19/07/2011 13:23 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Qua khảo sát thực địa, các nhà khoa học đã phát hiện trên cao nguyên Đồng Văn khoảng 40 điểm có giá trị di sản mang ý nghĩa quốc tế. Vì vậy, cao nguyên đá Đồng Văn là một di sản địa chất có tầm quan trọng về giáo dục, đồng thời vẻ đẹp khác lạ của nó sẽ là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong và ngoài nước.
Đó là thông tin được các nhà khoa học khẳng định tại Hội nghị Quốc tế về Công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần thứ hai, tại Hà Nội ngày 18/7 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức.
Hội nghị một lần nữa khẳng định quyết tâm của Việt Nam ủng hộ sáng kiến của UNESCO trong việc phát triển công viên địa chất toàn cầu, phục vụ bảo tồn, sử dụng hợp lý các giá trị di sản, đặc biệt là các di sản về địa chất. Sau khi hội nghị kết thúc ngày 19/7, các đại biểu sẽ đi khảo sát Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn trong 5 ngày.
Những giá trị chưa từng phát hiện
Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc: Đồng Văn có nhiều giá trị trên thế giới không có hoặc chưa tìm thấy
Hơn 150 đại biểu đến từ 15 quốc gia và các đại biểu trong nước đã tập trung thảo luận chủ đề chính: Công viên địa chất và du lịch địa chất phục vụ phát triển bền vững.
Hầu hết các chuyên gia có mặt tại hội nghị cho rằng, việc hình thành các công viên địa chất nói chung và Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh Hà Giang nói riêng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phát triển bền vững của một quốc gia. Đó là vai trò lưu giữ được những cảnh quan đẹp, đặc trưng, nâng cao giá trị kinh tế của những cảnh quan tưởng như “vô tri, vô giác”, tránh được sự khai thác bừa bãi khoáng sản làm ảnh hưởng đến môi trường sống.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc nhấn mạnh: “Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn có 10 giá trị nổi bật, trong đó nổi bật nhất là giá trị về diện mạo, giá trị về cổ sinh vật học, giá trị về kiến tạo. Bản thân các giá trị này không chỉ là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam mà với cả thế giới. Ví dụ, nhiều người không biết rằng mặc dù cao nguyên đá Đồng Văn có những đỉnh núi cao 1.000-1.500m so với mực nước biển, nhưng cách đây khoảng 400-500 triệu năm, đấy là vùng biển. Hiện nay, tất cả hóa thạch biển vẫn còn nằm trên đó. Nếu như chúng ta tìm hiểu thì sẽ thấy rõ một tiến trình vận động của vỏ trái đất rất thú vị”.
Cao nguyên Đồng Văn có tới 80% diện lộ đá vôi, với 11 hệ tầng, trong đó có loại trầm tích cổ nhất có niên đại từ 400 đến 600 triệu năm. Cao nguyên này còn rất đa dạng về các loại thạch địa tầng, các loại hình khoáng sản và sự đa dạng cổ sinh học, với hàng nghìn loại thuộc 120 giống của 17 nhóm sinh vật.
Khai thác lợi ích từ đá
Các nhà khoa học thống nhất, việc bảo tồn, lưu giữ những “dấu ấn ngoại hạng” mà Đồng Văn có là rất quan trọng, nhất là trong việc tái tạo quy luật vận động và phát triển của các hiện tượng tự nhiên xảy ra từ cổ xưa. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ ra lo ngại về việc di sản bị xâm hại do hoạt động du lịch cũng như việc khai thác “tận gốc” những địa danh kỳ thú như Công viên đá Đồng Văn.
Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn. Ảnh Thanh Hà
Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc thì: “Vấn đề này không đáng lo ngại vì phát triển du lịch là phát triển ngành kinh tế xanh. Trong quy hoạch tổng thể Cao nguyên đá Đồng Văn mà tỉnh Hà Giang đang xây dựng thì tất cả hạ tầng cơ sở về nhà hàng, khách sạn cho du lịch đều phải xoay quanh việc khai thác bản sắc dân tộc và các giá trị bản địa. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất với UBND tỉnh Hà Giang về việc nếu xây khách sạn thì nên theo cấu trúc kiểu di tích “nhà Vương” chứ không xây dựng tràn lan những building cao tầng, nhiều cửa kính, cửa chớp, vì nó hoàn toàn không phù hợp. Chúng ta có thể yên tâm là Hà Giang đã đi theo hướng đó nên việc xâm hại di sản là không đáng lo ngại”.
Thứ trưởng Nguyễn Linh Ngọc nêu rõ, song song với quy hoạch là bảo tồn và phát triển, Hà Giang phải vận động bà con dân bản, giáo dục cho họ biết về giá trị của di sản đang tồn tại ngay cạnh mình, từ đó họ sẽ có ý thức tự bảo vệ di sản.
Bà Katherine Muller Marin, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết: “Hội nghị Quốc tế về Công viên địa chất khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần này là bản ghi nhớ của UNESCO và Việt Nam. Đây cũng là dịp để Việt Nam tăng cường hình ảnh của mình đóng góp cho khu vực và thế giới. Việt Nam nên tự hào vì đã có Công viên địa chất riêng, tuy nhiên, Công viên địa chất không chỉ liên quan đến đất đá mà còn liên quan đến con người. Bất cứ địa phương nào có di sản thì công dân ở địa phương đó phải được hưởng lợi từ những di sản đó. Tôi sẽ nhấn mạnh vấn đề này, đặc biệt là với lãnh đạo tỉnh Hà Giang".
Phạm Nguyễn
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất