Cúm A nguy hiểm như thế nào?

10/01/2024 11:13 GMT+7 | Tin tức 24h

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy. Theo các chuyên gia y tế, cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Gia tăng bệnh nhân mắc cúm A

Tại Hà Nội, vài tuần trở lại đây số ca mắc cúm A tăng vọt. Nhiều trẻ em và người cao tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi, phải thở máy. Trong số các trẻ đến thăm khám có chỉ định làm xét nghiệm mỗi ngày tại Bệnh viện Nhi Trung ương, khoảng 100-150 trường hợp có kết quả mắc cúm, chủ yếu là cúm A. Trong đó, 15% ca nặng phải nhập viện điều trị. Riêng tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới của Bệnh viện đang điều trị hơn 70 ca mắc cúm, phần lớn bị biến chứng viêm phổi, phải thở oxy. Hai ca suy hô hấp, đang phải thở máy do nhiễm cúm trên nền bệnh tim và thuyên tắc động mạch phổi.

Tại Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có hai trường hợp nhiễm cúm A nguy kịch đang phải lọc máu, thở máy, đều bị tăng nặng suy tim, đái tháo đường. Trường hợp nữ bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân, béo phì, được chuyển vào viện trong tình trạng biến chứng khi nhiễm cúm như suy hô hấp, viêm phổi, suy tim.

Cúm A nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 1.

Bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khám cho bệnh nhi xuất hiện triệu chứng cúm A. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cúm A là cúm gì?

Cúm A là căn bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường lưu hành khi thời tiết chuyển mùa, do các chủng virus cúm phổ biến như A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 gây nên.

Theo Tiến sĩ Vũ Ngọc Long, Phó Trưởng Phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, tình hình cúm ở nước ta trong những tuần gần đây mặc dù có sự gia tăng nhưng đây không phải là sự bất thường vì thời gian hiện nay đang trong thời điểm giao mùa Đông Xuân nên thời tiết thay đổi thất thường, lúc ấm, lúc lạnh thuận lợi cho bệnh đường hô hấp phát triển, trong đó có các tác nhân gây bệnh cúm.

Kết quả giám sát các trường hợp cúm cho thấy, các chủng virus cúm hiện đang lưu hành ở nước ta vẫn là các chủng virus gây bệnh cúm mùa, trong đó chủ yếu là các chủng cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B. Hiện chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A /H5N1, A/H5N6 hoặc A/H7N9.

Các chủng virus cúm mùa lưu hành ở Việt Nam hiện nay cũng tương tự như các nước trên thế giới, chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này tại Việt Nam.

Cúm A nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 2.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cúm A cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cúm A có nguy hiểm không?

Theo các chuyên gia y tế, cúm A là một loại cúm mùa có biểu hiện giống với các loại cúm thông thường nhưng có biến chứng nguy hiểm hơn nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách.

Bệnh cúm A là căn bệnh phổ biến, nguy hiểm đối với người lớn và trẻ em, đặc biệt dễ lây lan. Các chủng virus cúm A có khả năng tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài, có thể sống lên đến 48 giờ trên các bề mặt như tay nắm cửa, bản, ghế, tủ… Virus có khả năng tồn tại trong quần áo lên đến 12 giờ, duy trì 5 phút trong lòng bàn tay.

Bệnh cúm A ở người có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, khác nhau tùy theo tình trạng sức khỏe của từng người. Các triệu chứng khi nhiễm virus cúm A có một số điểm tương đồng với khi nhiễm chủng virus cúm thường. Nếu không được điều trị đúng cách, một số đối tượng như người già, trẻ em, người có hệ miễn dịch suy yếu sẽ dễ dàng mắc thêm các bệnh khác hoặc gặp các biến chứng nặng dẫn đến nguy cơ đe dọa tính mạng.

Biến chứng nặng nhất khi mắc bệnh cúm A là suy hô hấp, với triệu chứng khó thở, thở gấp, đờm có lẫn máu… dẫn đến viêm phổi, thiếu oxy và thậm chí là tử vong.

Do đó ngay khi có các yếu tố dịch tễ như sốt, triệu chứng viêm long đường hô hấp, bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để xét nghiệm và chẩn đoán xác định mắc chủng virus cúm nào để có cách điều trị phù hợp.

Cúm A nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 3.

Cúm A là một loại cúm mùa

Đối tượng mắc cúm A

Bất kỳ ai cũng có thể mắc các chủng virus cúm A. Tỷ lệ cảm nhiễm các chủng virus cúm mới rất cao, có thể lên đến 90% ở người lớn và trẻ em. Một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn và diễn biến nặng hơn khi mắc bệnh, gồm:

Những người có bệnh nền mãn tính như: tiểu đường, tim phổi, suy thận hoặc suy gan, suy giảm miễn dịch,…;

Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng giữa hoặc cuối thai kỳ;

Bệnh nhân suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, đột quỵ, động kinh…;

Những người làm việc ở môi trường đông người như trường học, bệnh viện, công sở có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Triệu chứng nhận biết cúm A

Thông thường, để nhận biết cúm A, người bệnh căn cứ vào các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho. Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.

Ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước…

Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.

Cúm A nguy hiểm như thế nào? - Ảnh 4.

Tại Khoa Nhi của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, rất đông bệnh nhi đang điều trị cúm A. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Cách điều trị bệnh cúm A

Đa phần các bệnh nhân mắc cúm A có thể khỏi sau khoảng 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Hầu hết các trường hợp được chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ có một số ít bệnh nhân diễn biến nặng phải được điều trị và cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế.

Với những bệnh nhân mắc cúm A, các triệu chứng ở mức độ nhẹ, không biến chứng có thể được chăm sóc và điều trị tại nhà, bằng việc:

Nghỉ ngơi kết hợp cùng ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, dễ tiêu hóa.

Uống nhiều nước và hạn chế ăn uống các thực phẩm lạnh.

Uống thuốc theo đơn của bác sĩ điều trị, không tự ý sử dụng thuốc.

Hạn chế đến những nơi đông hoặc tiếp xúc với nhiều người, nếu có phải sử dụng khẩu trang y tế.

Trong trường hợp, sau khoảng 7 ngày các triệu chứng không thuyên giảm mà tiến triển nặng hơn, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được xử lý kịp thời.

Cách phòng chống bệnh cúm A

Để phòng ngừa bệnh cúm A hiệu quả cho những đối tượng có nguy cơ cao mắc cúm A như trẻ em và người cao tuổi nói riêng và tất cả các đối tượng khác nói chung, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:

Vệ sinh cá nhân cẩn thận: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà. Trong mùa dịch, cần tránh tập trung nơi đông người. Nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao cần tránh tiếp xúc với với bệnh nhân mắc cúm hoặc nghi ngờ mắc cúm.

Khi xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ cúm như sốt, ho, sổ mũi… nên đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và xác định bệnh. Từ đó, có các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho những người xung quanh.

Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ với dung dịch sát khuẩn thông thường.

Tăng cường sức đề kháng bằng cách tập thể dục, chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.

Tiêm vaccine phòng cúm đầy đủ, đúng lịch. Đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm phòng đầy đủ trước mùa dịch.

Phương Phương/TTXVN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm