(Thethaovanhoa.vn) - Nếu như đi tìm một Chủ tịch Barca trong thời kỳ bóng đá hiện đại có nhiều tai tiếng nhất, hẳn không thể vắng Sandro Rosell. Chưa bao giờ trong lịch sử một huyền thoại Barca quay ngoắt lại chỉ trích CLB vì cách đối xử tệ bạc, nhưng Pep Guardiola đã làm điều đó với Rosell.
Rosell gắn với quá nhiều scandal
1. Trong một cuộc tiếp xúc với báo giới ngày 10/7/2010, Johan Cruyff nhấn mạnh ông không muốn mình trở thành vấn đề tạo nên sự căng thẳng cho Barca, cụ thể là giữa Laporta và Rosell.
“Chúng ta không thể làm mọi chuyện trở nên lố bịch. Tôi không muốn thành một vấn đề cho đội bóng, và thực tế nó không cần thiết để làm vậy”, sau khi thừa nhận “có chút thất vọng”, Cruyff đã nói khi mất danh hiệu Chủ tịch danh dự chỉ chưa đầy 4 tháng kể từ khi Laporta trao cho ông.
Huyền thoại người Hà Lan kết luận: “Tôi chưa bao giờ chứng kiến một rạp xiếc như thế này”.
Người hâm mộ Barca chưa quên được câu chuyện của thời điểm này 3 năm về trước. Trong khi Real có Di Stefano là Chủ tịch danh dự (từ 2000), việc Laporta trao vinh dự tương tự cho Cruyff được đánh giá rất cao.
Chủ tịch danh dự không có nhiều tiếng nói, ngoài một số ý kiến “góp vui”. Bù lại, hình ảnh một vị Chủ tịch danh dự sẽ tác động lớn vào niềm tự hào của lịch sử đội bóng. Real tự hào với giai đoạn “mũi tên bạc” Di Stefano, và Barca cũng cần điều tương tự với Cruyff. “Thánh Johan” là một biểu tượng ở Camp Nou, từ khi còn là cầu thủ trong thập niên 1970 cho đến lúc ông tạo nên “Dream Team” trên cương vị một nhà cầm quân.
Cũng chính Cruyff đặt nền tảng cho sự ra đời của La Masia, và ảnh hưởng cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Trong 4 mùa giải mà Pep gặt hái thành công với Barca, niềm cảm hứng cho công việc và chiến thắng cũng đến từ Cruyff. Dù Messi đã có 4 QBV, nhưng vẫn nhỏ bé khi đứng cạnh Cruyff trong phòng truyền thống Barca.
Vậy nhưng, Rosell phũ phàng tung cái tát vào Cruyff, với lời giải thích “không phù hợp với đạo luật CLB”.
2. Đánh vào Cruyff chỉ là hành động đầu tiên trong những điều mà Rosell tự làm xấu tư cách Chủ tịch của mình. Không ít thông tin mà truyền thông Catalunya khai thác cho thấy, Rosell đã “mua” phiếu của một nhóm quá khích trong cuộc bầu cử năm 2010.
Tháng Ba vừa qua, giữa những vinh quang chiến thắng, những cule chân chính đã châm chọc Rosell với khẩu hiệu “Nghĩa trang Blaugrana”. Kèm theo đó là hình ảnh Rosell với chiếc mũi dài, một cách nhại lại cậu bé người gỗ Pinocchio.
Tất cả những phản ứng này đến từ việc Rosell có quá nhiều sự giả dối trên cương vị Chủ tịch.
Trong mùa giải qua, Barca thậm chí còn bị cảnh sát Catalunya điều tra về việc đã bán vé cho một nhóm ultra - vốn nằm trong danh sách cấm của cơ quan chức năng vì bạo lực và chính trị. Người đừng sau vấn đề này không ai khác ngoài Rosell.
3. Chủ tịch không chỉ quản lý và quyết định mọi việc, mà điều quan trọng là đại diện cho hình ảnh CLB.
Có một thực tế, từ khi Rosell nắm quyền tối cao, Barca dính quá nhiều đến cuộc chiến ngoài chuyên môn với Real. Các trận “Kinh điển” với Real luôn tồn tại những tranh cãi.
Trong khi Florentino Perez, hay các Chủ tịch khác, luôn kiềm chế và nhã nhặn mỗi khi nói về đối thủ. Tuy vậy, Rosell thì khác. Tấn công đối thủ bằng mọi cách là điều mà Rosell vẫn làm.
Từ những hành động nói xấu đối thủ, Rosell bị so sánh với… Jose Mourinho!
N.H
Thể thao & Văn hóa
Bí mật người tạo cuộc chiến Pep - Rosell
Trong cuộc họp báo mà Pep Guardiola chỉ trích Barca và Rosell, mọi chuyện sẽ không đi xa nếu không có Matias Manna, một nhà báo Argentina. Sau khi các nhà báo Đức, Tây Ban Nha, Italia gần như cạn câu hỏi xoay quanh Thiago Alcantara và Bayern Munich, Matias Manna đã đưa ra câu hỏi liên quan đến những vấn đề cũ với Barca. Từ “gợi ý” của Manna mà Pep đưa ra những ấm ức trong lòng.
Nhà báo Manna là người viết cuốn “Paradigma Guardiola”, phát hành năm ngoái. Anh cũng từng có dịp gặp Pep năm 2006, khi ông đến Argentina nói chuyện về bóng đá. Họ vẫn duy trì liên lạc cho đến nay. Do vậy, một câu hỏi được đặt ra, liệu có hay không việc Pep và Manna móc nối sẵn để phanh phui vấn đề với Barca? |