Cột mốc vĩ đại của phim giả tưởng

02/09/2013 14:13 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Không những là một thương hiệu rất thành công về mặt thương mại, bộ phim Planet of the Apes (Hành tinh Khỉ còn ảnh hưởng rất quan trọng đến sự phát triển của thể loại phim khoa học giả tưởng.

Canh bạc của Fox    

Năm 1963, thế giới phương Tây dậy sóng trước cuốn tiểu thuyết giả tưởng La Planète Des Singes của nhà văn Pháp Pierre Boulle. Câu chuyện hư cấu thật đáng sợ trong tương lai gần: Một tàu vũ trụ đáp khẩn cấp xuống một hành tinh lạ. Những phi hành đoàn còn sống phát hiện ở đây có một xã hội mà loài khỉ đã tiến hóa thành sinh vật có trí tuệ và ăn nói như con người. Lũ khỉ này đã chiếm lấy vai trò thống trị, đẩy con người thành những sinh vật câm mặc da thú.

Dự án được mời chào đến các hãng phim, nhưng hầu hết đều không tin rằng bộ phim này có thể thực hiện được. Chỉ có Hãng 20th Century Fox là đặc biệt quan tâm, nhưng một trong những trở ngại lớn nhất mà hãng này e ngại là không biết những khuôn mặt khỉ sẽ trông như thế nào trên màn ảnh, bởi kỹ thuật hóa trang lúc ấy không đủ thuyết phục khán giả.

Để thuyết phục Hãng Fox, các nhà sản xuất bỏ ra 5.000 USD cho một cảnh quay thử được thực hiện với ngôi sao Charlton Heston, đóng cạnh các diễn viên được hóa trang thành khỉ. Hãng Fox rất phấn khích về kết quả của cảnh quay thử này, nhưng vẫn trì hoãn việc làm phim thêm 6 tháng nữa. Chỉ sau khi Fantastic Voyage (1966) trở thành một bộ phim ăn khách, và cho thấy khả năng tiềm tàng mới mẻ của thể loại phim khoa học viễn tưởng, thì Hãng Fox mới quyết định chi 5 triệu USD - một con số rất lớn thời ấy - vào canh bạc mang tên Planet Of The Apes.

Ban đầu Blake Edwards được cân nhắc cho ghế đạo diễn. Nhưng cuối cùng nhà sản xuất Arthur P.Jacobs chọn Franklin J.Schaffner vì tin vào sự tiến cử của diễn viên chính Charlton Heston. Chính Schaffner là người đã thay đổi kịch bản gốc, đưa xã hội khỉ từ bối cảnh tương lai với công nghệ tiến hóa hiện đại, trở về với xã hội nguyên thủy. Quyết định sáng suốt này đã tiết kiệm được rất nhiều tiền.

Cách mạng công nghệ hóa trang của điện ảnh thế giới

Kỹ thuật hóa trang xuất sắc của John Chambers đi tiên phong trong bộ phim này. Nó được dựa theo một kỹ thuật mà ông sử dụng trong suốt Thế chiến 2, để tạo ra một diện mạo bình thường cho các cựu chiến binh bị biến dạng mặt mũi. Chambers bỏ ra nhiều giờ đồng hồ quan sát, nghiên cứu nét mặt lũ khỉ trong Sở thú Los Angeles.

Bộ phim phải cần một đội ngũ hóa trang khổng lồ hơn 80 người, nên gần như đã vét sạch các chuyên gia hóa trang hàng đầu của Hollywood, làm ảnh hưởng đến một vài bộ phim khác phải bị hoãn do thiếu các chuyên gia hóa trang! Tất cả các diễn viên chính và hàng trăm diễn viên phụ đóng vai khỉ đều phải để nguyên lớp hóa trang trên mặt, ngay cả trong những lúc ăn và nghỉ giải lao, nếu không sẽ mất rất nhiều thời gian để hóa trang lại. Do vậy các bữa ăn đều được hóa lỏng và diễn viên phải… “ăn” bằng ống hút!

Roddy McDowall, một diễn viên có kinh nghiệm, đề nghị với các bạn đồng nghiệp đang hóa trang khỉ, nên thường xuyên làm các chuyển động đủ kiểu trên khuôn mặt, hoặc chớp mắt… để làm tăng cảm giác hiện thực và giữ cho lớp hóa trang không có vẻ “giống như mặt nạ”. Hóa trang giống thật đến mức, McDowall đã từng để nguyên lớp hóa trang trên mặt mình và lái xe về nhà, làm những tài xế khác trên xa lộ phải khiếp đảm!

Nếu được điều chỉnh theo lạm phát, thì Planet Of The Apes giữ kỷ lục thế giới là bộ phim có chi phí hóa trang cao nhất (với 345.542 bảng Anh, tương đương 2 triệu bảng Anh ngày nay), chiếm khoảng 17% tổng kinh phí sản xuất. Nhờ thành tựu hóa trang đột phá này, Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ (A.M.P.A.S) phải trao cho John Chambers một giải Oscar đặc biệt dành cho hóa trang (mãi đến năm 1981 hóa trang mới trở thành một hạng mục chính thức).

Một thương hiệu tạo nhiều cảm hứng

Quá trình bấm máy kéo dài từ ngày 22/5 tới đầu tháng 8/1967 trong khi thời hạn bản quyền chỉ hết năm 1967, chủ yếu ở California và Arizona. Do sức nóng ngột ngạt của mùa Hè, việc các diễn viên phải ở trong lốt hóa trang khỉ suốt cả ngày thực sự là một cực hình. Một số diễn viên chịu không nổi đã bỏ vai, còn các diễn viên ngất xỉu trên trường quay thì xảy ra thường xuyên… (rút kinh nghiệm xương máu này, tất cả 4 bộ phim phần tiếp theo đều được quay trong mùa Đông).

Diễn viên chính Charlton Heston thì bị bệnh suốt phần lớn thời gian quay phim vì bị cúm. May sao các nhà sản xuất cảm thấy giọng nói khan khan của ông lại tiếp thêm điều gì đó độc đáo cho nhân vật Taylor... Cộng thêm với rất nhiều rủi ro tốn kém khác, kinh phí của bộ phim đội lên tới 5,8 triệu USD.

Phim có tới 3 đoạn kết khác nhau, được đề nghị làm cảnh cao trào, cuối cùng đoạn kết được Charlton Heston thích đã được chọn. Đó là phần kết gây sửng sốt được cách điệu hóa, mô tả tượng Nữ thần Tự do trong tình trạng mục nát thảm hại, chỉ còn nửa phần thân trên nằm lăn lóc trên bãi biển hoang vắng… đã trở thành một trong những phần kết nổi tiếng nhất mọi thời đại trong điện ảnh. Tác giả Pierre Boulle ban đầu rất bực mình với đoạn kết rất khác biệt trong tiểu thuyết của ông, nhưng sau này ông lại thích phần kết mới này.

Bộ phim phát hành ngày 8/2/1968 tại Mỹ và đạt được thành công lớn về thương mại trên khắp thế giới, khi thu được 32,6 triệu USD. Nội dung độc đáo cộng với bước đột phá về kỹ thuật hóa trang khiến bộ phim được giới phê bình và công chúng đón nhận nhiệt liệt. Đây cũng là một trong những bộ phim đầu tiên mở rộng việc kinh doanh những sản phẩm hàng hóa ăn theo phim: đồ chơi nhân vật, đồ sưu tầm, sách và truyện tranh, các bộ bài, đĩa hát, và một loạt tiểu thuyết hình của Marvel Comics…

Planet Of The Apes đã tạo nên một nhãn hiệu phim thương mại khổng lồ với 4 bộ phim phần tiếp theo trong 4 năm liên tiếp (từ 1970 - 1973). Một loạt phim truyền hình ngắn tập, và phim hoạt hình nhiều tập, một bộ phim cùng tên làm lại của Tim Burton năm 2001, và thành công mới đây nhất là bộ phim có cốt truyện mới toanh Rise Of The Planet Of The Apes (2011). Phim này áp dụng công nghệ kỹ xảo hiện đại Performance Capture (Thu giữ chuyển động và cảm xúc của nhân vật) góp phần đưa doanh thu của bộ phim lên đến gần nửa tỷ USD!


Đạo diễn Franklin J. Schaffner cố tình sử dụng những góc quay kỳ quặc, nghiêng và các camera cầm tay để tạo ra hiệu ứng mất phương hướng, y như những gì nhân vật của Charlton Heston trải qua trong thế giới mới hoang dã này.

John Chambers là chuyên gia hóa trang thứ 2 nhận giải Oscar đặc biệt sau William Tuttle (phim 7 Faces of Dr. Lao năm 1964). Giải dành cho John Chambers cũng được trao rất đặc biệt, do diễn viên Walter Matthau và một con tinh tinh mặc bộ vest tuxedo trao!

Nhạc sĩ Jerry Goldsmith đeo một chiếc mặt nạ khỉ đột trong khi viết và chỉ huy dàn nhạc để “nắm bắt bộ phim tốt hơn”. Kết quả đây là nhạc nền đột phá đầu tiên hoàn toàn không theo điệu thức, hoặc thang âm nhất định nào trong một bộ phim Hollywood.

Phim có nhiều loài khỉ khác nhau, nên vô tình xảy ra một điều rất tự nhiên và ngộ nghĩnh là, đến giờ giải lao các diễn viên được hóa trang cùng loài khỉ thường có khuynh hướng đi với nhau: Khỉ đột đi với khỉ đột, đười ươi đi với đười ươi, tinh tinh đi với tinh tinh… 

Trong kịch bản nguyên gốc, không có khỉ đột hay đười ươi cái trong phim. Những người phụ nữ bản địa đều để ngực trần. Ý tưởng này bị Fox hủy bỏ vì họ muốn đảm bảo phim được xếp loại PG (Trẻ em phải đi kèm với người lớn). 

Tác phẩm của kiến trúc sư huyền thoại người Tây Ban Nha Antonio Gaudi được lấy làm mẫu cho ngôi làng khỉ.
Bộ phim này có cảnh khỏa thân đầu tiên của ngôi sao Charlton Heston, khi anh bị lũ khỉ săn đuổi chạy qua bụi cây sồi độc với tình trạng trần như nhộng.

Charlton Heston (vai Taylor) và Linda Harrison (Nova) là 2 diễn viên duy nhất xuất hiện trong bộ phim gốc 1968, lẫn bộ phim làm lại Planet of the Apes 2001.


Bá Vũ
  Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm