(TT&VH) - LTS: Tạp chí Tia Sáng số ra ngày 17/11 có đăng bài viết Mèo trông nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương. Bài viết bình luận về triển lãm Máy của họa sĩ Lê Quảng Hà (diễn ra từ ngày 24-10 đến 7 tháng 11 /2008 tại Viện Goethe Hà Nội), trong đó có nhiều cảm quan cá nhân của tác giả về nghệ thuật hội họa và bình luận riêng về triển lãm của Lê Quảng Hà.
Mới đây, chúng tôi có nhận được bài viết phản hồi của họa sĩ Lê Quảng Hà, với những quan niệm phản biện lại bài viết Mèo trông nhà của họa sĩ Lê Thiết Cương. Chúng tôi đăng trao đổi này, cùng với tóm lược bài viết của Lê Thiết Cương để độc giả tiện theo dõi (do khuôn khổ có hạn, chúng tôi không thể đăng toàn bài, muốn xem nội dung đầy đủ của bài Mèo trông nhà, xin vào địa chỉ: http://www.tiasang.com.vn
Lê Quảng Hà đã “nhầm lẫn hai khái niệm tranh giá vẽ và nghệ thuật sắp đặt?
Trong bài viết Mèo trông nhà, họa sĩ Lê Thiết Cương cho rằng: “Cái điểm khác nhau cơ bản giữa hội họa giá vẽ và nghệ thuật mới (nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art…) là ở chỗ, hội họa giá vẽ phải đạt mục đích cuối cùng là đẹp. Tranh phải đẹp. Không nhất thiết phải có ý tưởng gì… Nghệ thuật mới thì khác hẳn, không nên gọi nó là hội họa ngoài giá vẽ. Đó là một loại hình nghệ thuật độc lập.
Họa sĩ Lê Thiết Cương trong triển lãm tranh ảnh Nude tại
Gallery tư gia 39A Lý Quốc Sư
Mục đích của nghệ thuật mới không phải tạo ra cái đẹp về mặt thị giác. Mục đích của nghệ thuật mới là tạo ra một thông điệp…
Trên quan điểm tách bạch “nghệ thuật mới” và “tranh giá vẽ”, họa sĩ Lê Thiết Cương bình rằng triển lãm của Lê Quảng Hà có sự “nhầm lẫn” giữa “tranh giá vẽ” và “sắp đặt tượng”. Tranh của Lê Quảng Hà vẽ người – máy “trông rất ghê rợn, rất quái gở, khô khan, lạnh lẽo… Dù vẽ máy móc, cơ khí, lưỡi cưa, dây điện, cua -roa, răng cưa thì vẫn không nên thiếu cảm xúc, không nên vô cảm như vậy.. Những bức tranh của Lê Quảng Hà nhiều ý tưởng quá mà lại thiếu vẻ đẹp thị giác. Những bức tranh có vẻ như một bài phản biện, cũng không sao nhưng nó phải được chuyển tải bằng cái đẹp. Tranh chứ không phải là một bài xã luận.”
Cuối cùng, họa sĩ Lê Thiết Cương bình luận cái chưa được của triển lãm là Lê Quảng Hà “nhầm lẫn hai khái niệm tranh giá vẽ và nghệ thuật sắp đặt… Hà đừng mang cái tâm thế của một nghệ sĩ sắp đặt để vẽ tranh thì chắc là những bức tranh của Hà sẽ tranh hơn chăng?”. Tác giả bài viết so sánh Lê Quảng Hà giống như người mua một con mèo to khỏe về để nó vừa trông nhà vừa bắt chuột. Cuối cùng tuy nhà sạch chuột nhưng lại trộm cuỗm hết đồ, bởi mèo không thể trông nhà như chó được…
Thư ngỏ gửi Họa sĩ Lê Thiết Cương
Sau đây là nội dung bức thư của họa sỹ Lê Quảng Hà:
Đọc bài Mèo trông nhà của Hs Lê Thiết Cương trên tạp chí Tia sáng ra ngày 17-11-2008, tôi thấy có vài điều cần trao đổi cùng Cương về quan niệm và nhận thức trong sáng tác. Thật ra, nếu chỉ là nhận thức của cá nhân anh, có lẽ tôi đã không tranh luận. Bởi khi sáng tác, tôi vẫn luôn giành những khoảng trống riêng tư cho người xem, coi đó như là sự tôn trọng khán giả… Vấn đề ở chỗ, Lê Thiết Cương bằng sự ngộ nhận cá nhân đã đưa ra những những định nghĩa lệch lạc về nghệ thuật và sáng tạo nên tôi thấy cần trao đổi thêm với anh về một số điểm sau:
1. Lê Thiết Cương trong vai người am hiểu nghệ thuật nói chung và nghệ thuật đương đại nói riêng, có nhận xét triển lãm của tôi là sự lồng ghép giữa nghệ thuật giá vẽ và nghệ thuật sắp đặt. Anh đưa ra định nghĩa về sự khác biệt cơ bản giữa 2 dòng nghệ thuật này như sau: “Cái điểm khác nhau cơ bản giữa hội họa giá vẽ và nghệ thuật mới* (nghệ thuật trình diễn, sắp đặt, video art…) là ở chỗ: Hội hoạ giá vẽ phải đạt mục đích cuối cùng là đẹp. Tranh phải đẹp. Không nhất thiết phải có ý tưởng gì. Như H. Matisse vẽ tĩnh vật lọ hoa, P.Cezanne vẽ quả táo, V.Vangogh vẽ đôi giày. Từ cổ chí kim, từ đông sang tây, ai ai cũng đều thích nhìn ngắm những bức tranh đẹp. Nghệ thuật mới thì khác hẳn, không nên gọi nó là hội họa ngoài giá vẽ. Đó là một loại hình nghệ thuật độc lập.”
Đọc phần này quả thật tôi hình dung Cương như thầy bói xem voi khi nói về các bậc tiền bối mà anh nhắc đến, chắc vì Cương không nhìn thấy và không nhận ra mà nói bừa, chứ các vĩ nhân, họ chẳng làm gì mà không có ý đâu! Có những ý tưởng lớn lao nhưng cũng có những ý tưởng giản dị. Quan niệm đẹp, xấu mỗi thời cũng có thay đổi. Người tài có khả năng làm thay đổi quan niệm về cái Đẹp. Họ sẽ thuyết phục người khác bằng chính tài năng, lòng trung thực và bằng lao động không mệt mỏi của họ chứ không thể bằng sự nói bừa, làm bừa. Khi Cương nói: “Hội hoạ giá vẽ phải đạt mục đích cuối cùng là đẹp. Tranh phải đẹp” hình như Cương ủng hộ chủ nghĩa duy mỹ trong nghệ thuật? Ngược lại, tôi muốn được làm người đọc lời điếu ngợi ca và tiễn đưa người Anh hùng Duy mỹ. Với tôi, Người anh hùng ấy đã hoàn thành sứ mạng lịch sử và đã đến lúc đi vào quá khứ.
2. Lại một sai lầm thô bạo khi Cương nói: “Mục đích của nghệ thuật mới không phải tạo ra cái đẹp về mặt thị giác. Mục đích của nghệ thuật mới là tạo ra một thông điệp. Một tác phẩm nghệ thuật mới bắt buộc phải có ý tưởng, phải xuất phát từ một ý tưởng nào đó cũng như kết thúc nơi người xem ở chỗ họ phải nhận được ý tưởng của nghệ sỹ thông qua tác phẩm. Hiệu quả thị giác của các tác phẩm nghệ thuật mới vì thế có thể là ghê rợn, kinh hãi, hoảng sợ, hoang mang, căng thẳng”.
Triển lãm Máy
Tôi luôn cho rằng, chủ thể của sáng tạo là những người không bao giờ chấp nhận các giới hạn và khuôn phép cứng nhắc. Những bộ khung làm cho không gian sáng tạo trở nên chật hẹp và tù túng.Trong khi Cương có thể mãn nguyện với sự mất tự do của mình trong cái lồng son với những nguyên tắc, thì Cương lại đi trách cứ những người khao khát bầu trời sao không vào lồng để chia sẻ cùng anh sự tẻ nhạt đó. Thật khôi hài. Hơn nữa, tôi luôn trân trọng những tác phẩm có ý tưởng. Dù ở thời đại nào, theo trường phái nào,với bất kỳ hình thức thể hiện nào, chúng đều bình đẳng. Và tôi tin rằng chúng đều mang trong mình một thông điệp thời đại. Nếu không, chúng chỉ còn là trò mua vui mà thôi.
3. Cuối cùng, phải nói rằng, tôi thật sự bất ngờ với Lê Thiết Cương khi anh nói “Cho dù người ta vẽ cảnh tang tóc, chiến tranh súng ống thì vẫn phải vẽ bằng sự cảm động. F. Léger vẽ nhà máy, công nhân mặc quần áo bảo hộ nhưng vẫn cảm động. Tôi nghĩ Hà vẽ những bức tranh này lạnh lùng quá, “máy móc” quá. Anh quá chú trọng chạy theo ý tưởng. Những bức tranh của Lê Quảng Hà nhiều ý tưởng quá mà lại thiếu vẻ đẹp thị giác. Những bức tranh có vẻ như một bài phản biện, cũng không sao, nhưng nó phải được chuyển tải bằng cái đẹp”.
Giật mình nhận ra rằng: Đâu đây là sự độc ác mang khuôn mặt trẻ thơ hồn nhiên và trong sáng. Tôi tự hỏi mình và nhân đây, xin hỏi Lê Thiết Cương: Giữa tôi và anh, ai là người theo trường phái nghệ thuật tụng ca cho những điều “phản người” (từ của Lê Thiết Cương) đây? Những thứ đèm đẹp như Cương nói, tôi gọi nó là ma túy của tâm hồn. Tôi chưa bao giờ có ý định lãng mạn hóa chiến tranh và bạo lực. Bởi tôi cho rằng, đó cũng chính là tội ác.
Để kết thúc, tôi xin được đính chính một điều. Lê Thiết Cương và một vài tờ báo đã nhầm lẫn khi gọi Triển lãm vừa rồi của tôi tại Viện Goethe là Sắp đặt, cái tên nghe có vẻ sang trọng và thời thượng. Thực ra với tôi, đó chỉ là nhu cầu muốn có sự liên kết giữa mầu, sắc, hình, khối mang tính thẩm mỹ cao trong không gian với mong muốn gửi tới người xem một thông điệp mang tên MÁY.
Linh Lan (lược ghi)