16/03/2023 10:52 GMT+7 | Văn hóa Giải trí 247
Theo tờ Bangkok Post, cộng đồng mạng đang bất đồng ý kiến về việc liệu khách du lịch Trung Quốc có nên mặc đồng phục học sinh Thái Lan hay không.
Một số người cho rằng, những du khách nước ngoài muốn mặc chúng như cosplay (trang phục nhập vai) để tìm kiếm cảm giác mới lạ. Tuy nhiên, một số học sinh Thái Lan nói rằng, không nên nhầm lẫn trào lưu thời trang với việc bắt buộc mặc đồng phục, điều mà họ đang phản đối.
Theo tờ Bangkok Post, Cúc Tịnh Y - một nữ diễn viên Trung Quốc và là cựu thành viên của nhóm nhạc SNH48 – mới đây đã đăng ảnh mặc đồng phục học sinh Thái Lan trên tài khoản mạng xã hội Weibo của mình, tạo thành trào lưu của du khách Trung Quốc khi đến Thái Lan, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng.
Ngoài các cơ hội kích cầu du lịch được Bộ Giáo dục và Tổng cục Du lịch Thái Lan đề cập, một số cư dân mạng lưu ý rằng, trong khi du khách nước ngoài thích thú với việc mặc đồng phục học sinh, một số học sinh Thái Lan, bao gồm cả phong trào "Học sinh hư", đang phản đối việc bắt buộc mặc đồng phục.
Anna - một thành viên 17 tuổi của phong trào "Học sinh hư" đã nói với phóng viên Bangkok Post rằng: "Thực ra, nhóm không phản đối việc mặc đồng phục như vậy, mà chỉ phản đối việc bị ép phải mặc chúng".
Anna cho rằng, đồng phục học sinh cũng giống như bất kỳ loại quần áo nào khác và học sinh nên được phép tự do lựa chọn theo sở thích cá nhân.
Vai trò của văn hóa giải trí
Pagon Gatchalee - giảng viên về tiếp thị tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Chiang Mai (Thái Lan) - cho biết, trào lưu mặc đồng phục học sinh cũng phù hợp với văn hóa cosplay ở Trung Quốc, nơi rất phổ biến mặc đồng phục học sinh, đặc biệt là đồng phục học sinh Nhật Bản.
Ông Pagon - một chuyên gia về Trung Quốc và là quản trị viên của trang Facebook "Ai Zhong" (Yêu Trung Quốc) - cho biết, người Trung Quốc đã tiếp xúc với văn hóa giải trí Thái Lan trong một thập kỷ qua. Những bộ phim như Love of Siam và First Love có dàn diễn viên trẻ mặc đồng phục học sinh Thái Lan, và người hâm mộ Trung Quốc rất thích điều đó.
Ông Pagon cho biết thêm, người Trung Quốc có thể thấy đồng phục học sinh Thái Lan khác với đồng phục của họ, điều này có thể giải thích sự quan tâm của họ.
"Ở Trung Quốc, học sinh tiểu học và trung học thường mặc một loại quần áo thể thao làm đồng phục. Ở cấp đại học, trang phục thường ngày hay được các sinh viên mặc thay vì đồng phục", ông Pagon nói.
Văn hóa cosplay
Theo tờ Bangkok Post, trên các nền tảng mạng xã hội như Douyin và Xiaohongshu, nhiều cư dân mạng Trung Quốc cũng lên tiếng về trào lưu này.
Nhiều người sử dụng thuật ngữ "JK", là từ viết tắt của từ tiếng Nhật "Joshi Kousei", có nghĩa là "nữ sinh trung học". Thuật ngữ này có thể được sử dụng trong ngữ cảnh thông thường hoặc cụ thể, và thêm vào đó, đồng phục học sinh Nhật Bản thường được mặc cho mục đích thời trang hoặc cosplay.
Ông Pagon cho biết, khi đề cập đến đồng phục học sinh Thái Lan, cộng đồng mạng Trung Quốc thường sử dụng cụm từ "JK phiên bản Thái Lan", ngụ ý đồng phục học sinh Thái Lan được coi là trang phục cosplay giống như đồng phục học sinh Nhật Bản.
Ông Pagon nói thêm, từ dữ liệu tìm kiếm và bán hàng trên Baidu và các trang bán hàng trực tuyến của Trung Quốc, trào lưu mặc đồng phục học sinh Thái Lan hiện vẫn nhỏ hơn trào lưu mặc đồng phục học sinh Nhật Bản.
Theo ông Pagon, những người bạn Trung Quốc đã nói với ông rằng, mặc đồng phục học sinh Thái Lan là một trào lưu xuất hiện trên mạng và không thường xuyên xuất hiện ở những nơi công cộng tại Trung Quốc.
Việc mặc đồng phục học sinh Nhật Bản phổ biến hơn, trong khi đồng phục Thái Lan chỉ thỉnh thoảng được mặc bởi du khách Trung Quốc khi đến thăm Thái Lan, ông Pagon nói.
Tính hợp pháp của việc mặc đồng phục học sinh
Theo tờ Bangkok Post, trong khi công chúng phản ứng tích cực với trào lưu này, một số chuyên gia đã nêu lên những lo ngại pháp lý về việc những người không phải là học sinh mặc đồng phục học sinh như một trào lưu thời trang, dẫn đến những phản ứng trái chiều trong cộng đồng mạng Trung Quốc.
Amporn Pinasa - Tổng thư ký Văn phòng Ủy ban Giáo dục Cơ bản Thái Lan - cảnh báo, mọi người không nên mặc đồng phục học sinh có phù hiệu của trường vì nó có thể dẫn đến các vấn đề pháp lý với ngôi trường đó.
Tương tự, Rachapon Sirisakorn - một luật sư người Thái Lan - cảnh báo, không nên mặc đồng phục học sinh có phù hiệu hoặc tên viết tắt của một ngôi trường cụ thể, vì điều đó có thể vi phạm Đạo luật Đồng phục Học sinh năm 2008 của nước này, với mức phạt lên tới 1.000 baht (gần 700.000 VNĐ).
Ông Pagon - người hiện đang ở Trung Quốc – cho biết, sau khi những lo ngại về tính pháp lý được đưa ra, "các ý kiến đã chia thành hai phe". Một số du khách Trung Quốc tin rằng, mỗi quốc gia đều có những điều luật khác nhau và cần phải tuân theo.
Trong khi đó, có người khác thắc mắc, tại sao việc đó lại bị coi là bất hợp pháp? Vì trái ngược với Thái Lan, đồng phục học sinh Nhật Bản thường được mặc bởi nhiều người ở các quốc gia khác nhau, và đó là một phong cách thời trang mà không gây ra bất kỳ hậu quả nào.
Bất chấp những phản ứng trái chiều về việc này từ cộng đồng mạng Trung Quốc, ông Pagon vẫn khẳng định rằng, "đây là cơ hội tốt để Thái Lan thúc đẩy du lịch, thương mại và nâng cao nhận thức về đất nước Thái Lan".
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất