24/02/2013 07:26 GMT+7 | Phim
(Thethaovanhoa.vn) - “Nhờ những thay đổi tuyệt vời trong quy tắc của Viện Hàn lâm mà một bộ phim đoạt Oscar có thể không phải vì hay nhất, mà chỉ vì được vận động tốt nhất”, một thành viên giấu tên của Viện Hàn lâm Điện ảnh Mỹ nói.
Những năm gần đây, Viện Hàn lâm đã có các quy định mới để kiểm soát các chiến dịch vận động, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ sau khi công bố đề cử đến lúc trao giải.
Ben Affleck và George Clooney, bộ đôi đạo diễn – nhà sản xuất điển trai của Argo, trên thảm đỏ giải điện ảnh BAFTA của Anh hôm 10/2, nơi Argo giành giải Phim hay nhất và Ben giành giải Đạo diễn xuất sắc. |
“Mê cung quy tắc” của Viện Hàn lâm
Các hãng phim chỉ có thể gửi cho các thành viên của Viện các DVD phim, bản chiếu rạp, và hộp đựng không được ghi những câu quảng cáo cho phim như các DVD bán trên kệ. Các hãng cũng không được gửi quà cho các thành viên của Viện, không được mời họ dự tiệc sau ngày công bố đề cử.
Gần đây là một quy định mới: thành viên trong Viện không được công khai ủng hộ hay phản đối một đề cử nào đó…
“Để tuân thủ đầy đủ các quy định rắc rối này, có lẽ tôi phải thuê cả chuyên gia tư vấn, hướng dẫn!”- một thành viên Viện Hàn lâm nói với Wall Street Journal.
Các quy định của Viện Hàn lâm đang tạo thành một mê cung. Bên cạnh đó chủ đề chính trị trong những bộ phim được đề cử đã khiến cho cuộc chạy đua tranh giải năm nay mang đậm màu sắc chính trị. Các phim được đề cử tìm đến các chính trị gia có tiếng nói, như đã nói ở kỳ 1, để gây chú ý. Các chính trị gia không phải không hứng thú, họ sẵn sàng phát biểu ủng hộ một bộ phim vì lợi ích chung của đôi bên.
“Diễn” như Affleck!
Nổi lên từ LHP Toronto, bộ đôi Affleck và Clooney của Argo thường xuất hiện cùng nhau tại các sự kiện. Quá nổi tiếng ở Hollywood, Clooney – người suýt đạo diễn Argo nhưng đã để lại vị trí này cho diễn viên nam chính Affleck vì vướng lịch làm việc. Và chính Affleck – nhân vật quan trọng nhất của bộ phim (đạo diễn, nhà đồng sản xuất kiêm diễn viên chính) - đã nổi lên như những nhà vận động Oscar quyền lực và đẹp trai.
Mặc dù vậy, cả hai chỉ là biểu hiện bề ngoài cho nguồn cảm hứng mới mẻ và phóng khoáng mà Hollywood đang yêu thích. Đằng sau thành công của Affleck là một câu chuyện hấp dẫn, sự tái sinh của một tài năng. Hàng loạt bài báo và cuộc phỏng vấn đã công nhận sự trở lại của nam diễn viên này sau bộ phim thất bại lớn Gigli năm 2003. Còn sự quyến rũ của Clooney đang được huyền thoại hóa. “Ai có thể cưỡng lại Clooney nào!”, lời một thành viên Viện Hàn lâm.
Có khả năng sự vắng mặt bất ngờ của Affleck trong bảng đề cử Đạo diễn xuất sắc lại là chìa khóa mở ra khả năng chiến thắng của Argo ở hạng mục Phim hay nhất. Thứ người ta chú ý là phản ứng rất “cool” (tuyệt vời) của Affleck. Liên tiếp trong các lần lên nhận giải Quả cầu vàng và hàng loạt giải thưởng gần đây, đạo diễn 41 tuổi có những phát biểu ấn tượng, những trích dẫn hay ho.
“Affleck đang hóa thân vào vai diễn hay nhất của anh ấy, vai Affleck!”- một nhà cố vấn tranh giải cho đối thủ của anh tại Oscar nói.
Đừng dại dột gây tranh cãi chính trị!
Tính xác thực của vài bộ phim dựa trên sự việc thực tế có thể làm lợi hoặc gây hại cho bộ phim đó trong quá trình tranh giải Oscar. Năm nay, số lượng phim dạng đó ở bảng đề cử Oscar nhiều bất thường. Cuộc tranh luận về tính xác thực của chúng càng trở nên phức tạp.
Argo là một trong số các phim như thế, khi kể về cuộc giải cứu 6 con tin Mỹ ở Iran trong cuộc khủng hoảng năm 1979. Ra mắt tháng 10 năm ngoái, đạo diễn Affleck đã giải quyết vấn đề tính xác thực một cách êm xuôi. Anh nhấn mạnh tính hư cấu của vài cảnh trong phim, bao gồm cảnh cuối khi các sĩ quan Iran đuổi theo chiếc máy bay chở các con tin. Bộ phim được xác định là một phim hành động kịch tính và phục vụ khán giả hơn là một lời phán xét đối với Iran.
“Tôi chưa thấy ai không thích Argo”, một thành viên của Viện nói với Wall Street Journal.
Trái lại, Zero Dark Thirty của Kathryn Bigelow sớm “sa lầy” bởi những rắc rối chính trị gặp phải, khi nữ đạo diễn táo bạo đưa vào phim các cảnh tra tấn gây tranh cãi.
Nhưng liên quan mật thiết đến chính trị nhất thì phải kể đến Lincoln, bộ phim có chủ đề chính trị và lịch sử. Nhà sản xuất kiêm đạo diễn Steven Spielberg và ngôi sao Daniel Day-Lewis đã tham gia buổi chiếu ở Washington dành cho các nhà làm luật và gặp gỡ ông Harry Reid, thủ lĩnh phe đa số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện.
Lincoln cũng đã 2 lần được giới thiệu trên chương trình tin tức 60 Minutes của đài CBS. Đây là chương trình lớn, có hơn 10 triệu lượt người xem. Spielberg cũng tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 149 năm bài phát biểu nổi tiếng Gettysburg Address của Tổng thống Lincoln hôm 18/1. 9000 người đã đứng dậy vỗ tay hoan nghênh ông.
Hiệu quả của các nỗ lực vận động này? Lễ trao giải Oscar tối Chủ nhật 24/2 ở Los Angeles (Mỹ), tức sáng thứ Hai 25/2 theo giờ Hà Nội, sẽ cho chúng ta câu trả lời. |
Mi Ly
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất