Cuộc sống ở quốc gia nguy hiểm nhất thế giới: Sống trong nơm nớp lo sợ để rồi phải bỏ xứ ra đi

19/01/2023 20:40 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247

Quốc gia Trung Mỹ nhỏ bé này từ lâu trở thành nơi nguy hiểm nhất thế giới dù chẳng có bom đạn chiến tranh.

Khi bạn đang sống ở một nơi an toàn, yên ấm, sẽ thật đáng sợ nếu bất ngờ xảy ra mâu thuẫn đánh nhau. Thế nhưng, với người dân El Salvador, bạo lực xảy ra "như cơm bữa" và người ta dần quen và dần tập "sống chung với lũ".

Từ năm 1980, quốc gia Trung Mỹ này đã phải hứng chịu cuộc nội chiến tàn khốc kéo dài hàng thập kỷ.  Chiến tranh tàn khốc khiến nhiều người El Salvador, đặc biệt là trẻ em, phải đối mặt với bạo lực khủng khiếp. Khi ấy, nhiều người El Salvador không còn con đường nào khác nên phải tìm cách trốn sang Mỹ. Đặc biệt, ở thành phố Los Angeles được xem là điểm dừng chân của nhiều thanh thiếu niên El Salvador. Họ cùng nhau đoàn kết để bảo vệ bản thân trước mối đe dọa từ các băng đảng trong thành phố này.

Cuộc sống ở quốc gia nguy hiểm nhất thế giới: Sống trong nơm nớp lo sợ để rồi phải bỏ xứ mà đi - Ảnh 1.

Sau khi nội chiến kết thúc năm 1992, các chính sách nhập cư của Mỹ càng thắt chặt hơn. Những người di cư bị kết án phạm tội, bị trục xuất về El Salvador. Đó cũng là lúc văn hóa băng đảng "trỗi dậy" ở quốc gia nhỏ bé này, phá hoại nền tảng của đất nước vốn mong manh và đang gặp khó khăn. Để đến nỗi mà, tống tiền và giết người trở thành chuyện thường nhật.

Sống trong nơm nớp lo sợ, cảnh giác cao độ

Theo số liệu của trang InSightCrime, tỷ lệ giết người ở El Salvador đã tăng vọt trong năm 2015-2016 với hơn 100 vụ giết người trên 100.000 cư dân, cao hơn nhiều so với các quốc gia vốn bất ổn như Honduras và Venezuela, cả 2 nước này đều có thống kê 59 vụ giết người trên 100.000 cư dân.

Theo số liệu do phóng viên The Guardian thu thập được: "Có ít nhất 60.000 thành viên băng đảng đang hoạt động. Chủ yếu thuộc các băng đảng Mara Salvatrucha 13 (gọi tắt là MS-13) và Barrio 18 (gọi tắt là La 18). Con số ấy còn đông hơn cả số lượng sĩ quan nhà nước Salvador, bao gồm cảnh sát, lực lượng bán quân sự và quân đội (chỉ 52.000 người)".

Cuộc sống ở quốc gia nguy hiểm nhất thế giới: Sống trong nơm nớp lo sợ để rồi phải bỏ xứ mà đi - Ảnh 2.

Như đã đề cập ở trên, nguồn gốc của các băng đảng có thể bắt nguồn từ những người El Salvador trốn sang Mỹ, đặc biệt là thanh thiếu niên ở thành phố Los Angeles. Mạng lưới thành viên của MS-13 là những tù nhân từng ngồi tù vì tội bạo động. Trong khi đó, La 18 được thành lập với tư cách là băng đảng đa chủng tộc đầu tiên trong thành phố và hiện là băng đảng chủ yếu ở Trung Mỹ, với khoảng 30.000 đến 50.000 thành viên ở Mỹ.

Sau khi cuộc nội chiến ở El Salvador kết thúc vào năm 1992, các chính sách nhập cư của Hoa Kỳ đã thắt chặt hơn và những người di cư từng bị kết án phạm tội đã bị trục xuất về El Salvador, mang theo văn hóa băng đảng và bạo lực đến một quốc gia vốn đang gặp khó khăn.

Thông qua hình thức lôi kéo, tống tiền và ép buộc, các băng nhóm tiếp tục phát triển về số lượng và ảnh hưởng, nắm quyền kiểm soát El Salvador.

Cuộc sống ở quốc gia nguy hiểm nhất thế giới: Sống trong nơm nớp lo sợ để rồi phải bỏ xứ ra đi - Ảnh 3.

Để giờ đây, El Salvador là một quốc gia "bị tê liệt". Những cuộc xung đột tranh chấp lãnh thổ giữa các băng đảng đã chia rẽ các gia đình, khiến việc đi lại trở nên bất khả thi.

Ở quốc gia này, mất tích là chuyện như cơm bữa (số lượng những người mất tích không được thống kê trong số liệu thống kê về tội giết người) và việc báo cảnh sát không được khuyến khích. Nếu thi thể được tìm thấy, việc chôn cất sẽ được tổ chức càng nhanh càng tốt và tang lễ được tiến hành lặng lẽ.

Cảnh sát luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ và thậm chí họ còn phải đeo khăn che mặt để bảo vệ danh tính của mình. Nhưng các cuộc tấn công nhằm vào cảnh sát vẫn xảy ra thường xuyên.

Sự đổ vỡ niềm tin này đã tạo ra những rối ren và cũng góp phần giải thích tại sao đối với nhiều người El Salvador, lựa chọn duy nhất là di cư, thường là lên phía bắc tới Mexico và Mỹ.

Đó cũng là lý do cho cảnh tượng nườm nượp người di cư xếp hàng ở biên giới phía Nam của Mỹ và Mexico, phần lớn trong số họ là những người chạy trốn bạo lực băng đảng ở El Salvador và Honduras.

Người ngoại quốc không sống ở El Salvador khó mà hình dung được những chuẩn mực xã hội đã bị tan rã đến mức nào. Ở nhiều khu dân cư, người dân thậm chí không thể băng qua đường chỉ vì nó chịu sự kiểm soát của nhiều băng đảng khác nhau.

Khi bước vào một khu phố, du khách thường phải nháy đèn hoặc kéo cửa sổ xuống để thể hiện sự "trung thành" với băng nhóm kiểm soát khu vực đó hoặc ra tín hiệu sợ bạo lực.

2 băng đảng lớn nhất ở El Salvador là MS-13 và La-18 hoạt động theo cách phi tập trung. Chúng kiếm tiền thông qua hoạt động bảo kê. Với giá từ 2 đến 3 USD cho các doanh nghiệp nhỏ và 5 đến 20 USD cho các doanh nghiệp và nhà phân phối cỡ trung bình.

Thông qua hoạt động bảo kê kết hợp tống tiền tất cả doanh nghiệp trong nước, các băng đảng thu được số tiền không hề nhỏ, ước khoảng 31,2 triệu USD chỉ riêng với MS-13.

Theo báo cáo từ Ngân hàng Dự trữ Trung ương El Salvador (BCR), số tiền chi tiêu cho các băng đảng (thông qua tống tiền hoặc thuê dịch vụ an ninh tư nhân), kết hợp với phí tổn do bạo lực, lên tới 4 tỷ USD mỗi năm, chiếm khoảng 15% GDP của cả El Salvador.

Hy vọng thay đổi

Niềm hy vọng đến với người dân El Salvador khi ông Nayib Armando Bukele lên nắm giữ chức tổng thống vào năm 2019. Ông Nayib đã vạch ra kế hoạch dài hơi tiêu diệt các băng đảng ở El Salvador trong vòng 3 đến 4 năm.

Vào tháng 6 năm 2019, ông Nayib đã đưa ra kế hoạch kiểm soát lãnh thổ với chi phí 31 triệu đô la (24 triệu bảng Anh) nhằm tăng cường sự hiện diện của cảnh sát và quân đội, đánh đuổi các băng đảng và làm suy yếu quyền kiểm soát của chúng ở các vùng lãnh thổ trên cả nước.

2 tháng sau đó, cảnh sát Salvador báo cáo hơn 5.000 vụ bắt giữ trên toàn quốc. Kế hoạch này cũng liên quan đến việc ban bố tình trạng khẩn cấp trong hệ thống nhà tù của El Salvador, phong tỏa 28 nhà tù bằng cách cấm người ngoài vào thăm, nhốt tù nhân trong phòng giam, chặn tất cả các mạng liên lạc trong nhà tù và với thế giới bên ngoài.

Cuộc sống ở quốc gia nguy hiểm nhất thế giới: Sống trong nơm nớp lo sợ để rồi phải bỏ xứ mà đi - Ảnh 4.

Ông Nayib cũng đã thành lập một cơ quan chống tham nhũng mới, được gọi là Kế hoạch Cuscatlan. Ông chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế là một giải pháp cho tình trạng nghèo đói và thất nghiệp gia tăng dẫn đến tình trạng di cư. Vị tổng thống này đã thành công trong việc giành được các quỹ phát triển đã cam kết từ cả Mỹ và Mexico.

7 tháng đầu năm 2019 là những tháng ít bạo lực nhất trong vòng 15 năm (không tính năm 2013 và thỏa thuận đình chiến năm 2012). Vào ngày 31/7/2019, không một vụ giết người nào được ghi nhận - đó là ngày thứ 8 không có vụ giết người trong 19 năm. Tuy nhiên, bạo lực và mất tích vẫn là một thực tế của cuộc sống.

Tính đến cuối năm 2019, có tổng cộng khoảng 3.382 người đã được thông báo mất tích. Mặc dù quy mô bạo lực ở quốc gia nhỏ bé ở Trung Mỹ này có thể đoán trước được, nhưng tương lai vẫn chưa chắc chắn. Câu hỏi đặt ra là liệu người dân El Salvador sẽ phải chịu đựng nỗi sợ hãi và giết chóc trong bao lâu nữa?

Minh Nhật

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm