hư tật xấu này, xin nhắc lại, có sự góp phần của tôi trong đó, tôi chỉ muốn minh bạch mà thôi.

Trong “99 điều tự bạch về doanh nhân Việt Nam”, ở điều 16, tôi viết: “Doanh nhân Việt mất gốc văn hóa vì vay mượn”, đó cũng là thông điệp bao trùm lên cuốn sách này.

Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm