Cục Di sản chính thức lên tiếng về việc 'hồi hương' ấn vàng vua Minh Mạng

01/11/2022 13:46 GMT+7 | Văn hoá

Cục Di sản văn hóa thông tin, Hãng Millon đã đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10. Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Hãng Millon là được phép thương lượng mua trực tiếp trong vòng 10 ngày.

Đấu giá ấn vàng thời Minh Mạng với khởi điểm hơn 72 tỷ đồng

Đấu giá ấn vàng thời Minh Mạng với khởi điểm hơn 72 tỷ đồng

Ấn vàng Kim bảo tỷ (金寶璽) của Hoàng đế Minh Mạng (1791-1841), có giá ước định từ 2.000.000 đến 3.000.000 EURO, tương đương hơn 72,5 tỷ đồng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Hãng đấu giá Millon (Pháp) sẽ đưa ra đấu giá 329 cổ vật, trong đó có 1 ấn vàng đúc năm 1823 triều Minh Mạng và 1 bát vàng triều Khải Định, Cục Di sản đã thu thập thông tin ban đầu, xác lập các căn cứ sử liệu, xin ý kiến của chuyên gia, dựa trên hình ảnh trên hãng cung cấp, bước đầu hai cổ vật đó là di sản văn hóa của Việt Nam.

Nhận thức ý nghĩa tầm quan trọng và các giá trị văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, chính trị của ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”, theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đã chủ động, nỗ lực, khẩn trương tìm kiếm phương án “hồi hương” cổ vật thông qua biện pháp ngoại giao văn hóa, nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong việc đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trở về với đất nước.

Chú thích ảnh
Hình ảnh ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” trên trang web của Hãng Millon (Pháp)

Theo Cục Di sản văn hóa, việc hồi hương cổ vật có thể bằng 3 hình thức:

Cá nhân, tổ chức vận động quyên góp, mua cổ vật và hiến tặng về nước (như: Chuông chùa Ngũ Hộ được đưa từ Tokyo, Nhật Bản về Bắc Ninh năm 1978).

Cá nhân, tổ chức đấu giá từ nước ngoài và hiến tặng về nước (như: Xe kéo của Hoàng Thái hậu Từ Minh được đưa về Huế năm 2015, cổ vật mũ quan đại thần và áo Nhật Bình triều Nguyễn cho Huế năm 2022).

Chính phủ các nước tự nguyện trả cổ vật của Việt Nam thu được từ các cuộc điều tra buôn bán trái phép cổ vật (như: 18 cổ vật nhận từ Đức năm 2018, một số cổ vật Đông Sơn nhận từ Hoa Kỳ năm 2022).

Ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là di sản văn hóa của Việt Nam, là một minh chứng biểu trưng cho quyền lực chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định trong tiến trình lịch sử của Việt Nam

Thông qua các minh chứng thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, có thể khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).

Chú thích ảnh
Mặt dưới của ấn vàng "Hoàng đế chi bảo"

Sau rất nhiều con đường ngoại giao, đàm phán, hiện nay Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với Hãng Millon là được phép thương lượng mua trực tiếp trong vòng 10 ngày. Hiện nay Bộ VHTT&DL đang rất mong muốn tìm được nguồn lực để đưa ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” hồi hương. Vì đây ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” là biểu trưng quyèn lực của thời Nguyễn.

Nếu cổ vật này hồi hương, thì với 2 chiếc ấn vàng Đại Việt Quốc Nguyễn chúa Vĩnh trấn chi bảo và Ấn Hoàng đế tôn thân chi bảo đang được cất giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia sẽ hoàn thiện bộ sưu tập bảo vật của triều Nguyễn.

Hôm 31/10, trước giờ cho lên sàn đấu giá lô cổ vật của Việt Nam, Hãng Millon ở Pháp đã thông báo sẽ hoãn đấu giá chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo”. Thông báo hoãn đấu giá ấn vàng được hãng này đăng tải bằng ba thứ tiếng là tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt. 

Theo đó, Hãng viết bằng tiếng Việt với nội dung: "Kính thưa quý khách hàng, do sự quan tâm mạnh mẽ của Nhà nước Việt Nam đối với món cổ vật số 101 - chiếc Kim Ấn của Vua Minh Mạng, chúng tôi xin thông báo trước rằng, chúng tôi sẽ hoãn việc bán món cổ vật này tới buổi trưa ngày thứ Năm, mồng 10 tháng 11 năm 2022".

Bảo Anh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm