Cuộc chiến về “nhân quyền” ở Serie A

28/08/2011 06:11 GMT+7 | Italy

(TT&VH Cuối tuần) - Tây Ban Nha, nguyên nhân chính dẫn đến việc đình công bắt nguồn từ tiền bạc, khi khoản nợ lương đã vượt quá 50 triệu euro. Tại Italia, quy định về tài chính được thắt chặt hơn, nên vấn đề chính không nằm ở tiền lương. Trong cuộc chiến giữa AIC với Lega Serie A, đại diện của các cầu thủ cho rằng họ đang đi tìm cái gọi là “nhân quyền”.

Một số cầu thủ Italia, mà cụ thể là những người đang thi đấu ở Serie A, đã tuyên bố họ bị các CLB đối xử thiếu tính nhân quyền. Những người này cho rằng mình bị xem như những món hàng “quá date” không hơn không kém, và luôn bị các CLB tìm cách ném ra đường. Từ vấn đề này, mâu thuẫn giữa AIC (Hiệp hội cầu thủ Italia - Associazione Italiana Calciatori) và Lega Serie A (BTC Serie A) một lần nữa bùng phát.

Hiệp hội cầu thủ Italia của ông Chủ tịch Damiano Tommasi bị chi là đã có những đòi hỏi quá đáng - Ảnh Getty

Cách đây hơn 3 tuần, đội trưởng của 20 CLB Serie A 2011-12 đã đồng loạt ký vào một lá đơn gửi lên Lega Serie A, với lời đe dọa đình công ở vòng đấu đầu tiên, nếu như không chấp nhận một thỏa ước tập thể do AIC khởi xướng. Từ đó đến nay, bầu không khí giữa AIC và Lega Serie A diễn ra rất căng thẳng và ngột ngạt. Mỗi bên đều đã đưa ra những cái lý riêng để bảo vệ quan điểm của mình, và không ai chịu nhượng bộ đối phương.

Để bảo vệ cho cái lý của mình trong cuộc chiến này, AIC đã viện dẫn điều 7, trong điều luật được thông qua từ tháng 7/1986. Khi ấy, cũng có nhiều rắc rối giữa AIC với Lega Calcio (chưa tách riêng Lega Serie A và Lega Serie B) trong giai đoạn trước mùa giải mới. Cuối cùng, trước sức ép từ AIC, Lega Calcio đã thông qua điều 7 và tồn tại trong hơn hai thập niên nay.

Nội dung của điều 7 nêu rõ: “Đội bóng có nghĩa vụ cung cấp các hoạt động thể thao tốt nhất cho các cầu thủ, cung cấp trang thiết bị phù hợp cho đào tạo vận động viên, và cung cấp một môi trường phù hợp với nhân phẩm chuyên nghiệp của cầu thủ. Trong tất cả mọi trường hợp, cầu thủ đều có quyền tham gia vào quá trình đào tạo trước và trong mùa giải với đội bóng, trừ khi đang chịu án kỷ luật”.

AIC cho rằng các CLB đã vi phạm vào điều 7, khi luôn tìm cách bỏ rơi những cầu thủ nằm trong năm cuối của hợp đồng. Những người sắp hết hạn hợp đồng thường bị các CLB ép ra đi, hoặc tìm cách trao đổi với đối tác về cầu thủ mới. Ngoài ra, Lega Serie A - tổ chức đở đầu cho quyền lợi các CLB, còn đưa ra những quy định bị cho là thiếu tính nhân quyền. Theo đó, trong trường các cầu thủ không tuân theo sự sắp đặt của CLB, quyền lợi của họ sẽ bị cắt giảm một nửa.

Lega Serie A đã sai trong việc đưa ra những quyết định này, vì nó chỉ có lợi cho túi tiền của các CLB.  Điều này khiến AIC quyết tâm đấu tranh đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho mọi cầu thủ. Theo AIC, tất cả cầu thủ đều phải được đối xử công bằng, kể cả khi họ chỉ còn vài tháng hợp đồng và đã chọn cho mình một điểm đến mới theo dạng tự do (như trường hợp của Milan cuối mùa trước, các cầu thủ Ambrosini, Pirlo, Nesta, van Bommel, Seedorf vẫn được đối xử công bằng. Sau ngày kết thúc mùa giải, tất cả được đàm phán gia hạn hợp đồng, trừ Pirlo chọn giải pháp ra đi).

Khi AIC sai

Đòi hỏi của AIC được cho là rất hợp tình hợp lý, khi mà quyền lợi của cầu thủ phải đặt lên hàng đầu. Để kiếm lợi, nhiều CLB sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cầu thủ. Tuy nhiên, chính thái độ quá căng của AIC, và việc tổ chức đại diện cho cầu thủ trên khắp đất nước Italia lôi điều 7 ra làm căn cứ đã gây nên phản ứng ngược.

Ban đầu, Liên đoàn bóng đá Italia (FIGC) không đứng về phía nào, và kêu gọi các bên tìm kiếm một giải pháp hòa bình. FIGC không muốn Serie A 2011-12 bị thay đổi về lịch thi đấu. Bởi vì, ở đất nước mà bóng đá có tác động lớn đến xã hội như Italia, Serie A bị hoãn sẽ gây ra nhiều bất lợi. Nó sẽ ảnh hưởng xấu đến văn hóa, kinh tế và nhiều hoạt động xã hội khác. Ngoài ra, sự chuẩn bị của đội tuyển Italia cho EURO 2012, cũng như một số đội tuyển quốc gia khác có cầu thủ chơi bóng ở Serie A, cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Thế nên, trước những hành động và thái độ bất hợp tác của AIC (chỉ muốn Lega Serie A phải nghe theo quyết định của mình), Giancarlo Abete - Chủ tịch FIGC - cho rằng ông thấy xấu hổ khi đặt mình vào địa vị của một công dân. AIC đang đi quá xa việc đấu tranh quyền lợi cho cầu thủ, và đang khiến bóng đá Italia có nguy cơ chịu những tác động xấu (và hình ảnh bị hoen ố thêm).

Theo Chủ tịch Abete, viện dẫn điều 7 là hết sức phi lý. “Đó là một điều luật áp dụng trong bóng đá, và nó không giống như hiến pháp. Việc mang điều 7 ra đòi hỏi khiến tôi cảm thấy xấu hổ, với tư cách một công dân. Quyết định thuộc về Lega, nhưng bản thân không đồng ý ký thỏa thuận tập thể. Bởi vì, sau khi đã ký thỏa thuận, không có nghĩa là họ (AIC) sẽ không tìm kiếm lý do khác để gây chiến”.

Những trường hợp mà AIC cho rằng đã các CLB vi phạm điều 7 (như Fabio Grosso ở Juventus; Marchetti của Cagliari; Goran Pandev và Ledesma với Lazio; Cassano ở Sampdoria), là không thực sự chính xác. Trong 5 trường hợp kể trên, Grosso, Marchetti, Ledesma vẫn được tập luyện bình thường, đúng nội dung điều 7. Cassano đã vi phạm kỷ luật đội bóng (nói xấu Chủ tịch CLB). Chỉ riêng Pandev là bị Lazio cô lập trong thời gian dài. Như vậy, không thể đánh đồng một trường hợp duy nhất với cả một giải đấu. Mà xét trên nhiều khía cạnh, Pandev cũng có lỗi. Cầu thủ này làm mình làm mẩy để ra đi và không tôn trọng Lazio. Trong vụ kiện sau đó, Pandev đã được xử thắng, được giải phóng hợp đồng, nên Lazio đã chịu thiệt và không có lý do gì để mang điều 7 ra nói về trường hợp này.

AIC có cái đúng, nhưng rõ ràng họ cũng đang đi quá đà trong cái gọi là cuộc chiến “nhân quyền”, và đấu tranh vì quyền lợi của cầu thủ. Viện dẫn điều 7 không chính xác, AIC còn quên đi một thực tế: các khoản thuế (đặc biệt là thuế thu nhập cá nhân) của cầu thủ đều do CLB gánh vác. Mới đây, việc Italia thông qua quyết định đánh thuế thu nhập cá nhân cao hơn càng khiến các CLB phải chịu thiệt thòi. Adriano Galliani - phó Chủ tịch Milan - hoàn toàn có lý khi nói rằng trước khi đòi hỏi quyền lợi, các cầu thủ cần nhìn nhận những gì CLB mang lại cho họ.

Mới đây, Roberto Calderoli - Bộ trưởng Bộ Cải Cách thuộc chính phủ Silvio Berlusconi, đã phải vào cuộc và đề xuất việc đánh thuế thu nhập cao gấp đôi với các cầu thủ, những người thuộc diện thu nhập trung bình cao nhất Italia. “Tôi đề xuất các cầu thủ sẽ phải đóng thuế. Tôi không biết làm như thế có tạo được tinh thần đoàn kết giữa cầu thủ với CLB hay không. Nhưng các CLB không thể mãi trả tiền để rồi các cầu thủ cứ thế mà hư hỏng”.

Đòi hỏi quyền lợi là đúng, nhưng lúc này AIC đang tự đẩy mình rơi vào cảnh cô đơn.

Ngọc Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm