HA.GL mua Lee Nguyễn: Bóng đá là của người giàu

19/01/2009 14:10 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Bầu Đức mua Lee Nguyễn. Sự háo hức về mùa giải 2009 ít nhiều cũng tăng lên từ đó. BĐVN có bao nhiều người có thể làm như Bầu Đức?

Nếu như Bầu Kiên của HNACB muốn đạt được một danh hiệu nào đó hơn là vị trí thứ 13 (với 562,174 tỉ đồng) trong bảng xếp hạng 100 người giàu nhất sàn chứng khoán năm 2008 của Việt Nam thì chắc chắn ông sẽ làm được. Nếu muốn cạnh tranh với Bầu Đức của HAGL, và nếu có kém thì Bầu Kiên chắc cũng chỉ thua sát nút, dù vị trí thực tế của 2 người theo công bố của báo điện tử vnexpress.net chênh nhau 12 bậc. Bầu Đức đứng số 1 với hơn 6000 tỉ đồng.

Bởi thế, nếu Bầu Đức mua được Kiatisak và Lee Nguyễn và từng nói về kế hoạch (nhưng chưa bao giờ cho thấy tính khả thi) trở thành cổ đông lớn của đội bóng Anh quốc Arsenal, thì Bầu Kiên cũng có thể làm được điều tương tự với Liverpool, nếu ông thích. Đấy là nói về khía cạnh năng lực tài chính.

Nhưng nói về đội bóng của 2 ông bầu ấy lại là 2 câu chuyện hoàn toàn khác. HNACB của Bầu Kiên đích thực là đội bóng nhà nghèo. Nghèo từ số lượng cầu thủ có sẵn cho tới nghèo về những phi vụ chuyển nhượng. Tất cả những gì đáng chú ý nhất ở đội bóng này trong thời gian qua là chuyện CLB tìm mọi cách để giữ chân ngôi sao duy nhất của đội: cầu thủ chạy cánh Thành Lương, dù cho khúc mắc về tiền bạc giữa cầu thủ với ông chủ chỉ bằng một con số rất, rất lẻ của tổng số tài sản công bố.
 
Bầu Kiên (giữa)

Giữa câu chuyện về 2 ông bầu của 2 đội bóng thuộc 2 vùng miền khác nhau mới thấy những gì mà bầu Đức làm cho bóng đá Tây Nguyên nói riêng và cho BĐVN nói chung quả là có những điều để ghi nhận.

Trong bóng đá, dù ở các cấp độ khác nhau, có một thực tế thế này: người hâm mộ và bản thân các cầu thủ không lấy cái sự giàu có của các ông chủ để làm niềm hãnh diện, tự hào của mình. Bóng đá là cuộc chơi trên sân cỏ với những niềm vui trình diễn và niềm vui chiến thắng. Chắc rất nhiều fan của Chelsea lúc này không thể hạnh phúc bằng các fan của Manchester Utd dù đội bóng của thành London đang thuộc về một tỷ phú tầm thế giới và ông tỷ phú này trong mấy năm qua cũng là một tay đốt tiền cho bóng đá khét tiếng, trong khi ông chủ của đội bóng kình địch lại là một con nợ.

Đó không phải là sự bất công. Đó là một thuộc tính của bóng đá khi nó đã trở thành ngành công nghiệp. Và đó còn là một sự may rủi nữa mà người ta phải chấp nhận, tương tự như chấp nhận số phận mỗi con người. Ai đó đã yêu đội bóng và nếu một ngày nào đó có một nhà tài phiệt máu bóng đá và biết chơi bóng đá, đến sở hữu đội bóng của mình thì đó là một may mắn. Còn không, tình yêu dành cho đội bóng ấy chắc sẽ có phần bị sứt mẻ.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người hâm mộ đội bóng CAHN ngày nào giờ không đến sân xem HN.ACB thi đấu, không đọc báo, không tìm hiểu xem trong những ngày qua đội bóng đã chiêu mộ lực lượng thế nào để thỏa mãn mục tiêu thăng hạng và đại diện cho cả một nền bóng đá đi ra châu lục (HNACB đá AFC Cup 2009).

Đó cũng chính là mặt trái của bóng đá tư nhân, bóng đá doanh nghiệp. Nhưng, chúng ta phải chấp nhận nó chứ không thể coi đấy là “cơ hội” để quay trở lại với thứ bóng đá bao cấp, và chờ. Chờ cho tới ngày một ông chủ mới, có thể không nhiều tiền bằng nhưng lại đam mê và biết chơi bóng đá hơn.
 

Bóng đá Việt Nam chưa phải là lĩnh vực giải trí hàng đầu, ngoại trừ chức vô địch ĐNA và những gì liên quan đến đội tuyển; nó còn thua xa so với ngành công nghiệp showbiz. Nhưng, trong khi không có ai nằm trong tốp 20 người giàu nhất trên sân chứng khoán đầu tư vào điện ảnh, ca nhạc thì bóng đá lại có tới 3 người. Ngoài Bầu Đức và Bầu Kiên, còn có ông Trần Đình Long, Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát, sở hữu đội bóng HP.HN. Ông Trần Đình Long đứng thứ 4 với số tài sản quy đổi từ số cổ phiếu của mình là hơn 1.500 tỉ. Thực tế này cho thấy BĐVN có tiềm lực để phát triển ở cấp độ CLB. Bây giờ, cái thiếu chỉ là cú hích và môi trường bóng đá.

Phạm Tấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm