03/05/2013 13:23 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận ồn ào quanh thông tin về việc “có bàn tay chăm sóc quá kỹ của những thầy cô nâng đỡ học trò” tại cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2 - 2013, khiến “cuộc chơi” trở nên “không sòng phẳng”.
Một số vở diễn dự thi bị nêu đích danh về việc Thầy chuốt, trò thi như: Duyên lạ hồn hoang của đạo diễn Đặng Thanh Nga, Gió hoàng cung của đạo diễn Phan Ngọc Thức, Nghĩa vụ thiêng liêng của đạo diễn Trần Thư Nhàn với nhận xét: “Người xem dễ dàng bắt gặp dấu ấn quen thuộc đã từng tạo nên tên tuổi của các bậc thầy đạo diễn chuyên nghiệp qua cách xử lý của vở” bởi đúng ra “thí sinh phải tự thể hiện những thể nghiệm của mình” và “sự tham gia của các đạo diễn chuyên nghiệp vào các tác phẩm dự thi” đã “khiến cuộc thi trở thành sân chơi của chính thầy cô”.
Vở Duyên lạ hồn hoang của đạo diễn Đặng Thanh Nga
Theo tôi, đó là sự vơ đũa cả nắm, làm buồn lòng biết bao nghệ sĩ làm nghề đã và đang cống hiến hết mình trong các vở diễn cũng như đã và đang tham dự cuộc thi.
Cách đây gần 3 năm, vào tháng 12 năm 2010, chúng tôi đã được xem vở diễn Duyên lạ hồn hoang trong khuôn khổ bài thi tốt nghiệp chuyên ngành Cao đẳng đạo diễn sân khấu của học sinh đạo diễn Đặng Thanh Nga. Bài thi này đã được Hội đồng thi tốt nghiệp chấm điểm cao và chiếm được nhiều cảm tình từ người xem.
Do thú vị với vở diễn, chúng tôi đã tìm đọc kịch bản gốc Khúc cổ ngạn của nhà văn Nguyễn Đình Chính - là chất liệu khởi thủy để Đặng Thanh Nga dàn dựng, và cũng là để hiểu thêm những dụng công sáng tạo của đạo diễn khi dựng vở. Chúng tôi thực sự bất ngờ khi Thanh Nga đã táo bạo kể câu chuyện theo một cách hoàn toàn khác. Cô đã tìm cho vở diễn một chủ đề khác, một bố cục khác, một cái kết cũng thật… khác. Cô đã thay đổi đời sống, tính cách của các nhân vật “ đã tìm hiểu rất nhiều về Phật giáo, muốn lấy chính chân lý của Phật giáo nằm trong chữ “Giác ngộ” để có được một cái kết, để có thể chuyển tải hết những thông điệp mà mình muốn nói!”.
Được dự lễ khai mạc cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2 - 2013 vào đêm 22 tháng 4 vừa qua, xem lại Duyên lạ hồn hoang và bất ngờ là vở diễn đã mang đến rất nhiều cảm xúc. Chúng tôi đã thấy được sự trưởng thành và sự nỗ lực rất nhiều của đạo diễn Đặng Thanh Nga. Để có được một bản dựng như bây giờ, hẳn Nga đã phải “yêu” nó và “sống chết” với nó tới mức nào?! Hỏi ra mới biết Nga đã ấp ủ nó bao nhiêu năm nay từ khi cô còn là diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam. Tuy vở diễn được đánh giá tốt, nhưng tôi biết Đặng Thanh Nga chưa khi nào hài lòng về vở diễn của mình, cô vẫn luôn muốn được làm tốt hơn nữa.
Vào dịp Tết 2012, đạo diễn Đặng Thanh Nga đã dàn dựng lại vở diễn Duyên lạ hồn hoang với 8 xuất công diễn bán vé tại Nhà văn hóa Thanh niên. Cô tiếp tục chỉnh sửa, cắt gọn lại một số đoạn dài, thêm vào những đoạn cần thiết để vở diễn được gọn hơn.
Khi tham dự cuộc thi Tài năng trẻ đạo diễn sân khấu lần 2 - 2013, lại một lần nữa đạo diễn Đặng Thanh Nga tìm tòi, sáng tạo và hoàn thiện mọi khâu để cho vở diễn đạt hiệu quả tốt nhất. Trân trọng người thầy đã từng hướng dẫn tốt nghiệp cho mình, cô ghi tên thầy vào chức danh cố vấn nghệ thuật, và vì thế để phải chịu tiếng oan Thầy “ chuốt”, trò thi.
Thiết nghĩ, với đặc thù đào tạo nghệ thuật, việc thầy giáo hướng dẫn, gợi ý, đóng góp bài tập cho học trò là điều bình thường. Tuy nhiên vì danh dự và lòng tự trọng của cả thầy lẫn trò, cũng như quy định nghiêm ngặt trường quy, làm sao có chuyện thầy làm bài hộ trò?!
Tương tự vậy, trong quá trình sáng tác xây dựng tác phẩm, việc mời các nghệ sĩ có tên tuổi tham gia làm cố vấn hay chỉ đạo nghệ thuật cho một vở diễn cũng là điều hết sức bình thường. Mỗi khi làm điều đó, không có nghĩa các vị được mời sẽ làm thay cho phần việc của người nghệ sĩ sáng tạo. Thành công của một vở diễn là sự phối hợp tổng thể từ cấu trúc vở diễn, phương pháp dàn dựng, âm nhạc, ánh sáng, trang trí sân khấu, đạo cụ, diễn xuất của diễn viên… tất cả sẽ tạo nên tinh thần, không khí của vở. Cố vấn nghệ thuật đâu có “mười đầu sáu tay” để thể làm thay hết được?!
Một thực tế nữa, tuy vẫn “bị” coi là các đạo diễn trẻ, nhưng trong đó có nhiều những người đạo diễn tham dự cuộc thi đã có thâm niên hoạt động trong nghề một vài chục năm với đầy ắp những đam mê nghề nghiệp, những trăn trở, những khát khao được dấn thân. Lẽ ra họ phải được tôn trọng và động viên đúng mực, chứ không phải là cách phán xét vội vã.
Đỗ Lệnh Hùng Tú (Giảng viên Sân khấu- Điện ảnh- Truyền hình)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất