Hôm nay, Hoàng Anh Tuấn “vinh quy”: Ngôi sao & sự ám ảnh

15/08/2008 10:27 GMT+7 | Olympic 2008

(TT&VH) - Nếu không biết rõ về TTVN, thì với dáng ngồi kia, giọng nói kia của Hoàng Anh Tuấn, trong một căn phòng chừng 200m vuông với khoảng gần 100 VĐV đến từ các quốc gia khác nhau, nơi người ta đến để sử dụng internet, tán gẫu, giết thời gian trong Làng Olympic, bạn bè quốc tế hẳn sẽ nghĩ đối diện với họ là người vừa giành được vài tấm HCV và phá kỷ lục thế giới.

Tuấn những ngày qua như bay trên mây. Tấm HCB với anh là động cơ phản lực. Sự tự tin của anh trong không gian chứa đầy các nhà vô địch, những kỷ lục gia đến từ khắp thế giới, còn hơn cả vẻ tự tin anh thể hiện trên sàn đấu môn cử tạ hôm 10-8, và cũng giống như lúc anh hứng chí tuyên bố: anh định phá kỷ lục thế giới của Halil Mutli (người Thổ Nhĩ Kỳ) thiết lập cách nay 8 năm với mức 304kg tổng cử (16-9-2000) hay 168 kg (4/11/2001) cho động tác cử giật và 268 kg cho động tác cử đẩy (24-4-2001)-một điều không tưởng, vì ngay cả người giành HCV Qingquan Long cũng chỉ mới dám mơ tới điều đó trong tương lai.

Hôm qua, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc đã tới Làng Olympic thăm đoàn TTVN. Tuấn có vinh dự ngồi cạnh tân Đại sứ Lê Anh Thơ. Không VĐV nào khác được hưởng vinh dự ấy. Đại sứ còn trích cả tháng lương đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông, thưởng nóng cho Tuấn.

Lực sĩ người Bắc Ninh lúc này đã và đang thực sự là VIP của TTVN. Còn hơn cả cách anh thể hiện và được đối xử trong suốt quãng thời gian từ năm 2005 tới Asian Games 2006 rồi VĐTG 2007 và trước thềm SEA Games 24.

Vật chất dành cho Hoàng Anh Tuấn là điều không cần bàn cãi. Thậm chí, nếu nó thừa thãi cho anh xây một cái nhà 3 tầng hoành tráng hơn căn nhà mà người mẹ của anh chung tay xây cùng hiện tọa lạc ở Bắc Ninh quê hương của Tuấn, cũng rất xứng đáng. Việt Nam thưởng cho thể thao chỉ là “cái đinh” so với mức thưởng của các quốc gia khác trong khu vực. Nếu mức quy định của ngành chỉ là 60 triệu đồng/HCB thì như Thái Lan chẳng hạn, riêng phần của Chính phủ đã là 300.000 USD/HCV, 200.000 USD/HCB và khoảng 130.000 USD/HCĐ.

Nhưng những thứ phi vật chất thì khác. Nó là điều rất nhạy cảm, nhất là với một VĐV đã từng bị ánh hào quang tạo ra những sự ngộ nhận và cả sự cố. Hẳn là những ai quan tâm tới thể thao Việt Nam nói chung và Hoàng Anh Tuấn nói riêng vẫn chưa quên: chính bản thân Tuấn đã khiến anh từ chỗ là niềm hy vọng lớn nhất lại chỉ giành nổi một tấm HCĐ nội dung cử giật ở giải VĐTG năm 2007 rồi sau đó chỉ là một tấm HCB ở SEA Games (khi thua cay đắng Eko của Indonesia).

Thẳng thắn như vậy bởi chúng ta đều biết nhào nặn một VĐV tài năng tầm cỡ thế giới hay trèo lên (gần tới) đỉnh vinh quang rất khó, còn để rơi xuống và hủy hoại họ thì rất dễ.

Và thẳng thắn như vậy có thể làm bớt đi một chút hào khí của chúng ta, nhưng lại rất cần thiết với một nền thể thao cho tới giờ vẫn phải đối phó với tình trạng “con độc”.

Hôm nay, Tuấn sẽ dẫn đầu các VĐV đã kết thúc cuộc phiêu lưu của họ ở Bắc Kinh trở về Việt Nam. Hẳn là sẽ có nhiều người, từ lực lượng truyền thông cho tới ngành thể thao ra sân bay chào đón Tuấn. Vinh quy bái tổ cơ mà!

Nhưng, cũng xin lưu ý, rằng hãy dành cho cả những VĐV đã rất nỗ lực song không đạt mục tiêu đặt ra trước lúc lên đường, như Tiến Minh chẳng hạn. Biết đâu đấy, sự ủng hộ của dư luận và giới hữu trách trong những thời điểm khó khăn nhất sẽ trở thành động lực để anh ta vươn lên và hoàn thiện trong tương lai.

Phong Vũ (từ Bắc Kinh)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm