(Thethaovanhoa.vn) -
Việt Nam là QG có nền TDDC mạnh trong khu vực nhưng phải sau nhiều năm vận động và xin tài trợ mới có thể tổ chức một giải đấu quốc tế cho lứa tuổi trẻ cho môn thể thao này. “Những người làm công tác cho môn TDDC đã rất mong mỏi được tổ chức những giải đấu quốc tế, đặc biệt cho lứa trẻ. Cách đây 3 năm chúng tôi đã có cơ hội làm điều ấy. Trong Đông Nam Á, không chỉ Việt Nam khó khăn trong môn TDDC mà các nước khác cũng vậy.
Thế nhưng, chúng ta vẫn là quốc gia có sự phát triển nhất trong khu vực ở bộ môn thể thao này. Các nước Đông Nam Á, vì thế cũng rất mong muốn Việt Nam đăng cai những giải đấu quốc tế trong khu vực.
Ở Việt Nam hiện nay chỉ có Hải Phòng, Hà Nội, TPHCM, Quân đội là những đơn vị phát triển bộ môn TDDC vì có cơ sở tập luyện và kinh phí đầu tư. Vì vậy, tôi mong giải đấu này là "cú hích" để tái khởi động các phong trào TDDC trong quần chúng, đặc biệt là ở các trường học.
Cũng mong truyền thông, doanh nghiệp cùng “đánh trống” với chúng tôi để có một phong trào tốt hơn”, ông Trần Chiến Thắng, Chủ tịch Liên đoàn Thể dục Việt Nam chia sẻ.
Ông Trần Chiến Thắng (ngoài cùng bên phải) mong giải đấu này là "cú hích" cho phong trào TDDC nước nhà. Ảnh: Hiếu Lương
Giải đấu ông Thắng nhắc tới là giải vô địch trẻ và các nhóm tuổi TDDC Đông Nam Á năm 2016, được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 29/8 năm nay. Giải đấu quy tụ 5 đội TDDC của 4 quốc gia là Việt Nam (2 đội Việt Nam 1 và Việt Nam 2), Malaysia, Singapore và Philippines thi đấu tại Cung Thể thao Quần Ngựa (Hà Nội). Giải đấu do Liên đoàn Thể dục Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức.
Bà Nguyễn Kim Lan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư kí Liên đoàn cho hay: “Lần đầu tiên giải đấu quốc tế cho các VĐV trẻ nhiều lứa tuổi được tổ chức. Tuy không quy tụ 7,8 quốc gia nhưng các quốc gia mạnh về môn này ở Đông Nam Á vẫn có mặt.
Trừ Thái Lan trùng giải đấu khác, Singapore có lực lượng chuẩn bị tốt, được đánh giá cao lại vừa tổ chức SEA Games. Philippines cũng đầu tư rất lớn, Malaysia cũng từng là cường quốc, họ đang bắt đầu đầu tư trở lại”.
Thể dục dụng cụ là một môn thể thao xuất hiện trong Olympic cổ đại. Khi Olympic hiện đại lần đầu tiên trở lại năm 1896, thể dụng dụng cụ cũng trở lại cùng với xe đạp và bắn súng...
Việt Nam nhiều năm qua mới chỉ tổ chức các giải vô địch Quốc gia TDDC cho các lứa trẻ vì vậy tổ chức một giải quốc tế như trên thể hiện sự nỗ lực rất lớn của những người tổ chức. Không những vậy, giải đấu còn kêu gọi được tài trợ từ nhiều doanh nghiệp hơn.
Petro Vietnam Gas tài trợ một bộ dụng cụ thi đấu trị giá 98.000 Euro. Tuy nhiên, do trục trặc về khâu vận chuyển nên giải đấu vẫn chấp nhận sử dụng bộ dụng cụ từ SEA Games 22, cách đây đã 13 năm. Ngoài ra, các hãng Động Lực, Astec cũng cam kết tài trợ về trang phục thi đấu cho VĐV.
TDDC là môn thể thao đỉnh cao và rất được coi trọng tại Olympic cũng như những Đại hội thể thao châu lục. Tuy nhiên, đây là môn thể thao đặc thù trong dụng cụ thi đấu và tập luyện nên chưa trở thành phong trào lớn tại Việt Nam, thậm chí là ít người biết đến.
Sau thành công của những VĐV như Hà Thanh, Phước Hưng, giải đấu này là cơ hội nhằm giới thiệu những gương mặt trẻ tài năng đến đông đảo mọi người.
Gần 100 VĐV trẻ tham dự giải đấu
Tại giải đấu, Singapore góp mặt 16 VĐV, Malaysia có 8 VĐV và Philippines là 6 VĐV. Trong khi đó, Việt Nam có đến gần 60 VĐV trẻ tham dự và sẽ chia ra làm hai đội Việt Nam 1 và Việt Nam 2.
Các VĐV sẽ tranh tài ở các nội dung Đồng đội, toàn năng cá nhân, thể dục tự do, nhảy chống. Các VĐV nam sẽ tham dự các môn riêng là Ngựa vòng, vòng treo, xà đơn và xà kép, còn với nữ là xà lệch và cầu thăng bằng.
Giải đấu cũng chia ra các nhóm tuổi:
- Vô địch trẻ - Nam: 15-18 tuổi (sinh năm 1998-2001)
- Vô địch trẻ - Nữ: 13-15 tuổi (2001-2003).
- Các nhóm tuổi của Nam:
HP2: 10-11 tuổi (2005-2006)
HP3: 12-13 tuổi (2003-2004)
HP4: 14-15 tuổi (2001-2002).
- Các nhóm tuổi của nữ:
HP2: 9-10 tuổi (2006-2007)
HP3: 11-12 tuổi (2004-2005)
HP4: 13-14 tuổi (2002-2003). |
Hiếu Lương