17/03/2020 12:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Bài viết của chàng trai người Anh - Gavin Wheeldon chia sẻ cuộc sống trong khu cách ly tại Hà Nội qua góc nhìn anh chàng.
Gavin Wheeldon là một công dân đến từ Anh quốc và hiện đang được cách ly tại khu vực gần thủ đô Hà Nội sau khi xuống sân bay nội bài.
Anh chàng đã chia sẻ cái nhìn từ cá nhân mình một cách sâu sắc và chân thành nhất về Việt Nam cũng như khu cách ly dịch Covid-19. Hãy cùng đọc câu chuyện của Gavin nhé.
Sự cẩn thận của Việt Nam ngay từ ở sân bay
5 giờ sáng, tôi đáp xuống sân bay Nội Bài, trong lòng tràn đầy sự háo hức và mong chờ một cuộc hành trình mới tại đất nước xinh đẹp này. Tôi đã luôn ao ước được sống ở Việt Nam và cuối cùng thì ngày này cũng đến. Tuy nhiên, ngay khi vừa đặt chân xuống miền đất mới, tôi đã được chào đón bởi các hàng rào chắn và tờ khai y tế. Tất cả hành khách đều được kiểm tra sức khoẻ bởi những nhân viên mặc đồ bảo hộ. Lúc này tôi mới cảm nhận được thật nhất mọi thứ, không chỉ còn là những điều trên TV, báo đài đang nói nữa.
Lần lượt từng hành khách được lấy mẫu dịch và giao nộp hộ chiếu để kiểm tra. Tôi cũng cảm thấy vui vẻ vì không phải chờ đợi quá lâu, do trước đó đã dành thời gian điền tờ khai online. Nhưng hoá ra sau đó khi đến đây thì còn rất nhiều giấy tờ khác phải điền, cộng với sự hỗn loạn của mọi người xung quanh mình. Tôi cũng kiếm được một chỗ ngồi tại khu vực chỉ định sau khi lấy mẫu dịch từ họng và mũi.
Trong dòng người chậm chạp phía sau tôi, có cả người ngoại quốc và Việt Nam, ai cũng như ai đều đang chờ đợi đến lượt mình. Thời gian cứ thế trôi đi mà không có thông tin gì thêm, tình trạng náo động cũng vì thế mà tăng lên. Tôi thấy một nhóm người lớn tuổi, dường như là đi du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu tỏ thái độ thái độ than phiền. Nhưng chắc ai cũng như tôi, nhận ra rằng bây giờ không chỉ hành khách mà các nhân viên ở đây cũng đang bối rối. Chắc hẳn có một cuộc họp ở đâu đó đang diễn ra để bàn xem sẽ dẫn chúng tôi đi đâu.
Hai sự lựa chọn cho du khách ngoại quốc
Sau khoảng 5 tiếng chờ đợi thì chúng tôi nhận được thông báo về hai sự lựa chọn cho mình. Một là nhận lại hộ chiếu, mua vé máy bay mới và rời khỏi Việt Nam. Phương án hai là đến khu cách ly trong vòng 14 ngày và sau đó nhập cảnh vào Việt Nam. Họ cũng thông báo rằng mọi chi phí là bằng 0, trừ khi bạn dương tính với virus thì sẽ phải thanh toán tiền điều trị nếu là người nước ngoài. Còn người Việt Nam được miễn phí hoàn toàn, một chuyện đương nhiên dễ hiểu.
Ngay sau khi có thông báo thì cách hành khách bắt đầu bu lấy phiên dịch viên và hỏi rất nhiều vấn đề khác nhau. Tôi cảm thấy thương cho cô gái làm phiên dịch vì bị "tra khảo" trong khi cô ấy rõ ràng chỉ đang cố gắng giúp đỡ mọi người. Tôi hiểu rất rõ vấn đề và sự nhân văn ở đây, quốc gia này đang cố gắng hết sức bảo vệ người của họ nhưng cũng không quên mang đến sự thân thiện cho các du khách ngoại quốc.
Toàn bộ người Việt Nam đều chọn cách ly còn các du khách nước ngoài như tôi thì cần cân nhắc. Dù chọn cách nào thì cũng sẽ không được nhập cảnh ngay bây giờ, chúng tôi đều hiểu điều đó. Và cuối cùng, chỉ còn lại tôi cùng ba người xa lạ khác ở lại. Chúng tôi đều không biết quyết định này sẽ dẫn mình đến đâu, chỉ biết mục tiêu hiện tại là phải vượt qua chuyện này. Tôi cũng nghe được rằng khu cách ly là ở rất xa thành phố Hà Nội.
Hành trình cách ly bắt đầu
Sau đó chúng tôi được đưa lên một chiếc xe buýt, passport được bỏ vào một cái túi màu vàng có ký hiệu độc hại to đùng. Đây đúng là một sự thật nghiệt ngã với tôi, giờ đây tất cả chúng tôi đều là những vật chủ độc hại có thể đang chứa con virus kia. Ngay khi xe bắt đầu lăn bánh, tôi tự hỏi rằng mình sẽ đi trong bao lâu, liệu có đủ đồ ăn cho tất cả mọi người không. Tôi còn sợ sẽ bị nhốt gần những người đã bị bệnh cùng "một nghìn lẻ một" suy nghĩ khác. Khung cảnh đường phố bắt đầu dần trôi qua mà thay vào đó là bức hoạ đồng quê, và rồi chúng tôi đã đến một nơi như thể căn cứ quân sự.
Chúng tôi được sát trùng cả người lẫn hành lý rồi tiến vào khu ký túc xá to đùng, xung quanh là hàng rào bao bọc. Nhân viên ở đây đều phải mặc đồ bảo hộ. Lần lượt từng người một được đưa về phòng, người Việt Nam ở riêng và nam nữ cũng sẽ được chia ra. Ai trong tình trạng không tốt, hoặc ai có con nhỏ cũng sẽ được ở riêng. Trái ngược với sự hỗn loạn ở sân bay, tại đây mọi thứ cực kỳ ngăn nắp, trật tự. Và đó là lúc tôi nhận ra, Việt Nam đã sẵn sàng cho chuyện này trong khi thế giới ngoài kia vẫn còn đang chuẩn bị.
Trên đường về nơi ở của mình, tôi cũng kịp quan sát mọi thứ xung quanh. Ở đây có tường rào bảo vệ, sân tập và cả những cánh đồng phía xa. Với tôi thế này không hề tệ chút nào so với những gì mà tôi đã suy đoán. Tôi cùng ba người bạn nước ngoài được ở một phòng với 10 chiếc giường tầng kiểu quân đội. Chúng tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ sau một ngày dài, trước đó cũng đã kịp chào hỏi làm quen nhau một chút.
Ngay sáng hôm sau, cả phòng tôi đã có một cuộc tranh luận nhỏ về vấn đề giữ yên lặng trong lúc mọi người đang ngủ. Sau đó mọi việc đều được sắp xếp ổn thoả, rõ ràng là chúng tôi phải học cách để ý, quan tâm đến mọi người xung quanh mình hơn. Đồ ăn sáng được mang tới và tôi ăn trong sung sướng - Bánh Mì hàng thật quả nhiên là chất lượng cao.
Những câu chuyện về con người Việt Nam
Tôi nhờ một anh lính mua hộ SIM điện thoại và còn ngỏ ý muốn boa anh ta chút tiền, nhưng chàng trai nhất quyết không nhận thêm mà chỉ lấy đúng giá tiền cái SIM. Một thông dịch viên tới hỏi thăm chúng tôi, thật bất ngờ khi cô gái này không làm việc cho quân sự hay chính phủ mà chỉ là tình nguyện viên. Cô ấy chấp nhận mọi nguy hiểm có thể xảy ra để đến đây giúp đỡ mọi người.
Kết quả của chúng tôi đều âm tính, nhưng tôi nghe được là có một người ở khoang hạng thương gia thì không. Chưa nhẹ nhõm được bao lâu thì trong đầu tôi bắt đầu đặt ra nhiều câu hỏi, lo lắng. Liệu tôi đã tiếp xúc hay đụng vào món đồ nào mà ông khách thương gia kia đã chạm vào hay không? Điều duy nhất tôi nhớ được là từ sau khi xuống sân bay, tôi không còn thấy ông ấy nữa. Sau đó chúng tôi liên lạc về với gia đình để trấn an họ, rằng 14 ngày sẽ qua rất nhanh thôi.
Cuộc sống ở đây thật yên bình và nhẹ nhàng, bản thân nơi này vốn dĩ đã rất yên tĩnh rồi. Các chàng lính thì ngày nào cũng chăm chỉ đi khử trùng phòng ở, đo nhiệt độ rồi đổ rác giúp tôi. Họ cực kỳ thân thiện, nhiệt tình chứ không hề như những gì mà tôi nghe người ta đồn thổi. Tôi dần thấy chuyến cách ly của mình giống như đi cắm trại, mọi người chia sẻ đồ ăn với nhau.
Tôi thấy có nhiều người Việt Nam còn nhận được tiếp tế từ gia đình, họ nhìn thấy tôi thì đều chào hỏi rất gần gũi. Chúng tôi cùng nói chuyện, tôi không khỏi bất ngờ khi họ phải ở một phòng 16 người trong khi phòng của mình chỉ có 4 người. Tôi cảm thấy như việc được ở ít như là một đặc ân dành cho các du khách nước ngoài vậy bởi tôi hiểu rằng số người cách ly sẽ đang tăng lên.
Cái nhìn tin tưởng dành cho Việt Nam
Tôi cũng vừa nghe được rằng có khoảng 700 người sắp vào đây để cách ly, thế là sáng dậy mình đã có hàng xóm mới và khu đối diện chúng tôi trở nên đông vui hơn. Tôi thấy hơi sợ vì đông người rồi lây bệnh cho nhau thì sao? Thế là thông dịch viên cũng trấn an, giải thích rằng tất cả ở đây đều được cùng cách ly. Tôi tranh thủ đi dạo, chụp hình và thấy có nhiều hành lý đang đặt ngoài sân. Tôi thấy cả một chiếc xe đẩy em bé, chuyện này khiến tôi có chút rùng mình.
Tình hình ở đây vẫn yên bình, nhưng tôi cảm thấy lo lắng rằng sẽ có sự thay đổi sớm. Phần vì lượng người tăng dần lên, đồng nghĩa với nỗi sợ vô hình về việc nhiễm bệnh cũng tịnh tiến. Mọi thứ đến giờ vẫn còn mơ hồi với tôi, nhưng ít nhất tôi thấy ở đây vẫn an toàn. Hơn hết, tôi thấy được Việt Nam đang làm việc cực kỳ tích cực để giữ cho tất cả mọi người được an toàn.
Có thể thấy bài viết của anh Wheeldon đã phản ánh chân thực nhất công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam qua góc nhìn chủ quan từ một du khách. Không chỉ có sự tích mà trong câu chuyện anh Wheeldon chia sẻ có cả những giây phút lo lắng, sốt ruột nhưng trên tất cả, tinh thần hợp tác và lạc quan mới là điều quan trọng nhất để vượt qua mọi việc.
Gavin Wheeldon/Southeast Asia Globe - Yến Nhi/ Yan.vn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất