World Cup 2010: Sẽ hiếm muộn những ngôi sao sáng?

09/06/2010 19:03 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH Online) - Thành công mà mỗi đội bóng có được đều mang đậm dấu ấn của các HLV. Nhờ có đầu óc thao lược của các nhà cầm quân, hầu hết những đội bóng gặt hái được thành công đều gắn liền với một chiến thuật nào đó. Càng ngày, dấu ấn của các ngôi sao với những mẫu cầu thủ có khả năng đưa cả đội bóng có thể đến tới thành công ngày càng ít đi. Với sự hoàn phát triển và hoàn thiện của bóng đá chiến thuật, tại VCK World Cup sắp tới có thể sẽ có rất ít "đất" để các ngôi sao phô diễn tài năng của mình.

Tài năng xuất chúng của Messi cũng khó có thể một mình mang về thành công cho ĐT - Ảnh Getty

Không phải ngẫu nhiên mà Carlos Dunga đã quyết định loại Ronaldinho. Tiền đạo đang khoác áo Milan vẫn cho thấy được sự ổn định về mặt phong độ và tài năng. Nhưng thứ bóng đá có phần nghệ sĩ và thiên về "diễn" nhiều  của anh không thích hợp với Dunga, một HLV nặng về ý tưởng chiến thuật. Dunga thích những mẫu cầu thủ đóng góp về lối chơi và phục vụ cho các ý tưởng chiến thuật thay vì chỉ xoay quanh một cầu thủ trọng tâm nào đó.

Tương tự, cả nước Anh đã bị bất ngờ khi Fabio Capello loại Theo Walcott. Nhưng HLV người Italia cũng có lý do khi đưa ra quyết định này. Walcott là một ngôi sao trẻ đầy triển vọng, song với Capello vai trò của tiền vệ đang chơi cho Arsenal lại không được đánh giá cao so với những cầu thủ khác. Cụ thể hơn, Walcott luôn muốn chơi bóng theo bản năng thay vì tuân thủ các ý tưởng chiến thuật của Capello (đây cũng chính là lý do khiến cho tiền vệ này không được góp mặt tại Nam Phi). So với Walcott, sự cần mẫn của Aaron Lennon, hay Shaun Wright - Phillip được Capello đánh giá cao hơn.

Còn khá nhiều những trường hợp vắng mặt đáng tiếc khác của những ngôi sao tại World Cup 2010. Một điểm chung là họ đều không thích hợp với các yêu cầu chiến thuật ngày càng khắt khe của các HLV. Khi World Cup luôn là giải đấu để các ĐT thể hiện sức mạnh và đẳng cấp của mình, sẽ không có chỗ cho những sai lầm. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho các HLV luôn phải hướng đội tuyển của mình theo một chiến thuật nhất định nào đó, hoặc hướng về sự vận hành chặt chẽ của một cỗ máy trên sân hơn là đặt nhiều hy vọng vào những phút ngẫu hứng của một số ngôi sao.

ĐT Argentina có lẽ là cá biệt nhất trong số 32 ĐT góp mặt tại Nam Phi. Với một dàn sao chất lượng cao, vấn đề của đội bóng xứ Tango là liệu Maradona sẽ sử dụng chiến thuật nào và lắp ghép đội hình chính thức ra sao. Có nhiều ý kiến cho rằng với những con người đang có hiện tại (Messi, Milito, Tevez hay Augero), Maradona chỉ cần tung 11 cầu thủ này vào sân, thay vì tuân theo một chiến thuật, những ngôi sao này sẽ tự biết cách để đá và cũng đủ sức để đưa Argentina đến với những chiến thắng.

Song nên nhớ rằng các trận bóng đá ngày nay không còn "hồn nhiên" như cách đây 2 thập niên và bất kể một ngôi sao nào dù có vĩ đại đến đâu cũng không thể một mình mang tới thành công cho cả một đội bóng. Chiến tích năm 2004 của Hy Lạp trên đất Bồ Đào Nha vẫn còn mới nguyên, hay gần đây nhất là cú ăn ba lịch sử của Inter Milan ở mùa giải vừa qua đã minh chứng điều đó. Với một đội hình không có nhiều ngôi sao nhưng bằng chiến thuật hợp lý, "Vua" Otto vẫn đưa Hy Lạp đăng quang một cách ngoạn mục. Một Inter "non nớt" tại châu Âu nhiều mùa trước bỗng trở nên lầm lì đáng sợ khi được dẫn dắt bởi Jose Mourinho, HLV luôn mang nặng tư duy chiến thuật thay vì một lối đá cống hiến đẹp mắt. Thành công của Italia tại World Cup 2006 cũng dựa trên nền tảng của một lối chơi mang đậm dấu ấn chiến thuật. Ngôi sao sáng nhất của Italia khi ấy là Totti nhưng "nhạc trưởng" của Roma không phải là mẫu cầu thủ có thể một mình làm nên tất cả. Totti chỉ là mắt xích quan trọng nhất trong cỗ máy chiến thắng được gây dựng bởi Marcelo Lippi với tư duy phòng ngự phản công điển hình.

Thành công của Otto, của Lippi, hay Jose Mourinho càng khẳng định một xu thế mới khi bóng đá thiên về chiến thuật thay vì dựa quá nhiều vào tài năng, cảm hứng, nỗ lực của một ngôi sao. Ở World Cup này, dù đang sở hữu những cầu thủ đắt giá nhưng Hà Lan, Tây Ban Nha, Brazil hay Argentina cũng đều muốn hướng tới một sự ổn định về mặt lối chơi mà ở đó các cầu thủ không còn là những ông chủ đơn thuần mà nhiều vị trí sẽ phải làm nhiệm vụ  của những "công nhân" phục vụ cho tập thể. Vì lẽ đó, trên đất Nam Phi những ngày tới đây mẫu cầu thủ một mình mang lại thành công cho cả đội bóng vốn đã hiếm sẽ lại càng hiếm hơn...

Hằng Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm