Đâu là ‘bi kịch’ thực sự của Chelsea?

30/07/2017 19:02 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) – Trong rất nhiều năm gần đây, Chelsea không cho ra mắt thế giới một cầu thủ trẻ nổi bật nào. Khác với những Dele Alli của Tottenham hay Marcus Rashford của Man United, những cầu thủ trẻ của Chelsea thường bị đem cho mượn hoặc bán đứt cho một CLB khác trước khi kịp tỏa sáng.

“Nếu Chelsea không giành được chức vô địch Premier League, đó là một bi kịch. Nhưng nếu Tottenham không giành được nó, đối với họ không phải là bi kịch”.

Đó những lời chia sẻ của HLV Antonio Conte trong một buổi phỏng vấn gần đây khi đặt câu hỏi về tham vọng của đối thủ cùng thành phố. Tottenham đã không vô địch Premier League trong 56 năm nay, do vậy, sự kỳ vọng đặt vào họ cũng không quá nhiều.

Trong khi đó với Chelsea, nếu mùa giải vừa qua không giành chức vô địch, đó sẽ là thảm họa với họ. Bởi vì kể từ khi Roman Abramovich bắt đầu đổ hàng trăm triệu vào một trong những dự án “con cưng” của mình, Chelsea đã 5 lần vô địch Premier League.

Tuy nhiên, nếu Chelsea không giành được danh hiệu, đó thực sự chỉ là “bi kịch” cho riêng cá nhân chủ tịch người Nga. Quan điểm của ông là nếu sự đầu tư không mang lại hiệu quả, đó là thất bại.

Ngay cả HLV Antonio Conte cũng có cùng quan điểm như vậy. Theo như chiến lược gia người Italy, nếu muốn vô địch, bạn phải chi tiêu mạnh mẽ hơn.

“Mỗi đội đều phải hiểu được tham vọng của họ là gì. Nếu tham vọng của họ là chiến đấu cho danh hiệu hoặc giành Champions League, bạn phải mua những cầu thủ đắt tiền. Nếu không, bạn sẽ tiếp tục ở lại mức độ hiện tại. Điều đó thật đơn giản”.

Chú thích ảnh
Conte và Abramovich đều cho rằng muốn thành công thì phải đầu tư

Liệu quan điểm trên có thực sự đúng? Trên thực tế, Tottenham đã chứng minh việc tận dụng những cầu thủ trẻ cũng có thể đem lại những thành quả nhất định. Với việc mang về HLV Pochettino cũng như cho ra mắt nhiều cầu thủ trẻ chất lượng điển hình như Dele Alli, Tottenham không tiêu quá nhiều như Man United trên thị trường chuyển nhượng nhưng vẫn xuất sắc cán đích ở vị trí thứ 2 trong mùa giải trước.

Việc cải thiện từ 64 điểm lên 70 hoặc 86 điểm trong những mùa giải sau thật sự là điều gì đó “thành công” với các CĐV Spurs hơn là “bi kịch”. Nó cũng chứng minh rằng các cầu thủ trẻ có thể cải thiện theo từng mùa và dần dần đạt đến đẳng cấp thế giới.

Quan điểm của Tottenham hoàn toàn trái ngược với Chelsea. The Blues có vẻ như khá thiếu kiên nhẫn trong việc chờ xem những cầu thủ trẻ của họ có thể làm được gì.

Candreva có phải thương vụ tốt của Chelsea?

Candreva có phải thương vụ tốt của Chelsea?

Sau khi chiêu mộ Alvaro Morata, mục tiêu tiếp theo của Chelsea mùa hè này là cầu thủ chạy cánh Antonio Candreva của Inter Milan. Theo đuổi thương vụ này có phải lựa chọn khôn ngoan của nhà ĐKVĐ Premier League?

Mùa Hè qua, Chelsea đã mang về Tiemoue Bakayoko với giá 40 triệu bảng trong khi vẫn còn Nathaniel Chalobah trong đội hình. Điều đáng nói ở đây là cả hai đều cùng 22 tuổi, nhưng HLV Conte lại mua về một cầu thủ người Pháp và đẩy tài năng trẻ người bản địa sang Watford theo dạng cho mượn.

Lý giải về quyết định trên, HLV Conte chia sẻ: “Bạn đang nói về một cầu thủ đã thi đấu có thể phải đến 100 trận cho Monaco. Cậu ấy đã thi đấu khá thường xuyên ở Champions League”.

Trong quá khứ, Monaco mang Bakayoko về từ Rennes chỉ với giá 7 triệu bảng Anh. Họ không có quá nhiều cơ sở để đặt niềm tin vào sự phát triển của Bakayoko nhưng quan trọng là họ đã tin vào những cầu thủ bản địa. Trong khi đó, Chelsea lại không sẵn sàng tin tưởng vào tài năng trẻ người Anh.

Ở thời điểm hiện tại, Bakayoko chắc chắn sẽ là giải pháp tốt hơn cho Chelsea so với Chalobah. Nhưng nên nhớ, cầu thủ người Pháp có trải nghiệm và đặc biệt là được cọ sát với sân chơi chuyên nghiệp từ rất sớm so với độ tuổi của mình. Một lần nữa, điều đó cho thấy Chelsea không thể chờ đợi.

Izzy Brown, 20 tuổi, vừa trở thành cầu thủ Anh thứ tư rời Chelsea để chuyển tới đối thủ trực tiếp tại Premier League, Brighton theo một hợp đồng cho mượn dài hạn. Trước đó, Loftus-Cheek đã sang Crystal Palace, Tammy Abraham sang Swansea và Kasey Palmer sang Huddersfield.

Chú thích ảnh
Ngoài Zouma là người Pháp, 4 cầu thủ còn lại được Chelsea đem cho mượn đều là người Anh

Một trong những CLB có cùng triết lý với Chelsea về việc phải mua sắm mạnh mẽ để giành danh hiệu là Man City. Hai CLB này có lò đào tạo chất lượng cùng những cầu thủ trẻ rất đáng gờm. Nhưng phần lớn những tài năng đó đều phải ra đi để nhường chỗ cho những ngôi sao khác tỏa sáng.

Có lẽ, những fan của Man City hay Chelsea cũng cảm nhận thấy sự trống vắng trong những thành công của họ. Đó là sự thành công “vô hình” khi không thể đào tạo ra những tài năng chất lượng cho đội một. Đó là yếu tố cơ bản của một CLB bóng đá thành công.

Nếu không có yếu tố đó, đó mới là một “bi kịch”.

Trung Phạm
Tổng hợp

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm